11/02/2025 06:40 GMT+7 | Champions League
Dù không ưa gì nhau, Man City và Real Madrid lại có một điểm chung: Cả hai đều bất mãn với giải đấu quốc nội và muốn thay đổi cuộc chơi theo cách riêng của mình.
Real Madrid và Man City từng có chung một đồng minh: Quỹ đầu tư Mubadala của Abu Dhabi, UAE, nơi đã tài trợ 400 triệu euro để cải tạo sân Bernabeu vào năm 2014. Tuy nhiên, khi dự án bị trì hoãn và thay đổi kế hoạch, Real không thực hiện đúng cam kết ban đầu, khiến vụ việc kéo dài đến tận tòa án Paris năm 2023, nơi Mubadala thắng kiện.
Từ đồng minh thành kẻ thù
Giờ đây, họ chạm trán nhau ở vòng play-off tranh 1 vé vào vòng 1/8 Champions League, trong một cặp đấu mà UEFA không muốn sớm xảy ra. Nếu Real vẫn hợp tác với Abu Dhabi, có lẽ họ đã đến Etihad tuần này với logo IPIC trên áo đấu và một thỏa thuận thương mại lớn từ Trung Đông.
Điểm chung lớn nhất giữa Real và Man City là sự đối đầu với cơ quan quản lý của giải đấu trong nước. Họ là 2 CLB có doanh thu cao nhất thế giới (theo hãng kiểm toán Deloitte) và muốn tái cấu trúc bóng đá theo ý mình. Real Madrid từng là CLB giàu nhất thế giới đầu những năm 2000 và dẫn đầu thị trường chuyển nhượng. Nhưng giờ đây, họ bất mãn với sự phát triển của Premier League, trong khi vẫn xung đột với La Liga và UEFA.
Chủ tịch Real Florentino Perez và Chủ tịch La Liga Javier Tebas luôn đối đầu nhau trong các vấn đề bản quyền truyền hình, trọng tài hay quỹ đầu tư tư nhân. Mới đây, Tebas còn đe dọa kiện Real vì cáo buộc tham nhũng trọng tài.
Ở Anh, Man City cũng có cuộc chiến riêng với Premier League. Họ tiếp tục đệ đơn kiện về các sửa đổi luật lệ mà các CLB đã thông qua hồi tháng 11/2024, trong bối cảnh vẫn đang chờ phán quyết từ ủy ban độc lập. Điều quan trọng cần nhớ là Man City sẽ không dừng lại. Họ sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý hết lần này đến lần khác, trong khi phần còn lại của giải đấu cố gắng tập trung vào bóng đá.
Real có thể coi Man City là nguyên nhân khiến họ gặp khó khăn. UEFA từng cố gắng cấm Man City dự Champions League năm 2020 vì vi phạm Luật Công bằng tài chính, nhưng không thành công, điều khiến Real, đội bóng có bề dày lịch sử nhất châu Âu, thêm bất bình.
Perez, người đã lãnh đạo Real suốt 22 trong 25 năm qua, từng đưa đội bóng trở thành thế lực lớn nhất trên thị trường chuyển nhượng, nhưng thời đó đã qua. Bên cạnh đó, sự kém hấp dẫn của La Liga so với Premier League khiến doanh thu truyền hình giảm sút, buộc Real phải vay nợ và bán trước các nguồn thu để duy trì sức mạnh. Real đã xoay xở bằng cách vay nợ và bán trước các nguồn thu tương lai, nhưng việc duy trì mô hình này mãi mãi không phải chuyện dễ dàng.
Man City và Real Madrid có một mối duyên nợ với nhau
Ngược lại, Man City vận hành theo mô hình của Hoàng gia Abu Dhabi, những người không chỉ thay đổi bóng đá Anh trên sân cỏ mà còn sẵn sàng lao vào cuộc chiến pháp lý để thay đổi các quy tắc của giải đấu.
Real vẫn duy trì mô hình CLB thành viên 123 năm tuổi, ngăn chặn mọi hình thức đầu tư tư nhân. Mô hình này giúp Perez kiểm soát CLB mà không cần bỏ ra khoản tiền khổng lồ, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Real có thể phải bán một phần CLB trong tương lai. Vấn đề là làm sao để thực hiện điều đó mà không vi phạm luật pháp Tây Ban Nha và liệu các thành viên có sẵn sàng từ bỏ cổ phần của mình hay không.
Cuộc chiến quyền lực không hồi kết
Trong khi đó, cả Man City và Real Madrid tiếp tục hoạt động như những thế lực tách biệt khỏi các giải đấu giúp họ trở nên nổi tiếng toàn cầu. Họ đã chiến đấu với các cơ quan quản lý trong nước và UEFA, và có thể vẫn chưa dừng lại ở đó.
Hai đội có thể còn gặp lại nhau ở FIFA Club World Cup vào tháng 6 năm nay. Nếu cả hai giành ngôi đầu bảng, họ sẽ nằm ở hai nhánh đấu khác nhau và hoàn toàn có thể tái đấu trong trận chung kết vào ngày 13/7.
FIFA là tổ chức duy nhất mà cả Man City và Real Madrid chưa công khai đối đầu. Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, thậm chí còn là khách mời của Khaldoon Al Mubarak và CEO Ferran Soriano trong trận Man City gặp Chelsea gần đây.
Những người yêu thích sự cạnh tranh công bằng chắc chắn muốn thấy một Man City chơi sòng phẳng tại Ngoại hạng Anh mà không có những cuộc chiến pháp lý. Tebas và những người điều hành bóng đá Tây Ban Nha cũng mong muốn điều tương tự với Real Madrid. Nhưng có vẻ như cả hai CLB này lại thích chiến đấu. Họ muốn điều hành giải đấu theo cách của mình - và những hệ lụy từ đó sẽ còn tiếp diễn mãi mãi.
Trung Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất