Mexico - Nhật Bản: Những trường phái đối lập

07/08/2012 11:04 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH) - Olympic Nhật Bản giống như một cậu bé con nhà gia giáo với hầu hết cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường còn O.Mexico như một chú bé bụi đời với thứ bóng đá đường phố kỹ thuật nhưng cũng nhiều tiểu xảo.

Trước thềm Thế vận hội lần này, Olympic Nhật Bản không được đánh giá cao bởi các đội trẻ của xứ Phù Tang hiếm khi giành được những kết quả tích cực tại các giải đấu lớn. Tại giải U-17 thế giới, Nhật mới chỉ sáu lần tham dự, thành tích tốt nhất chỉ là hai lần vào tứ kết các năm 1993 và 2011. Tại giải U-20 thế giới, thành tích của "Samurai xanh" có khá hơn nhưng cũng không thật sự quá vẻ vang.

U-20 Nhật Bản mới tám lần giành quyền vào chơi vòng chung kết, ba lần lọt vào tứ kết và một lần vào chung kết hồi năm 1999. Còn với Olympic, kể từ khi có quy định về độ tuổi (Barcelona 1992), Nhật Bản đã góp mặt trong 5/6 kỳ Thế vận hội nhưng ba lần bị loại ngay từ vòng bảng, một lần vào tứ kết (năm 2000) và đến London 2012 mới vào được bán kết.


Trong khi đó, hệ thống bóng đá trẻ của Mexico được đánh giá khá cao. Đội U-17 nước này đã 10 lần tham dự giải vô địch thế giới và đăng quang hai lần vào các năm 2005 (thế hệ của Giovani dos Santos và Carlos Vela) và 2011. "El Tri" cũng là khách quen của giải U-20 thế giới với 12 lần góp mặt, với năm lần vào tứ kết, một lần tiến tới chung kết. 

Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Mexico nằm ở chỗ đất nước châu Á phát triển lớp trẻ thông qua các chương trình bóng đá học đường, nơi các cầu thủ nhí được đào tạo bài bản như trong sách giáo khoa nhưng lại thiếu trải nghiệm thực tế. Như Kensuke Nagai, tiền đạo này đã thất bại trong năm đầu đá chuyên nghiệp và HLV cho rằng vấn đề nằm ở chỗ Nagai mới chỉ tư duy như học sinh-sinh viên.

Trong khi đó, bóng đá trẻ của Mexico là thứ bóng đá đường phố, nơi vừa đậm chất nghệ sỹ vừa đầy rẫy những tiểu xảo tiêu cực. Do đó, nhiều cầu thủ trẻ của Mexico vừa sở hữu kỹ thuật cá nhân siêu việt vừa có độ quái hiếm thấy ở lứa tuổi của họ. Như Dos Santos khi được đôn lên đội Một Barcelona không hề tỏ ra sợ hãi mà hòa nhập được ngay lập tức.

Tuy nhiên, tại Thế vận hội lần này, người Nhật đã khiến thế giới phải đánh giá lại về bóng đá trẻ của xứ mặt trời mọc. O.Nhật Bản đã thi đấu rất chững chạc, đánh bại được cả O.Tây Ban Nha, đội sở hữu vô số gương mặt trẻ xuất sắc hàng đầu thế giới. Đến lúc này, O.Nhật Bản là đội duy nhất chưa thủng lưới một bàn thắng nào, một thành tích đáng được khen ngợi.

Sự lột xác của O.Nhật Bản bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, công tác đào tạo trẻ của Nhật đã có nhiều tiến bộ, cho ra lò những cầu thủ chất lượng hơn. Thứ hai, các cầu thủ Nhật dự giải này hầu hết đều trên 20 tuổi, tức đã có ít nhất hai năm kinh nghiệm chinh chiến tại giải chuyên nghiệp. Thậm chí, có những cầu thủ đã sang nước ngoài thi đấu như Takashi Usami (Bayern) hay Gotoku Sakai (Stuttgart).

Quan trọng hơn, dù là đội trẻ nhưng các cầu thủ Nhật không hề thi đấu tự phát mà luôn chơi bóng rất khôn ngoan, hợp lý. Lối chơi của người Nhật có tính tổ chức, biết cách sử dụng sức mạnh tập thể và được các cầu thủ tuân thủ chặt chẽ. Ở đây, người Nhật đã tận dụng được những điểm mạnh của dân tộc (tính kỷ luật và tập thể) để tạo nên một đội bóng theo đúng nghĩa.

Còn với O.Mexico, lối chơi của họ tại Thế vận hội lần này khá mờ nhạt, chủ yếu dựa vào tài xoay xở của Dos Santos, cầu thủ duy nhất thi đấu ở nước ngoài. Trong bốn trận vừa qua, Dos Santos là cầu thủ thi đấu tích cực nhất, đã tung ra tới 12 cú sút. Tại vòng bảng, một mình Dos Santos ghi 2/3 bàn của O.Mexico và vào tứ kết, lại là người mở toang cánh cửa vào bán kết với bàn thắng ở phút 98.

Lối chơi của O.Mexico giống với phong cách cũ và đang bị cho là lỗi thời. Còn người Nhật tuy vẫn trung thành với chiến lược phát triển bóng đá học đường nhưng đã tăng thêm tính tổ chức, đúng xu thế hiện nay, và nhờ vậy, đang thu về được những thành tích vẻ vang. Trong một trận đấu cụ thể, có thể O.Mexico với sự lọc lõi truyền thống sẽ tìm ra cách hạ gục O.Nhật Bản còn non nớt nhưng với những sự tiến bộ hiện nay, người Nhật có thể tin tưởng vào con đường mình đã chọn.

Trần Khánh An




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm