(TT&VH) - Ronaldo, Messi, Ronaldo, rồi lại Messi. Nếu 90 phút không phải là mức trần của trận cầu thì có lẽ hai cái tên này sẽ lại được luân phiên nhau hiện trên bảng tỷ số. Họ thay nhau ghi bàn, để rồi El Clasico khép lại với tỷ số hòa 2-2, đó không còn là trận đấu của Barca với Real nữa rồi, đó là cuộc chiến của QBV 2012. Khoảng 10 vạn khán giả rời Camp Nou, hơn 400 triệu người hâm mộ túc cầu trên toàn thế giới tắt Tivi, tự mỗi người đã có câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người xuất sắc hơn?”. Với Messi, đó không phải là những gì duy nhất họ nghĩ về anh sau trận đấu.
Khi Messi thêu nên đường cong hạ gục Casillas (đấy cũng là lần thứ hai mùa giải này anh hạ thủ quân Real theo cùng một cách thức), có một góc quay camera ít được công bố. Ngoài đường piste, các thành viên trên băng ghế chỉ đạo và dự bị của Barca như bầy ong vỡ tổ lao ra khỏi ghế ngồi, họ lao đi cùng niềm vui tột đỉnh. Họ vung tay tung nắm đấm vào không khí và thét lên trong niềm hạnh phúc khôn xiết, như thể muốn tỏ tường: “Anh có thấy gì không, anh có thấy cậu ấy làm điều gì không?”
Khoảnh khắc ấy khiến không ít người mường tượng về những ca từ “Anything you can do I can do better” (tạm dịch “Điều anh có thể làm, tôi có thể làm tốt hơn”) trong ca khúc “Anything you can do” do Irving Berlin lừng danh viết, một bản “duo” hit một thời của Broadway. Và đó là những gì khác nữa người ta thấy ở Messi… Trong tiến hóa sinh học, không ít loài đã thất bại khi cố gắng phát triển các kỹ năng hoặc bộ phận vốn là điều kiện ưu thế riêng của những loài khác. Với Ronaldo, anh từng được xem là hơn cơ Messi ở khoản đá phạt, hay đá phạt chính là điều kiện ưu thế riêng của Ronaldo trong những cuộc so sánh với Messi. Nhưng giờ đây, như cách tờ Mundo Deportivo mạnh miệng bảo “Đến khoản đá phạt, Ronaldo cũng bị Messi ‘cướp’ mất”. Có những kỹ năng là thiên bẩm, có những kỹ năng là do tập luyện, HLV Tito nói với các phóng viên sau trận đấu rằng “Bạn nên xem Messi tập luyện mỗi ngày, cậu ấy quyết tâm hoàn thiện những thứ mình chưa tốt”. Messi là thiên tài chơi bóng, nhưng anh không sống mòn với điều ấy, những gì Ronaldo (từng) có thể làm, thì Messi cũng có thể, thậm chí là làm tốt hơn.
Song đó chưa phải là tất cả. Những trận trước, có một Messi biết “hy sinh hơn để vĩ đại hơn” khi anh kiến thiết và giúp những cá nhân tìm lại hình ảnh của mình. Giờ đây, tức sau ba trận chỉ biết kiến tạo (đến nay Messi đã có 5 đường chuyền thành bàn sau 11 trận trên mọi đấu trường cùng Barca), anh đã lại tìm về lối cũ – những ngõ ngách mọi người biết đến anh nhiều nhất, con đường ghi bàn. Mà khi Messi ghi bàn, ở đây là cú đúp, tức thì có những kỷ lục cần được nhắc đến. Không chỉ giúp Barca lên tiếng chứng tỏ vị thế chủ nhà trước Real của Ronaldo, Messi còn soán ngôi vị thứ hai của Raul trong lịch sử các tay săn bàn El Clasico. Giờ đây, La Pulga chỉ còn kém huyền thoại Di Stefano (người dẫn đầu) đúng một bàn. 25 tuổi và 90 phút ở Camp Nou đâu phải là El Clasico cuối cùng của sự nghiệp, ngôi vị của “mũi tên bạc” sớm muộn cũng thuộc về Messi. Cũng với “viên đạn” vào lưới Casillas, Messi trở thành cầu thủ đầu tiên ghi 100 bàn tại Liga trên sân nhà Camp Nou trong lịch sử Barca…
Thế đấy, nói về Messi, luôn có một điều mới và một điều cũ: những kỷ lục ghi bàn mới và một câu chuyện cũ – Messi và cách anh làm nên kỷ lục đó!
Cự Giải