30/10/2019 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Dù là di sản cấp quốc tế, cấp quốc gia hay tạm thời chưa được công nhận, thì những di sản thiên nhiên tại Việt Nam luôn cần được bảo tồn và khai thác với một chiến lược bền vững, khoa học, thay vì sự lãng phí theo kiểu “ăn xổi” đang xuất hiện ở rất nhiều trường hợp.
“Cắt vụn” bờ biển để làm resort, đưa quá nhiều du khách vào những vùng địa chất hoang sơ, xây dựng những công trình hiện đại phá vỡ cảnh quan tự nhiên... Những câu chuyện ấy đang liên tục được nhắc đến tại các vùng du lịch trên cả nước. Gần nhất, chỉ trong vài tuần, tỉnh Hà Giang trở thành “điểm nóng” về vấn đề này, với liên tiếp 3 dự án du lịch bị coi là... có vấn đề: tòa nhà Panorama tại đèo Mã Pì Lèng, công trình thang máy du lịch tại đỉnh Đồn Cao và dự án khu du lịch tâm linh Lũng Cú.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa về vấn đề này. Ông cho biết:
- Trong vòng mươi năm gần đây, ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, tôi thấy rất phát triển cái gọi là du lịch tâm linh, chủ yếu xây dựng các đền, chùa, các khu nghỉ dưỡng quá nhiều và vẫn chưa dừng lại.
Theo tôi, du lịch tâm linh nên sử dụng những công trình tâm linh có sẵn với chiều sâu lịch sử và văn hóa, nó hay hơn tâm linh đền chùa người ta tự tạo ra. Vì những đền, chùa mới xây dựng thực ra nó rất ít ý nghĩa văn hóa, thậm chí tất cả những cái đấy chỉ là “khoác cái áo du lịch tâm linh”.
Vì thế, chúng ta phải mau chóng kiểm tra, kiểm soát cách phát triển du lịch tâm linh ở các vùng núi cao, ở các danh thắng mà có xâm hại môi trường cảnh quan để xây dựng... xem mức độ như thế nào, xây dựng đến đâu thì ổn và đấy có phải là khuynh hướng để phát triển du lịch và làm giàu cho đất nước hay không? Đó là cả một vấn đề phải nghiên cứu rất kỹ.
* Điều đó cho thấy tư duy về việc bảo vệ loại hình di sản thiên nhiên còn chưa tốt, trong khi loại hình di sản văn hóa hay phi vật thể thì đã được hiểu đầy đủ hơn, theo ông?
- Đúng là loại hình di sản văn hóa vật thể (các di tích lịch sử văn hóa) hay văn hóa phi vật thể khoảng 15-20 năm trở lại đây đã được tuyên truyền nhiều và người dân nói chung đã hiểu về nó nhiều hơn. Nhưng từ hiểu đến có ý thức và thực hành bảo vệ nó còn xa lắm, thậm chí khi thực hành, nhiều lúc người ta còn hiểu sai lạc vấn đề.
Ví dụ, quan họ mà hát 3.000 người thì đấy không phải là cách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hoặc là múa xoè 5.000 người cũng không phải cách mà UNESCO mong muốn; hoặc xu hướng phá di tích cũ xây mới khang trang hơn, to lớn hơn đã làm mất đi vẻ cổ kính, dấu ấn thời gian, văn hóa của nhiều đình chùa.
Hoặc nữa, nhiều di chỉ khảo cổ học hàng ngàn năm tuổi được phát hiện, khai quật như di chỉ Vườn Chuối và nhiều di chỉ thời Hùng Vương, nhưng việc bảo tồn nó cho tương lai thì lại ít được quan tâm.
* Đó cũng là minh chứng cho thấy giữa bảo tồn và phát triển luôn có mâu thuẫn với nhau, thưa ông?
- Đương nhiên, giữa giữ gìn, bảo tồn và phát triển luôn luôn có mâu thuẫn với nhau, nhưng mâu thuẫn đấy không phải không thể giải quyết được, vì chung quy tất cả đều do con người.
Các nhà quản lý phải tổ chức những nghiên cứu mang tính chất liên ngành để có thể giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Còn chúng ta đừng nghĩ rằng giữa bảo tồn - phát triển là một mâu thuẫn khó giải quyết và không thể giải quyết được, hoặc phải hy sinh cái này, hoặc hy sinh cái kia.
Tôi không nghĩ ở đâu cần có sự hy sinh ấy cả, mà chúng ta phải làm thế nào giải quyết nó một cách hài hòa nhất, để cùng bảo tồn, cùng phát triển. Đấy mới là bài toán khó mà chúng ta phải giải thì mới có thể đạt được cái đích là để lại những di sản, tài sản tuyệt vời về thiên nhiên, về lịch sử, về văn hóa cho con cháu muôn đời sau.
* Nhưng thưa ông, du lịch vẫn được xem như là mũi nhọn kinh tế và để phát triển kinh tế, đôi khi người ta bất chấp tất cả?
- Khi sử dụng du lịch như một mũi nhọn kinh tế thì lẽ đương nhiên phải đụng đến thiên nhiên, đụng đến di tích lịch sử, văn hóa. Thực tế mà nói, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm tốt trong việc hợp tác quốc tế để giải quyết bài toán này. Vậy thì điều tốt nhất là phải học hỏi, phải mời chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm về vấn đề này để được họ tư vấn, chọn ra hướng đi đúng đắn nhất. Tôi nghĩ điều đó tất yếu phải làm. Còn nếu chúng ta chỉ loay hoay tự làm và đặc biệt địa phương tự làm, thì chắc là sẽ mắc rất nhiều sai lầm.
* Vậy theo ông làm thế nào để không xảy ra những sai lầm trong vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng, vấn đề phát triển ở các khu danh thắng hiện nay có nhiều sai lầm và có nhiều bài học rất đáng tiếc. Những bài học đáng tiếc đấy cần được rút ra, những sai lầm đã rõ ấy cần được tổng kết. Ngành văn hóa, ngành du lịch và các cơ quan hữu quan, các địa phương sớm tổng kết những kinh nghiệm tốt và không tốt ở các vùng đó và truyền thông thật tốt về những vấn đề này.
Thứ nữa là câu chuyện quản lý các danh thắng, đặc biệt là vùng núi và biển, nhất là miền núi cao như cao nguyên đá Đồng Văn, còn ít kinh nghiệm và phải “tầm sư học đạo”, phải tìm các chuyên gia quốc tế, phối hợp với quốc tế để thực hiện những quy hoạch, đưa ra những định hướng, những cách thức phát triển tốt.
Còn nếu chúng ta cứ làm manh mún, liên tục để xảy ra những việc đã rồi kiểu như tòa nhà Panorama ở Mã Pì Lèng và trước đó là công trình bê tông trong vùng lõi di sản Tràng An, hay chuyện Vịnh Nha Trang toan xin rút danh hiệu danh thắng quốc gia, rồi chuyện ruộng bậc thang Mù Cang Chải bị du khách xéo nát… thì hỏng.
* Xin cảm ơn PGS Nguyễn Văn Huy!
(Còn nữa)
Phạm Huy – Diệu Linh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất