Man United mua sắm ngôi sao giống hệt Real Madrid

17/07/2015 13:09 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Các CĐV tỏ ra phấn khích khi Man United đang mua sắm rầm rộ. Nhưng theo bài viết trên trang ESPN, đó chỉ là sự vá víu cho các điểm yếu, chứ chưa phải là một chính sách nhân sự nhất quán như dưới thời Sir Alex Ferguson.

1. Với những đội bóng lớn khác của Premier League, sức trẻ và triển vọng giờ đang là ưu tiên số 1. Liverpool chẳng hạn, đã mua về hàng loạt cầu thủ trẻ mùa Hè vừa rồi. Arsenal thì từ lâu rồi đã theo đuổi chính sách nhất quán ưu tiên cho người trẻ. Ferguson cũng từng như thế, nhưng giờ Old Trafford không còn là đất lành cho những cầu thủ triển vọng nữa.

“Giá trị bán lại” là một khái niệm khác mà Man United cũng đang bỏ qua, và có liên quan mật thiết tới điểm thứ nhất. Ngay cả Chelsea và Manchester City, những CLB suốt một thập kỷ qua xây dựng trên tiền bạc, cũng đã phải suy nghĩ cẩn thận để đầu tư khôn ngoan hơn, để nếu không có lãi, thì ít ra cũng hòa vốn một khi phải thanh lý những cầu thủ họ đã mua về.

Mùa trước, Man United đưa về Angel Di Maria với giá kỷ lục nước Anh, 59,7 triệu bảng, dù chưa hề có ý tưởng rõ ràng về việc sử dụng anh ra sao. Họ cũng mượn Radamel Falcao với mức phí cắt cổ 6 triệu bảng, dù chấn thương đầu gối của anh là điều ai cũng biết và trong tay của HLV Louis van Gaal đã có 2 chân sút đẳng cấp Wayne Rooney và Robin van Persie, cũng như ông vốn ưa thích đội hình 1 tiền đạo.

Họ cũng tự hào có thể mua Luis Suarez trong vòng một năm nếu muốn. Nhưng nếu như dưới thời Ferguson, về chính sách chuyển nhượng, Man United giống với Barcelona, Borussia Dortmund hay thậm chí là Southampton, thì giờ đây, họ lại tỏ ra giống hơn với Real Madrid.

2. Những gì họ đang làm chính là đường lối “những Zidane và những Pavone” từng nổi tiếng ở Bernabeu: Sự kết hợp giữa các siêu sao và những tài năng bản địa, dù rốt cuộc, cách làm đó đã thất bại ở Madrid. Real đã xây dựng được một đội bóng giành mọi danh hiệu, nhưng sau đó họ phải xây dựng lại tất cả từ đầu. Những Pavone của họ rốt cuộc đã chẳng thể đóng góp gì nhiều cho đội bóng.

Tiếp theo, ban lãnh đạo ở Bernabeu đã bị đẩy vào thế đi từ cực đoan này tới cực đoan khác, đưa về nhiều gương mặt đắt giá, những chữ ký bom tấn và mọi ngôi sao họ có thể nghĩ ra, bất chấp sự cân bằng của đội hình và tư duy trong dài hạn. Đó là một căn bệnh lan tràn ở AC Milan những năm 1990 và Real những năm 2000. Thiên tài của Ferguson ngăn điều đó xảy ra ở Old Trafford, nhưng giờ ông đã ra đi và Man United cũng không miễn nhiễm.

3. Lịch sử chỉ ra rằng mọi đế chế rồi sẽ phải tới ngày suy tàn, và đế chế Man United đang nỗ lực cứu vãn điều đó. Trong vòng 72 tiếng, họ đã mua về Bastian Schweinsteiger và Morgan Schneiderlin, cả hai đều là những lính đánh thuê chuyên nghiệp, và ở tuổi 30 và 24, khó có thể coi là các vụ đầu tư cho tương lai. Đó đơn giản là yêu cầu về vị trí tiền vệ trung tâm mà Van Gaal đòi hỏi bấy lâu nay.

Man United giờ rõ ràng không còn là đội bóng hành xử rất khôn ngoan và hợp thời dưới quyền Ferguson nữa. Họ đang dần giống với bất cứ kẻ giàu sổi nào của châu Âu nhan nhản ngoài kia. Trước mỗi mùa bóng, họ xác định những điểm yếu và đi tìm các ngôi sao lớn nhất để lấp vào chỗ trống đó, bất chấp việc sự cân bằng trong đội hình ra sao và tương lai dài hạn có như thế nào.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm