07/06/2016 06:47 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Bộ phim Trước ngày em đến (Me Before You), được hãng MGM mua bản quyền từ tiểu thuyết cùng tên của Jojo Moyes, vừa được công chiếu đã gây sốt trên toàn cầu. Phim do “mẹ rồng” Emilia Clark và tài tử Sam Clflin thủ vai chính. Cuối tuần vừa qua, chỉ sau 3 ngày, phim đã thu về 18,3 triệu USD, đứng top 3 phim ăn khách toàn cầu tuần qua.
Nói tới Trước ngày em đến hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là về câu chuyện tình lãng mạn theo kiểu nàng Lọ Lem và chàng hoàng tử. Tuy nhiên, sự thật, Jojo Moyes viết cuốn sách này do ám ảnh về một câu chuyện xúc động mà cô tình cờ nghe trên đài phát thanh.
Từ nỗi lòng người mẹ
Khi được hỏi rằng, dù Trước ngày em đến là một cuốn sách rất hay nhưng thật khó để giới thiệu cho người khác bởi nó động chạm tới người khuyết tật, Jojo Moyes đã trả lời rằng cô cũng có một đứa con bị khuyết tật và thái độ của mọi người thật sai lầm.
Jojo Moyes sinh ngày 4/8/1969 tại London, Anh. Năm 1992, cô nhận học bổng từ tờ The Independent tham gia lớp học báo chí tại Đại học City. Ra trường, cô làm việc 10 năm cho tờ báo này (trừ một năm làm ở Hong Kong cho tờ Sunday Morning Post) ở nhiều vị trí khác nhau. Bản thân Jojo Moyes rất yêu công việc của mình.
Với tấm hộ chiếu luôn nằm trong túi túi xách, Moyces đi khắp nơi, đặc biệt ấn tượng khi đi viết về Bắc Ireland và về cái chết của Công nương Diana.
Moyes luôn muốn viết một cuốn sách. Có thời gian, cô vừa làm việc ở tòa soạn, vừa trông con mọn vừa viết sách. Nhìn lại thời gian đó, cô không thể tưởng tượng sao mình có nhiều năng lượng đến thế. Đến khi mang bầu bé thứ hai, Moyes bỏ công việc báo chí, về trang trại ở gần Cambridge cùng chồng và các con.
Moyes may mắn có một người chồng cũng là một nhà báo, thông cảm và hỗ trợ cho vợ. Mỗi 6 giờ sáng, chồng lại thức dậy, mang cho Moyes cà phê và chiếc máy tính. Chính tại đây, giữa tiếng những con vật, giữa đám trẻ con, Trước ngày em đến đã ra đời.
Là một trong số ít tác giả hai lần được Hiệp hội tiểu thuyết gia lãng mạn trao giải Tiểu thuyết lãng mạn của năm, tuy nhiên, Moyes không phải nữ văn sĩ “treo ngược cành cây” như nhiều người nghĩ. Bản thân cuốn sách nổi tiếng Trước ngày em đến cũng không khởi nguồn từ một câu chuyện tình yêu lãng mạn mà từ một số phận có thật.
Trong một lần nghe đài, Jojo Moyes được biết về một cầu thủ chơi bóng bầu dục trẻ tuổi bị liệt tứ chi do tai nạn đã thuyết phục cha mẹ đưa mình tới bệnh viện tư Dignitas để được “du lịch cái chết”. Câu chuyện đã khiến Moyes bị ám ảnh và xây dựng nên chàng tỉ phú William Traynor bị liệt tứ chi do tai nạn, người đã say đắm cô gái nông thôn trong sáng Louisa Clark nhưng vẫn quyết định tìm đến “du lịch cái chết”.
Bản thân Moyes cũng có một đứa con bị điếc bẩm sinh và từng chăm sóc một người họ hàng bị bệnh nặng. Do đó, cô phần nào hiểu được tâm trạng của nhân vật Traynor. Nói Trước ngày em đến là câu chuyện tình thì chưa đủ, đó chủ yếu là câu chuyện về quyền được tự đưa ra các quyết định về đời mình, trong đó có “quyền được chết”.
Hãy yêu thương thay vì thương hại
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Trước ngày em đến khiến nhiều người rơi nước mắt và cả cười ngặt nghẽo vì chuyện tình giữa hai nhân vật dường như không có điểm chung. Traynor là một người đàn ông 35 tuổi giàu có, tài năng, đẹp trai nhưng sụp đổ sau khi bị tai nạn xe máy. Ngược lại, Louisa là cô gái 26 tuổi nghèo khó, không kỹ năng sự nghiệp, vẻ ngoài bình thường nhưng hết mực hồn nhiên, yêu đời.
Quá nửa câu chuyện giống như cổ tích khi hai cực trái dấu hút nhau, cùng bù đắp cho nhau những thiếu hụt. “Em đã trở thành một người hoàn toàn mới nhờ có anh”, như nữ chính nói. Tuy nhiên, phần kết lại chẳng như người ta mong muốn. Traynor vẫn quyết định làm theo dự định anh lập ra từ trước ngày Louisa đến.
Cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2012 với bìa sách hơi “sến” (bìa này cũng được dùng trong bản dịch xuất bản ở Việt Nam) càng khiến nhiều người cho rằng đó đơn thuần là một chuyện có phần “ngôn tình”. Bản thân tác giả cũng cảm nhận tương tự về bìa sách này. Nhưng không nên đánh giá một cuốn sách thông qua bìa của nó.
Với Jojo Moyes, đó là cuốn sách nói về việc phải sống một cách thật sự, về việc con người được quyền đưa ra quyết định về cuộc đời của chính mình. Đồng thời, hãy nhìn nhận người khác đứng trên vị trí của họ.
Trên cương vị một người mẹ, Moyes cho biết điều khiến cô khó chịu nhất khi con bị khuyết tật đó là thái độ của mọi người xung quanh. Giống như nhân vật Traynor rất khó chịu khi bị đối xử như “bại não”, Moyes – thông qua cuốn sách – cũng muốn nói với độc giả rằng: hãy yêu thương thay vì thương hại.
“Tôi nhận được hàng ngàn thư điện tử về cuốn sách này và rất nhiều trong số đó tới từ những người bị liệt tứ chi hoặc người chăm sóc họ, nói rằng họ cảm ơn tôi đã viết về cuộc sống của họ và cho thấy một người đàn ông liệt tứ chi cũng có thể là anh hùng lãng mạn và quyến rũ như thế nào” - Moyes chia sẻ.
Đó cũng chính là lý do Moyes, dù cũng yêu thích một kết thúc có hậu, cuối cùng vẫn để cho nhân vật Traynor chọn con đường “du lịch cái chết” thay vì ở bên Clark. Tự quyết định số phận mình là điều rất quan trọng và đáng được tôn trọng.
Tuy vậy, không có nghĩa Moyes cổ súy cho cái chết. Cô cho biết, nếu mình rơi vào trường hợp của Traynor, cô sẽ xử sự như Christopher Reeve – diễn viên nổi tiếng với vai siêu nhân trongSuperman, người cũng bị liệt do ngã ngựa nhưng vẫn sống mạnh mẽ và xây dựng quỹ Christopher Reeves để hỗ trợ người khuyết tật.
Thư Vĩ (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất