Diego Maradona: Cầu thủ vĩ đại nhất?

06/05/2014 14:42 GMT+7 | World Cup 2018

(giaidauscholar.com) - Diego Maradona hay Pele? Cuộc tranh luận ai là cầu thủ vĩ đại nhất có lẽ sẽ là một cuộc tranh cãi bất tận.

Pele tự hào với 3 chức vô địch World Cup, nhưng Maradona mới là cá nhân nổi bật nhất thống trị cả một giải đấu theo cách mà không ai sánh được, vô tiền khoáng hậu. Những người lập luận ủng hộ anh có lý do vững chắc, và rất khó tranh luận với họ.

Đỉnh cao 1986

Mexico 1986 là khoảnh khắc mà anh rời đỉnh Olympus để trở thành một cầu thủ bất tử. Trên đường đến với cúp vàng ở sân Azteca, Maradona đã ghi 5 bàn, kiến tạo 5 bàn khác và tạo cảm hứng cho một nhóm cầu thủ Argentina không quá xuất sắc làm nên điều phi thường, chức vô địch thế giới thứ hai của xứ sở tango.

Trước Anh ở tứ kết, Maradona đã ghi bàn thắng được công nhận là đẹp nhất thế kỷ 20, đi bóng qua 5 cầu thủ Anh trước khi đánh lừa thủ thành Peter Shilton và sút tung lưới trống. “Tôi muốn ghi nhớ mãi khoảnh khắc đó bằng một tấm ảnh lớn treo ở đầu giường”, chính Maradona nói về bàn thắng đó trong cuộc tự truyện năm 2000, “El Diego”.

Người Anh cho tới giờ vẫn tiếp tục than phiền về bàn đầu tiên của Maradona buổi chiều hôm đó, một pha dùng tay chơi bóng cố ý đã đánh lừa được trọng tài người Tunisia, bàn thắng sau này sẽ trở nên nổi tiếng với tên gọi “Bàn tay của Chúa”. Maradona đã thực sự một tay đè bẹp ĐT Anh. “Tôi cũng rất hài lòng với bàn thắng kia. Đôi khi tôi nghĩ mình còn thích bàn thắng đó hơn, cả hai bàn đều có sức quyến rũ riêng”.

Chính khả năng khiến người khác nổi giận, đồng thời tạo cảm hứng cho các đồng đội, đã khiến Maradona trở thành vĩ đại. Năm 1978, khi mới 17 tuổi, cả đất nước Argentina đã kiến nghị đưa anh vào đội hình dự VCK World Cup trên sân nhà, nhưng HLV Cesar Luis Menotti đã phớt lờ. Mario Kempes, ngôi sao của giải đấu 1978 mà Argentina vô địch trên sân nhà, thì nhận xét: “Bỏ lỡ World Cup 1978 khiến Maradona sau này là một cầu thủ còn giỏi hơn, như anh đã thể hiện ở giải VĐTG trẻ sau đó”.

Không bao giờ có Maradona thứ hai

Năm 1982, vừa chuyển sang TBN, Maradona, 21 tuổi, đã là một thủ lĩnh của ĐT Argentina, dù Kempes vẫn còn chơi bóng. “Chúng tôi đã gặp hai đội rất mạnh ở giai đoạn 2, Brazil và Italy”, Kempes nói. “Và Maradona giống tôi năm 1974: còn quá trẻ, nhưng 1982 đã giúp anh ấy tỏa sáng ở 1986”.

Bị đuổi khỏi sân vì trả đũa trong trận gặp Brazil cũng chấm dứt luôn World Cup đầu tiên của Maradona. Mexico 4 năm sau đó là cơ hội để “Cậu bé vàng” của bóng đá Argentina sửa chữa mọi tiếc nuối quá khứ. Sau khi Tây Đức chiến đấu quả cảm gỡ lại 2 bàn bị dẫn trước, chính Maradona đã chuyền tuyệt đẹp giúp Jorge Burruchaga ghi bàn ấn định chiến thắng.

Maradona sẽ còn trở lại, nhưng không bao giờ được như xưa. Năm 1990, gần như không chạy nổi sau một mùa bóng khắc nghiệt cùng Napoli ở Serie A, nơi Maradona luôn bị các hậu vệ Ý chăm sóc đặc biệt, anh vẫn đưa được Argentina vào chung kết, dù họ chỉ còn là “cái bóng mờ của nhà vô địch đầy cảm hứng 1986”. 4 năm sau nữa còn thất vọng hơn, khi Maradona bị loại khỏi giải giữa chừng vì bị phát hiện sử dụng doping ở Mỹ 1994.

“Không có Pele, Brazil mất 24 năm mới lại vô địch World Cup”, Quique Wolff, đồng đội của Maradona ở Argentinos Juniors, kết luận. “Tới năm 2014, Argentina đã 20 năm không có Maradona”. Thật ra, World Cup có lẽ không bao giờ có một cầu thủ như Maradona nữa.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm