Thư Kiev: Từ một góc chợ Lisova

06/06/2012 11:12 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH)- Đối với Kiểm, niềm hạnh phúc lớn lao của anh trong cả tháng EURO này có khi không phải là việc bán được bao nhiêu quần bò và áo phông vốn được sắp xếp một cách ngay ngắn trên dây chăng dọc con đường vào chợ, mà là anh sẽ đi xem mấy trận EURO 2012 cùng với bạn bè.

Phải rồi, xem EURO ngay trên đất nước mà anh đang sinh sống và kinh doanh nhỏ từ 12 năm nay, trong một cơ hội chắc chắn sẽ không lặp lại một lần nữa đối với những người yêu bóng đá và có một chút chất SLNA như anh, là một điều kì diệu, kì diệu như cái cách mà những người tiểu thương Việt mình ở khu chợ Troeshina cười sung sướng khi bảo đã có đến 40 người trong số họ mua vé vào sân xem các trận của Ukraina. Kiểm, anh chàng đẹp trai có nụ cười đúng chất Công Vinh giơ ra một tờ giấy đặt vé đã ghi rõ những trận anh sẽ xem và cười rất duyên khi được hỏi, liệu Kiểm có cá độ một chút với những người đồng hương của mình ở đây hay không. Anh bạn người Việt đi cùng tôi bảo, người mình ở đây cá độ, cá độ rất ác và điều đó gợi nên trong tôi sự tò mò lớn lao, đến mức đã đặt ra cả một chuyên đề về cá độ của người Việt ở “U”. Hình như cái đam mê rất đời thường nhưng tốn kém ấy của người mình thì sống ở đâu cũng thế. Không biết có ai đã ra đê mà ở chưa, nhưng ở Ukraina không có đê. Nhưng vẫn được biết là ở đây, có người vì “chơi bóng” mà mất cả một container hàng...



Kiểm khoe anh đã có vé vào xem nhiều trận của đội Ukraina tại EURO lần này

Kiểm chỉ là một trong gần chục tiểu thương bán quần áo ở chợ Lisova. Đấy không phải là chợ lớn nhất của Kiev mà chỉ là một khu chợ nhỏ bán đồ rẻ tiền như rất nhiều những khu chợ khác trong thành phố. Nó không có quy mô như khu chợ Troeshina, chợ lớn nhất Kiev. Số lượng người Việt mình ở Lisova chẳng thấm tháp là bao so với cái chợ đã nêu tên kia. Nhưng số phận họ ít nhiều có những điểm tương đồng, niềm mơ ước và bao khát khao trong cuộc sống cũng không khác nhau mấy. Có một điều không khác nhau nữa: sự bươn trải trong mưu sinh. Kiểm đến Kiev từ năm mới 21 tuổi, chả biết gì về nơi này, nhưng thích làm giàu và coi đất nước này như quê hương thứ hai, sau Nghệ An của mình. Mấy gian bán áo phông ở Lisova bây giờ của anh là sản phẩm từ cả một hành trình dài với những khó khăn ban đầu cho đến bây giờ, khi đã có chút vốn liếng, có cô vợ tần tảo phụ hàng bên cạnh, người hiện bán hàng cùng anh và dùng máy khâu để sửa quần áo, lên gấu cho những chiếc quần bò theo yêu cầu của khách. Vợ Kiểm cũng trẻ như anh, nhưng cuộc sống nơi này đã khiến cô già trước tuổi. Cả hai vợ chồng đều có những đôi mắt nhìn sáng và sâu một cách kì lạ, với những cái nhìn có thể gây ám ảnh cho người đối thoại. Nhưng toát lên trên tất cả là sự gần gũi và chân thành. Mà đến một nơi cách Việt Nam cả nghìn cây số, nghe tiếng Nghệ mà họ nói, thấy thật dễ thương.

Còn tương lai để hy vọng

Cũng như Kiểm, Đại sang đây với hy vọng đổi đời và dường như sương gió của cuộc sống nơi xứ người, tình trạng luôn phải đối phó với hoàn cảnh sống ngặt nghèo đã khiến chàng trai 26 tuổi đến từ Phú Thọ này trở nên dày dạn và cứng cỏi hơn. Cậu cũng bán áo phông và quần bò, cũng có một gian hàng ở chợ Lisova, và có lẽ cũng như tất cả những người Việt đang sống và làm tiểu thương ở Đông Âu, cũng đã và đang trải qua những năm tháng khó khăn. Cậu bảo, 3 năm đầu cậu ở đây, công việc làm ăn tốt, nhưng 2 năm trở lại đây, mọi thứ không còn suôn sẻ nữa, khách đến mua ít đi vì bản thân họ bị khủng hoảng kinh tế và nếu như chính quyền sở tại không còn gây khó dễ cho họ trong thời điểm này nữa, thì cuộc sống nói chung cũng nặng nề hơn. Điều này thì tôi hiểu, bởi trong những năm tháng ở Ý, tôi đã được tiếp xúc không ít người Việt sang đấy "đánh hàng" là quần áo Trung Quốc về Czech và Ba Lan để bán, sau khi dán mác xịn. Họ sang lúc đầu nhiều, đánh cả xe tải nhỏ sang chở và ngồi nhiều đêm để uống rượu với tôi, kể về cuộc sống của họ ở đất khách quê người. Sau đó họ sang thưa dần, rồi ít hẳn, bởi hàng bán chậm, lay lắt hơn. Nhưng họ vẫn phải sống, phải tìm cách để mà sống.



Cuộc sống đầy khó khăn và thách thức, nhưng Đại và những người như cậu vẫn lạc quan hướng về phía trước

Kiểm và Đại có lẽ cũng chung số phận ấy. Nhiều người Việt khác ở Kiev cũng mệt mỏi hơn vì cuộc sống hiện tại. Đại bảo, nếu khó khăn vẫn tiếp diễn, cậu sẽ về làm ăn ở Việt Nam, với một số vốn ít ỏi mà cậu đã dành dụm được. Nhưng về thế nào được nhỉ, khi cậu đã có một cô người yêu Ukraina? Đại cười khi được hỏi như thế. Bạn gái cậu cũng làm ăn kinh doanh và là người Kiev. Những mối tình Việt-Ukraina thường rất dài và không ít trường hợp trở thành hôn nhân, như anh bạn người Việt đi cùng tôi. Anh đã sang đây học từ những năm 1980 và rồi ở lại, vì một cô gái Ukraina, người giờ đang là vợ anh và có với anh hai con. Tôi không biết Đại có đi theo con đường đó không, bởi thời đại bây giờ khác xưa. Tình yêu cũng bị các điều kiện của cuộc sống làm cho tầm thường đi nhiều. Nhưng đúng là trong cuộc sống, chẳng điều gì có thể nói trước được, kể cả việc Đại yêu một cô Ukraina, đã gắn bó 5 năm với đất nước này, nhưng lại không hề muốn ủng hộ đội tuyển của đất nước người yêu mình ở EURO 2012, mà khẳng định cậu thích đội Nga. Cậu bảo, cậu tin rằng Nga có đến 75% khả năng vô địch tại giải này. Rất nhiều người sẽ cười khi cậu nói điều ấy. Các nhà cái (trong đó có không ít ông cầm "cái" người Việt ở Ukraina này cũng như ở Nga) có lẽ cũng sẽ cười, nhưng cười theo cách khác.

Tôi hỏi tại sao cậu lại thích Nga, nơi cậu chỉ ở đó đúng một tuần trước khi sang đây, mà không phải Ukraina, nơi Đại đang sống. Đại chỉ cười, không nói thêm gì nữa. Tôi hiểu cái sự "tế nhị" ở đây là gì, và một tuần cậu nằm ở Nga có lẽ là để đợi giấy tờ và chờ người đưa sang Ukraina theo con đường mà không ít người Việt Đông Âu đã làm. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Bây giờ là hiện tại. Có thể không phải màu hồng, nhưng ít ra là còn có hiện tại và tương lai để hướng tới.

Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm