Chuyện Man City: Học cách sống như người thường

19/11/2012 13:12 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chiến thắng 5 sao trước Aston Villa là bằng chứng cho thấy rằng Manchester City có thể đòi lại ngôi đầu Premier League bất cứ lúc nào họ thực sự muốn, và tập thể này đã sống đủ lâu với ám ảnh tiền bạc để hiểu ra rằng đến lúc họ phải loại nó khỏi suy nghĩ.

1. Ảnh hưởng của David Silva ở Man City rõ ràng đến nỗi trong hai trận anh trở lại và đá chính từ đầu, đội bóng áo xanh đều giành thắng lợi. Anh là người chuyền bóng cho Edin Dzeko ghi bàn đem về 3 điểm trước Tottenham Hotspurs, và vòng này đích thân ghi bàn mở ra trận thắng giòn giã cho Man City.

Thật khó tin là một đội bóng giàu có và nhiều cầu thủ làm bóng như thế lại phụ thuộc đến vậy vào một người. Aguero giống như một mảnh ghép mà cứ tháo ra là Man City bối rối. 8 trận gần đây tính trên mọi đấu trường, HLV Roberto Mancini chỉ sử dụng sơ đồ 4-2-3-1, nhưng 4-2-3-1 không Silva chỉ thắng được 3 trận, mà 2 trong số đó là tương đối nhọc nhằn (đặc biệt là trận gặp Swansea). Còn lại, họ hòa 3 trận với cách chơi khá nhạt nhẽo. Có Silva, Man City lập tức bùng nổ.

Vai trò điều chỉnh chiến thuật của ông Mancini trong việc khắc phục lỗ hổng Silva là rất mờ nhạt, dù Samir Nasri cũng có thể là một cầu thủ kiến tạo lối chơi, hoặc Yaya Toure, và thậm chí là Sergio Aguero. Nhưng điều quan trọng hơn cả là Man City không được chuẩn bị một phương án B khi thiếu Silva.

Tất cả những gì ông Mancini làm là ám chỉ đến sự thiếu chuẩn bị của các Giám đốc thể thao trên thị trường chuyển nhượng, trong khi bản thân ông không hề chuẩn bị các phương án chiến thuật để tận dụng lực lượng dồi dào đang có.

2. Man City đã chi không hề ít mùa Hè này, 54 triệu bảng. Nhưng phần lớn đều là những hợp đồng mất định hướng như Javi Garcia, hay Jack Rodwell. Đây đã là mùa bóng tiêu tiền ít nhất của Man City trong 4 năm “hóa rồng” vừa qua. Thực tế là với đội hình có chiều sâu đã đăng quang ở mùa bóng trước, mua bán như thế là phí phạm.

Chỉ với số tiền chi ra trong vài năm ấy, Man City đã trở thành đội bóng bạo chi số hai trong lịch sử Premier League, với 703 triệu bảng mua cầu thủ. Số một là Chelsea với 824 triệu. Nhưng Chelsea của Abramovich đã bắt đầu lột xác từ năm 2003. Và nên nhớ là đội bóng thành công nhất kỷ nguyên Premier League, Manchester United, chỉ tiêu có 533 triệu. Đội thành công số hai là Arsenal, thậm chí chỉ chi ra 385 triệu.

Tiền nhiều là tốt, nhưng biết tự chủ còn tốt hơn. Chelsea chỉ khởi động lại chiến dịch mua sắm mùa này sau khi đội bóng chứng tỏ tiềm lực bằng chức vô địch Champions League đầy bất ngờ mùa trước. Hai mùa bóng vừa qua, M.U cũng mới quyết định tích cực mở hầu bao, khi trải qua một giai đoạn chuyển giao khó khăn. Arsenal thậm chí còn dè xẻn hơn nữa.

3. Tất cả những đội bóng kể trên đều đã phải học cách xoay xở để phát huy tối đa những gì đội bóng của họ có. Mùa này, HLV Alex Ferguson thậm chí sẵn sàng bỏ sơ đồ có các tiền vệ cánh, vị trí đã tạo ra lịch sử M.U, để tạo ra sự mới mẻ cho đội áo đỏ. Sơ đồ 3 trung vệ đã được báo chí Anh nhắc đến như một sáng kiến làm mới mình của Arsenal, và trên thực tế, thì đội bóng của ông Wenger đã chơi tạt bóng nhiều hơn mùa này (và cũng ghi nhiều bàn bằng đầu hơn). Chelsea của HLV Roberto Di Matteo có thể chơi phòng ngự rất tiêu cực mùa trước, và đá phóng khoáng đến… ngây thơ mùa này.

Mancini và Man City thì vẫn chưa sẵn sàng bỏ bình sữa mà ông chủ chu cấp ra khỏi miệng, trong khi họ hoàn toàn có thể chơi tốt và chiến thắng với các nhân tố cũ, nếu tái khởi động khát vọng và chuẩn bị đủ các phương án để tận dụng tối đa nguồn lực đang có.

Carlos Tevez, cầu thủ từng bị coi là bỏ đi ở Man City, vẫn là một cầu thủ đẳng cấp mà nhiều đội bóng thèm muốn. Giữ anh lại, khuyến khích và làm mới anh bằng nhiều vai trò hơn có thể là cách tốt hơn bỏ ra một đống tiền cho một tiền đạo mới chưa chắc đã có tố chất bằng Tevez.

Man City và ông Mancini đã tiêu xài hoang phí đủ để hiểu rằng đã đến lúc họ phải sống như “người thường”, độc lập và biết cách vượt qua nghịch cảnh. Đó mới là một đội bóng, chứ không phải một tập thể của các nhà trọc phú cứ khó khăn là sờ đến tiền.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm