Man United: Chính sách mua sắm làm hại tuyến trẻ?

06/09/2014 11:36 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Từ trước đến nay, Man United rất tự hào về khả năng cho ra lò những cầu thủ trẻ tài năng. Nhưng việc chi hơn 100 triệu bảng mang về các tân binh liệu có phải là tín hiệu buồn hay không?

Việc Man United chi tiêu rầm rộ trong mùa giải năm nay thể hiện mong muốn lấy lại vị thế của một ông lớn trong làng bóng đá Anh. Tuy vậy, điều này cũng đang đem lại một sự đổi thay về triết lý của đội chủ sân Old Trafford. Trước khi trở thành một kẻ hào phóng trên thị trường chuyển nhượng, Man United là mảnh đất lý tưởng để những cầu thủ trẻ tỏa sáng.

Không có chỗ cho những người trẻ

Đội bóng từng 20 lần vô địch nước Anh không ngần ngại trong việc đôn lên đội một những tài năng trẻ. Đó là điều khiến cho họ có quyền tự hào, như những thế hệ của Matt Busby hay Sir Alex Ferguson. Đó là hai triều đại gắn bó chặt chẽ nhất với triết lý ấy.

Nhưng mùa này tình hình đã khác. Cụ thể hơn, hoạt động của Man United trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè thể hiện rõ tham vọng mùa giải này, nhưng lại là tín hiệu không vui cho các cầu thủ ở tuyến trẻ.

Sự xuất hiện của những ngôi sao như Radamel Falcao hay Angel Di Maria có thể khiến nhiều cổ động viên Man United cảm thấy phấn khích. Mặt khác, cũng không nên thờ ơ với sự ra đi của Tom Cleverley hay Danny Welbeck. Họ chính là những cầu thủ được xếp vào nhóm cầu thủ nội tiềm năng của Man United. Cộng thêm với Jonny Evans, đây là lứa cầu thủ tài năng gần nhất mà đội chủ sân Old Trafford sản sinh ra.

Đáng buồn, Tom Cleverley lại bị coi là một sản phẩm thổi phồng của bóng đá Anh. Giai đoạn đỉnh cao phong độ của Cleverley đã diễn ra cách đây 3 năm, cụ thể là trong 20 phút trận gặp Man City tại Siêu Cúp nước Anh. Còn Evans, dù có một số thời điểm chơi tốt, nhưng nhìn chung anh không còn khả năng tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp ở tuổi 26.

Còn với Welbeck, đúng là anh để lại chút dấu ấn với một vài bàn thắng đẹp và lối chơi đồng đội. Tuy vậy, chân sút 23 tuổi này không thể tỏa sáng đều đặn, và rất ít khi được đá chính thường xuyên kể từ khi xuất hiện ở đội một.

Việc chuyển đến Arsenal phần nào đó đem đến cơ hội để Welbeck thay đổi số phận. Điều đáng tiếc là anh đã bỏ lỡ cơ hội để làm điều đó tại sân Old Trafford. Welbeck không có được sự lạnh lùng khi đối mặt với thủ môn, như Ruud van Nistelrooy hay Robin Van Persie vẫn thường làm.

Đi mua, thay vì tự đào tạo

Thế hệ 1992 của Man United được coi là ví dụ sinh động cho những gì một lò đào tạo trẻ tốt có thể làm được. Tuy nhiên, năng suất sản sinh ra những thế hệ như thế lại không đều đặn.

Kể từ thời của những Ryan Giggs hay Paul Scholes, những tài năng triển vọng từ đội trẻ của Man United cứ ngày một thưa thớt dần. John O’Shea và Wes Brown đã phục vụ ở đội một đầu những năm 2000. Wes Brown từng góp mặt trong đội hình của Man United dự trận chung kết Champions League năm 2008, còn John O’Shea được ra sân khá đều đặn. Khi bộ đôi này đối mặt với đội bóng cũ trong màu áo Sunderland, họ tỏ ra khá bất ngờ trước sự đi xuống của Man United.

Tất nhiên những cầu thủ trẻ trong đội hình Man United vẫn còn đó. Dù vậy, đó đều là những sản phẩm được mua về với giá không hề rẻ: Phil Jones, 19 triệu bảng từ Blackburn Rovers, Chris Smalling, 10 triệu bảng từ Fulham. Ngay đến tài năng trẻ Adnan Januzaj cũng được mang về từ Anderlecht ở tuổi 16. Anh chính là niềm hy vọng cuối cùng của lò đào tạo trẻ Man United.

HLV Louis Van Gaal luôn hướng đến những yêu cầu cao nhất. Đó là lý do vì sao những Radamel Falcao hay Angel Di Maria góp mặt ở sân Old Trafford. Không ai phủ nhận chiến lược gia 63 tuổi này rất mát tay với các cầu thủ trẻ. Nhưng những cầu thủ trẻ Man United cần phải nhanh chóng thể hiện sự tiến bộ nếu không muốn trở thành kẻ ngoài cuộc.


Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm