Một Italia rất khác

11/10/2011 11:50 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Phải, đấy là một đội Thiên thanh không còn giống như những đội Ý chúng ta đã từng thấy ở các vòng loại EURO trước kia.

Gần nhất là vòng loại EURO 2004 với một đội hình Italia gồm toàn những tên tuổi lớn và một lối đá uyển chuyển, kĩ thuật, dưới tay Trapattoni. 4 năm sau là một Italia hơi hỗn loạn giữa các xu hướng cách tân và bảo thủ, tấn công phiêu lưu và phòng ngự phản công của Donadoni. Bây giờ là một Italia mạnh mẽ hơn về tinh thần, rõ nét hơn về lối chơi khi không còn bị lối suy nghĩ phòng ngự phản công kiểu Ý níu kéo và điều dễ thấy hơn hết, mạnh mẽ hơn về tinh thần.

Dưới tay Prandelli, lối chơi của Italia đã định hình và ngày càng được củng cố - Ảnh Getty

Các số liệu thống kê của hãng Opta cho thấy sự tiến bộ của Italia dưới triều đại Prandelli, người lúc đầu đã tưởng như sẽ tạo ra các ấn tượng mạnh mẽ về việc ông sẽ áp dụng lối chơi tấn công đẹp mắt như ông đã làm với Fiorentina. 1) Italia là đội kiếm soát bóng tốt thứ 2 trong vòng loại, với trung bình 72,2% thời gian chiếm bóng trong các trận (nhờ tài năng kiểm soát bóng dưới sự chỉ huy của Pirlo), chỉ sau mỗi Tây Ban Nha (75,2%). 2) Các tiền vệ Italia cũng là những người thực hiện nhiều đường chuyền thành công nhất (điển hình là Pirlo, 99,1 đường chuyền/trận), cũng chỉ sau các tiền vệ Tây Ban Nha (Xabi Alonso, Busquets, Xavi và Iniesta), 3) Italia cùng với Tây Ban Nha và Hà Lan là những đội thực hiện nhiều đường chuyền nhất trong các trận đấu (Italia có 555,9 đường chuyền/trận, sau Hà Lan và Tây Ban Nha), 4) Vai trò không thể thay thế được của Cassano trong màu áo của ĐTQG: nếu như Pirlo là cái neo ở tuyến giữa với tư cách là người điều chỉnh nhịp độ trận đấu, thì Cassano là người điều phối các hoạt động tấn công. Anh đã tạo ra 25 đường kiến tạo cho các đồng đội trong 9 trận đấu đã qua của vòng loại.

Những thông số trên cho thấy lối đá của Italia dưới tay Prandelli đã định hình rõ nét. Dựa trên phong độ của Chiellini, Pirlo, Marchisio và Cassano mà đội hình ấy sẽ vận hành ra sao. Nhưng chìa khóa của lối chơi chủ yếu tập trung ở khả năng cầm bóng và điều chỉnh nhịp độ của trận đấu trong đôi chân của Pirlo. Italia của Lippi 6 năm về trước cũng đã thực hiện được lối đá ấy, một lối chơi dựa nhiều vào những phẩm chất vượt trội của Pirlo, vào khả năng che chắn của Gattuso đá bên cạnh anh và sự cơ động của Perrotta cũng như Camoranesi. Italia bây giờ khác hơn một chút về nhân sự, nhưng cơ bản không khác lối chơi ở tuyến giữa của ngày ấy. Pirlo vẫn chơi ở vị trí quen thuộc của anh, nhưng giờ đã có De Rossi và Marchisio che chắn, hỗ trợ, bảo vệ và tích cực di chuyển phối hợp để tạo thành một tam giác vừa bảo vệ được hàng thủ, vừa hỗ trợ tấn công một cách hoàn hảo nhất. Sự thành công của mô hình hàng tiền vệ xoay quanh Pirlo mà Conte đã áp dụng cho Juventus (với Marchisio và Vidal chơi bên cạnh cựu tiền vệ của Milan) trên thực tế được học từ những gì Prandelli đã làm với Pirlo ở đội tuyển Thiên thanh. Ở phía trên, Cassano trở thành điểm tựa cho mọi hoạt động tấn công của đội. Việc anh được ra sân nhiều hơn ở Milan trong thời gian qua (dù phong độ không thực sự ổn định) là điều mà Prandelli không thể mong đợi nhiều hơn nữa.

Trong bối cảnh mà Inter và Milan không thể đóng góp các tuyển thủ quốc gia cho Prandelli (vì họ có quá nhiều cầu thủ ngoại), thì vô hình chung, việc sử dụng khối các cầu thủ Italia tại Juve là điều không thể tránh khỏi. Việc cả Conte và Prandelli cùng xây đắp cái khối Italia ở Juve và dựa vào khối Juve để xây nên đội Thiên thanh đã trở thành điều cần thiết. Và cần thiết hơn nữa cho cả 2 phía, bởi lẽ đây là mùa bóng mà Juve không được đá Cúp châu Âu, và Prandelli có thể sử dụng họ một cách tối đa cho các trận đấu của mình trong thời gian tới, những trận có ý nghĩa chuẩn bị cho EURO 2012 sắp tới. Dĩ nhiên, ông sẽ vẫn thử nghiệm các vị trí và tìm cách để tăng cường lực lượng cho một đội tuyển cần chiều sâu, nhưng cái khối Juve ấy giờ đã trở thành bất biến và là nòng cốt của một Azzurra đang ngày càng mạnh lên. Một sự so sánh nào đó với chính khối Juventus trong tay Lippi ở đội Thiên thanh của World Cup 2010? Họ khác nhau. Đội ngũ Juve trong đội tuyển ngày ấy hầu hết là già cỗi (hãy nhìn F.Cannavaro) và được tạo nên nhờ một triết lí sai lầm không hợp thời cuộc của ban lãnh đạo Juve cũng như Lippi. Bây giờ, đội ngũ này trẻ hơn, khát khao chiến thắng hơn, và điều quan trọng, khiêm tốn hơn.

Anh Ngọc
   

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm