05/06/2015 14:36 GMT+7 | Champions League
(giaidauscholar.com) - Nhà vô địch World Cup 1982 đã chứng kiến Juventus trải qua tất cả những thăng trầm, từ hàng loạt chức vô địch Serie A tới thảm họa Heysel, nhưng khẳng định lần này đội bóng ông yêu mến đang tìm lại còn đường vinh quang quen thuộc.
Ông tin rằng Champions League cần Bà đầm già thì mới là một giải đấu trọn vẹn. Tuy nhiên, Tardelli lo lắng về tình trạng chung của bóng đá Italy, nhất là vấn đề hooligan.
Calcio chỉ biết "nói mồm"
“Tôi đánh giá rất cao những gì nước Anh đã làm sau thảm họa Hillsborough 1989, họ quyết tâm chấm dứt nạn hooligan”, Tardelli nói. “Và họ đã làm được. Ở Italy, chúng tôi đã cố gắng từ năm 1977 và mỗi lần có điều gì đó tồi tệ xảy ra, họ lại nói: “Từ giờ trở đi, vĩnh viễn chấm dứt”. Nhưng họ chỉ nói miệng. Italy thiếu sự quyết tâm đối phó với vấn đề đó. Ai cũng biết phải hành động, nhưng không ai làm gì. Một số CLB còn hợp tác với các nhóm “ultra” vì bị chúng đe dọa.
Rồi còn vấn đề tham nhũng và dàn xếp tỉ số, nỗi lo sợ triền miên rằng mọi trọng tài ở Italy đều có giá. “Trong sâu thẳm, người Italy luôn nghĩ rằng nếu bạn chiến thắng, thì theo cách nào đó bạn đã ăn gian”, Tardelli nói. “Có thể trọng tài là người của bạn. Ở Anh thì khác, vì mọi người đều tin trọng tài. Họ có thể không thích những gì các trọng tài làm, nhưng tôn trọng sự ngay thẳng của ông ấy. Ở Italy thì không. Họ đều cho rằng trọng tài bảo vệ những đội lớn chống lại các đội nhỏ".
"Nếu họ không bỏ tiền ra cho chuyển nhượng hay cho các lá cờ, băng-rôn cổ vũ, họ sẽ gặp rắc rối. Mà bỏ tiền cho những điều đó có nghĩa là ít tiền hơn cho việc tu sửa sân bóng. Ở Juventus, đó là một vấn đề dai dẳng, dù chưa xảy ra sự cố lớn nào”.
Người hiểu rõ tinh thần Juve
Ít người hiểu rõ tinh thần Juve như Tardelli. Ông gia nhập CLB từ Como năm 20 tuổi năm 1975 với giá 1 tỉ lira, tương đương với 2 triệu euro ngày nay, và sau 10 mùa giải, đã giành mọi danh hiệu có thể: 5 Serie A, 2 Cúp quốc gia, Cúp UEFA, Cúp C2 và Siêu Cúp châu Âu, trước Heysel.
“Juventus thuộc về gia đình Agnelli, một gia đình vĩ đại, cũng là những người sở hữu hãng Fiat”, Tardelli nói. “Và họ quản trị CLB cũng giống như Fiat, với cùng những tiêu chuẩn. Việc xăm hình không được khuyến khích. Các cầu thủ cũng được yêu cầu phải học thêm văn hóa khi có thể, vì triết lý của đội bóng là huấn luyện những cầu thủ có học hành và thông minh dễ dàng hơn".
Trên sân, Tardelli là mẫu cầu thủ nam tính, góc cạnh và bùng nổ của một quá khứ đã xa. Màn ăn mừng bàn thắng của ông khi Italy vươn lên dẫn 2-0 trước Tây Đức ở chung kết World Cup 1982 trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của giải đấu. Khi được hỏi liệu việc chết danh là một tiền vệ chặt chém để vô địch World Cup có xứng đáng với ông không, Tardelli đơn giản gật đầu.
“Tôi có thể đá rất rắn”, Tardelli nói. “Nhưng tôi không bao giờ tệ như Nobby Stiles. Và tôi không bao giờ kêu ca khi ăn đòn trả đũa. Tôi đã đánh nhau với Zico và với Kevin Keegan. Tôi cũng đánh nhau với Diego Maradona. Anh ấy cũng là kiểu cầu thủ đá xấu mà không nói một lời nào. Tôi không nghĩ những cầu thủ ngày nay có thể chơi thứ bóng đá mà chúng tôi đã chơi, rất khắc nghiệt".
Nhưng ngay lúc này, Tardelli không nghĩ nhiều về quá khứ, mà về việc làm sao để Juventus có thể ngăn cản bộ ba của Barcelona Lionel Messi, Luis Suarez và Neymar. “Làm sao tôi ngăn được họ ư?” Tardelli nói. “Tôi sẽ làm những gì tôi đã làm với Maradona… nhưng giờ chơi kiểu đó không được nữa. Có lẽ chúng tôi cần chút phép màu. Nhưng điều tôi yêu mến về đội Juventus này là quyết tâm của họ, họ sẽ chiến đấu tới cùng. Họ chưa phải là đội bóng trong mơ, nhưng với lòng quyết tâm đó, mọi chuyện đều có thể xảy ra”.
Trần Trọng (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất