TTCN Hè 2010: Vì sao Man City chi tiền gấp gáp?

01/09/2010 11:25 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- HLV Alex Ferguson của M.U đã mỉa mai Manchester City sau thất bại 0-1 của đội bóng áo xanh trước Sunderland là “tiêu tiền kiểu Kamikaze”. Hình ảnh ví von của Ferguson so sánh giữa những hoạt động của Man Xanh trên thị trường chuyển nhượng với phi đội chiến đấu cơ cảm tử Thần Phong của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai sẽ đi vào lịch sử các câu trích dẫn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải là lỗi của Man City nếu như họ, từ một CLB chỉ biết trụ hạng ở Premier League, ôm tham vọng sau một đêm vươn vai thành gã khổng lồ ở châu Âu. Và cách duy nhất để hiện thực hóa điều đó là một núi tiền.

Kỳ chuyển nhượng tiếp theo, vào tháng 1/2011, sẽ là mùa mua bán cầu thủ cuối cùng không bị ảnh hưởng bởi những luật lệ mới về tài chính của Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini. Trong năm tài khóa tiếp theo, từ tháng 4/2011 tới tháng 4/2012, các CLB phải bắt đầu giảm bớt những khoản thua lỗ và trong khi còn 4 mùa giải nữa quy định của UEFA mới chính thức có hiệu lực, mọi đội bóng sẽ phải chuẩn bị cho nó ngay từ bây giờ.

Nói một cách đơn giản, sau năm nay, tất cả các vụ chuyển nhượng sẽ diễn ra dưới sự giám sát, dù là tương đối, của UEFA. Man City có thể khiến nhiều người cảm thấy họ là một đội bóng giàu sổi đáng ghét, nhưng ngoài việc có sẵn tiền, động thái hiện giờ ở City of Manchester, một phần quan trọng, là do Platini đã sắp bắt đầu cuộc chiến của ông với những CLB chi tiêu một cách điên cuồng, dẫn đến những khoản nợ không thể kiểm soát được và đi liền với đó là sự thiếu bền vững của bóng đá cấp CLB ở châu Âu.

Mancini đã chi mạnh tay trong mùa chuyển nhượng năn nay- Ảnh Getty

Những đội bóng hàng đầu, như M.U của Ferguson, với doanh thu cực lớn, biết chắc rằng một khi “lệnh giới nghiêm” được áp đặt, họ mới là những kẻ có ngân sách lớn nhất trên thị trường. Man City lúc này đây đang cố gắng lách qua cánh cửa hẹp trước khi UEFA đóng sầm nó lại, bằng cách mua, mua và mua. Trong sự vội vàng hối hả đó, thật dễ hiểu khi cách tiêu tiền của HLV Roberto Mancini đôi khi tỏ ra phi lý. Ví dụ, số tiền Man City bỏ ra để có được James Milner, cầu thủ vừa trải qua một kỳ World Cup đầy thất vọng, bằng tổng số tiền Real Madrid dùng để mua Mesut Ozil và Sami Khadira, hai trong số những ngôi sao sáng giá nhất giải đấu ở Nam Phi.


David Silva, không kiếm nổi một chỗ trong đội hình chính thức của TBN, đã đến Man City với cái giá không thua bao nhiêu so với David Villa, tiền đạo tài năng nhất thế giới hiện nay. Tương tự, Yaya Toure tiêu tốn của các ông chủ Trung Đông 24 triệu bảng, bằng với số tiền Barcelona bỏ ra để có tiền vệ trung tâm đội trưởng tuyển Argentina, Javier Mascherano, từ Liverpool.

Tổng chi chuyển nhượng của Man City kể từ khi Shek Mansour tiếp quản CLB đã lên tới hơn 350 triệu bảng, nhưng họ có lý do để làm điều đó, ngoài giấc mộng “Phù Đổng”. Bằng cách tiêu tiền bây giờ, đội bóng áo xanh hy vọng sẽ xây dựng được một đội hình đủ mạnh để hướng tới thành công trước khi luật lệ của UEFA không cho phép họ hứng chịu những khoản lỗ khổng lồ để mua sắm một cách điên cuồng nữa. Việc chi tiêu lớn ngay lúc này là để chuẩn bị cho tương lai. Lấy ví dụ, dù giá của Milner là 24 triệu bảng, Man City có lựa chọn là trả góp số tiền đó trong 5 năm, tương đương với 4,8 triệu bảng mỗi mùa, nhưng họ đã không làm như thế.

Nếu chấp nhận trả góp, phần tiền họ còn thiếu Aston Villa sẽ bị UEFA tính vào chi phí của CLB trong các mùa tiếp theo và trên cơ sở đó hạn chế các vụ chuyển nhượng tiền tấn khác của họ. Bằng cách trả dứt điểm một lần, những ông chủ với túi tiền vô hạn của Man Xanh có thể chi thoải mái bây giờ mà vẫn để dành chỗ cho việc tiếp tục tăng cường lực lượng trong tương lai, khi luật lệ của UEFA đã có hiệu lực.

Trần Trọng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm