Máy bay rơi ở Nigeria vì… hết xăng?

06/06/2012 13:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Trong lúc người Nigeria chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn thảm khốc của chiếc máy bay ở Lagos khiến hơn 150 người thiệt mạng, thì các đồn đoán về nguyên nhân thảm họa cũng liên tiếp xuất hiện, trong đó có một nguồn tin cho rằng do máy bay hết sạch nhiên liệu.

Theo tờ CS Monitor, chiếc máy bay gặp nạn là loại McDonnell Douglas 83, thuộc hãng hàng không Dana Air, trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney. Nó đang tới gần Lagos sau chuyến bay kéo dài 1 giờ từ Abuja, thủ đô Nigeria, thì đột ngột mất năng lượng.

Ngừng cả hai động cơ vì hết nhiên liệu?

Ông Harold Demuren, Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Nigeria cho biết, phi công có báo rằng động cơ gặp sự cố trước khi máy bay rơi làm toàn bộ những người trên khoang thiệt mạng. “2 động cơ đã có sự cố. Đó là những gì phi công nói với đài không lưu" - Demuren nói.



 Vụ tai nạn được đánh giá là thảm khốc nhất Nigeria trong thời gian gần đây

Vậy điều gì đã khiến cả 2 động cơ hư hỏng. Trong khi cuộc điều tra chính thức chưa thể cho ra đời một báo cáo trong thời gian ngắn, các phi công dày dạn kinh nghiệm và diễn đàn an toàn hàng không đã bắt đầu phỏng đoán.

Họ nói rằng động cơ phản lực, kể cả đã cũ kỹ, cũng rất ít khi bị hỏng. Và việc cả 2 động cơ hỏng cùng lúc lại càng bất thường. Trung tâm của các phỏng đoán giờ nằm ở 2 hướng lý do: máy bay đã vướng phải chim trời hoặc hết sạch nhiên liệu.

Thực tế thì chính chiếc máy bay gặp nạn này của Dana Air đã từng hỏng một động cơ, do bị một con chim lao vào trong lúc cất cánh rời khỏi sân bay Lagos hồi năm 2010. Mạng an toàn hàng không nói rằng lần đó, chiếc máy bay đã hạ cánh khẩn cấp thành công và không ai bị thương.

Vì thế giả thuyết hết nhiên liệu trở nên có sức nặng hơn. Việc máy bay hết nhiên liệu rất hiếm gặp, nhưng nó đã từng xảy ra. Năm 2001, chuyến bay 236 của hãng hàng không Air Transat đi từ Toronto, Canada, tới Bồ Đào Nha, đã hết sạch nhiên liệu khi đang ở trên Đại Tây Dương. Thiết bị của chiếc Airbus 330 báo rằng có một sự mất cân bằng về nhiên liệu - cụ thể là một bên có nhiều nhiên liệu hơn bên kia.

Tuân theo các quy trình thông thường, phi công đã chuyển nhiên liệu từ bình chứa của động cơ này sang động cơ bên kia. Họ đâu có biết rằng chiếc máy bay 2 động cơ đã bị rò rỉ đường nhiên liệu dẫn tới động cơ số 2 nằm bên phải. Nhiên liệu rò rỉ đã khiến một động cơ ngừng hoạt động. Khi thấy sự cố, các phi công quyết định chuyển hướng tới sân bay gần nhất. 13 phút sau, động cơ còn lại cũng ngưng hoạt động. Chiếc máy bay với 306 người trên khoang còn cách sân bay tới 100km.

Các phi công đã rất vất vả để điều khiển chiếc máy bay hạ cánh xuống Căn cứ không quân Lajes ở Azores và may mắn thay, mọi người đều sống sót. Một cuộc điều tra do nhà chức trách Bồ Đào Nha tiến hành thấy rằng sự rò nhiên liệu ở động cơ số 2 đã xảy ra do đội bảo dưỡng mặt đất đã lắp nhầm linh kiện. Việc này khiến cho ống dẫn nhiên liệu không khít nhau, gây ra rò rỉ".

Máy bay cao tuổi và lỗi con người

"Những phỏng đoán sớm nhất của tôi là chiếc máy bay Nigeria đã hết sạch nhiên liệu và vì thế làm cả 2 động cơ ngừng hoạt động" - giáo sư kỹ thuật hàng không Ella Atkins ở Đại học Michigan nói với báo chí  - "Nếu chuyện này xảy ra khi máy bay không có đủ độ cao để tới đường băng, nó sẽ buộc phải hạ cánh đâu đó trên đường đi xuống. Và trong một khu vực đông dân cư như vậy, sự lựa chọn hoàn toàn không có nhiều".

Giáo sư Atkins nói thêm rằng chiếc MD-83 bị rơi có tổ lái 3 người, gồm một kỹ sư về bay có người điều khiển, chuyên chịu trách nhiệm giám sát nhiên liệu của máy bay. Nếu lỗi nằm ở việc quản lý nhiên liệu quá tồi thì việc này cần phải được làm rõ cho công chúng biết.

Các máy bay hiện đại hơn với tổ lái 2 người như hiện nay đều trang bị hệ thống quản lý bay tiên tiến, sẽ liên tục dự báo lượng tiêu thụ nhiên liệu và lượng dự trữ còn lại, dựa vào các dữ liệu nó nhận được theo thời gian thực và lộ trình bay định sẵn. Vì thế, khó có khả năng máy bay hiện đại sẽ hết nhiên liệu trước khi nó tới đích.

Tuy nhiên, hướng giả thuyết cạn nhiên liệu đã bị một số chuyên gia khác phản đối. Trang web Sahara Reporters thậm chí còn cho biết chiếc máy bay có vẻ như đã khởi động lại được động cơ trong một thời gian ngắn trước khi bị rơi. Tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia khác chỉ ra rằng đã có những vụ cháy lớn xảy ra sau khi máy bay rơi, cho thấy nó có vẻ không thiếu nhiên liệu.

Một hướng giả thuyết nữa nhắm vào độ "cao niên" của chiếc máy bay gặp nạn. Năm 2010, Nigeria đã cấm mọi chiếc máy bay hơn 20 năm tuổi được hoạt động ở nước này. Nhưng theo trang Planespotters.net, độ tuổi trung bình của các máy bay trong phi đội của Dana hiện là 21,4 năm. Chiếc máy bay trẻ nhất của nó cũng đã 20,9 năm tuổi.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, nếu sự cố xảy ra, ngay cả với chiếc máy bay đã già như MD-83, trách nhiệm phải thuộc về đội bảo dưỡng trước tiên. Họ nói rằng các hãng hàng không ở châu Phi thường sử dụng máy bay cũ để dễ thu lại khoản đầu tư. Nhưng chúng lại yêu cầu được chăm sóc, bảo dưỡng theo các quy trình cẩn thận cao độ, dưới bàn tay của những kỹ sư hết sức lành nghề.

"MD-83 không phải là chiếc máy bay thuộc loại trẻ nhất, nhưng tôi đồng tình với quan điểm chung rằng chào đời hồi năm 1990 chưa phải đã quá già" - thành viên IberiaMD-87, một người chuyên đóng góp cho diễn dàn hàng không JetPhotos.net nhận xét. Song việc bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn sẽ làm đội chi phí rất lớn và không loại trừ khả năng Dana có thể cắt bỏ bớt các quy trình bảo dưỡng để giảm chi phí.

Theo các công ước quốc tế, Nigeria sẽ phụ trách việc điều tra tai nạn. Nhưng Mỹ sẽ có vai trò quan sát viên, vì chiếc máy bay là sản phẩm của công ty McDonnell Douglas, nay thuộc về tập đoàn Boeing. Các hộp đen của máy bay, hiện đã được thu hồi, cũng sẽ được chuyển tới Washington để phân tích. Trong các hộp đen này có chứa thông tin về lực đẩy của động cơ và các dữ liệu quan trọng khác như thiết lập mức công suất động cơ, dòng chảy nhiên liệu. Việc giải mã chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc làm sáng tỏ vụ tai nạn khó hiểu ở Nigeria.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm