01/12/2014 07:09 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hình ảnh trước Hull đêm thứ Bảy vừa rồi khiến nhiều người bắt đầu nhìn nhận khác về Man United và Van Gaal. Cây bút Paul Ackford của tờ The Times giật tít “Giống những ngày xưa cũ” để ca ngợi chiến thắng ấy. Chắc là ông muốn gợi nhắc lại những ngày Sir Alex còn tại vị chứ không phải những ngày buồn của mùa giải không trọn vẹn cùng David Moyes.
1. Nhưng thực tế, những người tỉnh táo, khách quan đã nhìn nhận được bóng dáng của một Man United sẽ trở lại con đường chiến thắng từ vài tuần nay rồi. Matt Hughes, một đồng nghiệp ở tờ The Times của Paul Ackford chẳng hạn. Trước trận Rooney khoác áo tuyển Anh lần thứ 100, ông đã nói đến cầu thủ ấy ở cả đội tuyển lẫn ở Man United bằng biệt danh “ Centurion” (Đại đội trưởng trong các binh đoàn La Mã) và ông coi thái độ “Đại đội trưởng” đó của Rooney chính là một trong những tín hiệu lạc quan của Man United trong tương lai.
Những người hoài nghi Man United có thể coi chiến thắng trước Crystal Palace là may mắn, vất vả và chiến thắng trước Arsenal là bởi đối thủ chơi quá ngây thơ thì có lẽ họ đã phải thừa nhận rằng Man United đã thắng Hull bằng đẳng cấp và sức mạnh. Mà chiến thắng, như nhiều người vẫn nói, là một thói quen. Để tập được một thói quen khó khăn như thế, người ta chẳng thể trông chờ vào may mắn hay sự ngây thơ của đối phương được. Thực chất, Man United đã trở lại với sự lợi hại của họ, ngay từ sau trận hòa quả cảm trước Chelsea và sức mạnh tiềm tàng ngày càng phát tác hơn, bất chấp trong bệnh xá của họ vẫn còn đầy rẫy những cái tên của đội hình chính thức.
2. Sức mạnh mà họ đang thể hiện không hề có chút bóng dáng nào của “những ngày xưa cũ” cả. Tất cả đều mới mẻ, theo phong cách của một HLV mới mẻ luôn biết kiên trì với một mục tiêu lớn nhưng cũng biết thay đổi cho phù hợp với thế thời theo từng tình huống cụ thể. Đó chính là dấu ấn của Van Gaal, và Man United đang mở ra những ngày mới, một chặng đường mới, theo cách của HLV người Hà Lan, người không hề bảo thủ khi sẵn sàng từ bỏ hệ thống phòng ngự 3 hậu vệ và thử nghiệm từ 4-1-4-1 cho tới 4-3-1-2 và gỡ bỏ nhiệm vụ tổ chức lối chơi từ ngoài biên (wide playmaker) đối với Di Maria để các cầu thủ tấn công của ông có thêm không gian hoạt động hiệu quả hơn.
Đó chính là một quyết định khôn ngoan bởi thể chất Di Maria khó có thể chịu đựng nổi những va chạm quyết liệt của Premier League. Van Gaal đã nhìn thấy điểm yếu đó và ông khai thác triệt để sở trường kỹ thuật, tốc độ, tính đột biến của cầu thủ người Argentina khi để anh chơi phía trên cùng Rooney với Van Persie là người khai thác khoảng trống phía sau lưng cặp tấn công ấy. Và thậm chí, khi Di Maria không thể tiếp tục góp mặt vì chấn thương, ông vẫn vận hành bộ máy Man United rất tốt với những điều chỉnh hoàn toàn hợp lý và sáng suốt.
3. Đã đến lúc chúng ta nên tự đặt một câu hỏi cho mình rằng “ta có khắt khe quá khi phán xét Van Gaal hay không?” và nhìn vào những thứ ông đã làm được. Thành tựu của Van Gaal với Man United lúc này không phải là những chiến thắng liên tiếp của tháng 11 mà là việc ông đã khai thác quá tốt Fellaini; khơi dậy tinh thần chiến binh của Rooney để giới thiệu một hình ảnh Rooney khác hẳn với những gì người hâm mộ vốn dĩ nghĩ về anh là “ích kỷ, dằn dỗi, không biết vì cái chung”. Thành tựu xây dựng những con người, những cá tính mới là quan trọng nhất bởi chính những cá tính, những con người ấy sẽ là tiền đề để mở ra thành công lớn cho đội bóng trong tương lai.
Van Gaal còn nhiều việc phải đối diện lắm nhưng có lẽ, không còn quá sớm nữa để nói rằng “Những ngày mới của Man United đã bắt đầu và cũng đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận một Man United mới mẻ ấy để gác lại những ám ảnh hoài niệm về đội bóng của HLV bậc thầy Ferguson”...
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất