Đá với Malaysia khó hơn Thái Lan hay Singapore?

06/12/2014 15:01 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Sau kết thúc lượt trận cuối vòng bảng, đối thủ của Việt Nam ở bán kết là Malaysia (chứ không phải Thái Lan hay Singapore, theo tính toán ban đầu). Nhiều ý kiến cho rằng, gặp Mã khó đá hơn nhiều so với Thái hay nhà vô địch Sing? Thực tế là, khi nền bóng đá đã phải trải qua quá nhiều hỗn mang, đồng thời đánh mất vị thế kể từ sau lần cuối cùng vô địch AFF Cup 2008, chúng ta đá với ai cũng khó cả.

Khó nhưng không phải không thể, vấn đề là chính thuộc về các cầu thủ của HLV Toshiya Miura - Họ cần phải chơi bốc và chơi hợp lý như trận gần đây nhất đá với Philippines!

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Safiq Rahim, tác giả của một trong 2 bàn thắng vào lưới đội tuyển Việt Nam ở bán kết lượt đi AFF Cup 2010 tại Bukit Jalil ngày ấy, mạnh trong tranh chấp, sở hữu cả những pha sút xa, nhưng so với Hoàng Thịnh, cũng không nhỉnh hơn là mấy. Safee Sali, người ghi bàn còn lại trong chiến thắng 2-0 chung cuộc cách đây 4 năm, đậm người, lì lợm và đánh hơi bóng tốt, nhưng kỹ thuật không bằng Văn Quyết. Idlan Tahala đã dần đánh mất vị thế trên hàng công và ngay lúc này, không thể so với Thành Lương hay Minh Tuấn được. Còn Indra Putra (34 tuổi), chơi tiền vệ, quá già so với ngay cả Công Vinh của Việt Nam…

Các đội tuyển quốc gia Malaysia, nhìn chung, đều dùng "món sở trường" là phá lối chơi của đối thủ, trước khi gài và đưa đối thủ vào bẫy. Malaysia đã thắng Singapore 3-1 trong trận đấu quyết định tấm vé thứ 2 của bảng B vào chơi bán kết AFF Cup 2014, nhưng trận cầu hay nhất của đội bóng xứ dầu cọ ở vòng bảng lại là trận thua Thái Lan tỷ số 1-2. Trước đó nữa, các trận bán kết AFF Cup 2010 và chung kết SEA Games 25 (Vientiane, Lào 2009), cũng bằng cách này, bóng đá Malaysia đã 2 lần vượt qua Việt Nam, dù vào thời điểm đó, vị thế của bóng đá Việt đang lên cao dưới bàn tay của "phù thủy" Calisto.



Malaysia (phải) luôn là đối thủ khó chơi với đội tuyển Việt Nam

Nhưng, chỉ trong vòng 5 năm đổ lại, người Mã đã 2 lần giành huy chương vàng SEA Games (2009 và 2011), thêm một lần vô địch AFF Cup (2010), còn bóng đá Việt Nam ở đâu? Đấy là điều chúng ta phải suy nghĩ, bởi bóng đá đơn giản là thành tích. Cũng bằng với khoảng thời gian này, đội hình đội tuyển quốc gia Malaysia gần như không xáo trộn, dù nguồn lực trẻ của họ rất dồi dào, trong khi, đội tuyển Việt Nam của HLV Miura được làm mới triệt để, chỉ trong vòng vài tháng đổ lại. Thậm chí, mỗi một lần xuất quân (đá giao hữu cũng như bước vào giải chính thức AFF Cup 2014), ông thầy người Nhật dùng một đội hình mới khác nhau.

Malaysia không trội hơn Việt Nam về thành tích đối đầu, trong quá khứ và cả hiện tại, nhưng họ thường giành phần thắng trong những trận cầu “knock-out”, kiểu như bán kết hoặc chung kết. Cách đây vài tuần, thầy trò ông Miura đã vượt qua Malaysia tỷ số 3-1 trong một trận giao hữu ở Mỹ Đình, song điều đó không có nghĩa rằng, nó là hệ quy chiếu cho kịch bản các trận bán kết AFF Cup 2014 giữa 2 đội tuyển.  

Đối thủ lớn nhất là chính mình

Trước và sau khi chúng ta trở thành nhà vô địch AFF Cup (năm 2008), vũ-khí-tinh-thần được nhắc đến nhiều hơn, cho việc giải thích các chiến thắng và chiến tích của nền bóng đá, cấp độ đội tuyển. Yếu tố chuyên môn rất ít được nhắc tới, nhưng trong thâm tâm các cầu thủ lại luôn tồn tại ý niệm: Mình không thua kém bất cứ đội tuyển nào trong khu vực cả. Vậy, tại sao và như thế nào, chúng ta lại thua nhiều hơn thắng khi vào giải?

Câu trả lời rất đơn giản - Bởi, đối thủ lớn nhất là chính chúng ta! Không thắng được chính mình, thì có thể thắng được ai! Quả thật là nếu gạt một bên những thứ lăn tăn, ám ảnh, đội tuyển Việt Nam có thể tiệm cận được thứ bóng đá mang hơi hướng đẳng cấp (ít nhất là so với phần còn lại của Đông Nam Á). Trong tay HLV Miura vào lúc này là những người trẻ, chưa thể nói là quá xuất sắc, nhưng thừa khát vọng và động lực chơi bóng. Thuyền trưởng người Nhật Bản cũng có cả những cựu binh, sẵn sàng cháy hết mình trên sân như: Công Vinh, Thành Lương, Tấn Tài hay Phước Tứ.

Tại Bukit Jalil hay Shah Alam (địa điểm thay thế tổ chức trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014), các sân bóng được ví như chảo lửa – thánh địa của người Mã, nơi mà hàng vạn cổ động viên Malaysia tìm đến để cổ vũ – cổ động đội tuyển của họ, quả là rất khó đá cho các vị khách Việt Nam. Chúng ta đã có đủ bài học rồi, từ thất bại để lại nhiều chứng tích lịch sử ở bán kết năm 2010, với Bukit Jalil hùng vĩ, có sức chứa đến hơn 90 ngàn người. Các hậu vệ lẫy lừng như Như Thành và Huy Hoàng khi ấy, chỉ chực phá bóng hết biên ngang, còn Tấn Trường thì mắc sai lầm khó tha thứ…

HLV Miura chắc chắn đã và sẽ phải tính toán lại bài toán nhân sự, bởi một trận bán kết không có chỗ cho những sai lầm mắc phải, kiểu Đinh Tiến Thành hay thủ thành Nguyên Mạnh, trong ngày ra quân với Indonesia ở Mỹ Đình. Cách đây 4 năm, khi đứng chôn chân trong khung gỗ ở Bukit Jalil, vồ bóng như vồ… muỗi, Tấn Trường cũng trạc 22 – 23 tuổi như Nguyên Mạnh lúc này. Trong tứ vệ của đội tuyển Việt Nam ngày ấy, giờ chỉ còn lại mỗi Phước Tứ; nhưng Công Vinh (không đá AFF Cup 2010 vì chấn thương), Tấn Tài và Thành Lương sẽ đứng chính danh, để trả lại các món nợ đã vay. Bây giờ hoặc không bao giờ!

4 năm trước, HLV tiền nhiệm Henrique Calisto đã mắc sai lầm bởi sự chủ quan, khinh địch: Muốn thắng Mã và thắng họ ngay ở xứ dầu cọ, để rồi lún quá sâu. Bất luận thế nào, chúng ta sẽ vẫn còn trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình sau đó 4 ngày. Vậy, Miura, xin ông đừng vội! 


CCKM
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm