12/08/2012 14:11 GMT+7 | Các môn thể thao khác
(TT&VH Cuối tuần)- Với 22 huy chương ở các kỳ Olympic, gồm 18 huy chương vàng, Michael Phelps, người vừa tuyên bố giã từ đường đua xanh sau khi giành 4HCV và 2 HCB cá nhân và đồng đội tại Olympic London 2012, đã trở thành một huyền thoại sống không chỉ ở môn bơi lội, mà cả trong lịch sử Thế vận hội. Điều thú vị là ngoài tài năng thiên bẩm, anh là sản phẩm của một bà mẹ đơn thân, người đã một mình nuôi anh khôn lớn cùng các chị gái sau khi người chồng bỏ đi lúc Phelps còn rất nhỏ.
Gấp đôi người thường
Nhà thể thao xuất chúng của nước Mỹ và thế giới đã gây ra nhiều kinh ngạc không chỉ trên đường đua, mà còn bởi việc anh phá vỡ các định kiến về những gia đình chia rẽ và biến những trải nghiệm lẽ ra là rất khó khăn với các đứa trẻ khác thành cơ hội tỏa sáng ở Olympic. Ngay cả những chuyên gia hàng đầu về xã hội học ở Mỹ cũng phải ngả mũ trước tình yêu thương và khả năng giáo dục của bà mẹ anh, Debbie Phelps.
Tuy nhiên, tiến sĩ tâm lý học Carl Pickhardt của Đại học Texas, tác giả nhiều cuốn sách về đề tài làm cha mẹ, không lấy thế làm ngạc nhiên. “Trong quá trình phải làm công việc gấp đôi so với các cặp cha mẹ thông thường, một bà mẹ đơn thân có thể trở nên cống hiến gấp đôi cho sự trưởng thành của con cái, giúp họ có được sức mạnh phi thường để ảnh hưởng tới đời sống của con. Một số gia đình tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến là những gia đình đơn thân”, ông Pickhardt cho biết.
Mỗi chiến thắng của Michael Phelps trên đường đua xanh đều có hình bóng người mẹ- Ảnh Getty
“Một gia đình đầy đủ cha mẹ không đảm bảo sẽ có những đứa con thành công và hạnh phúc. Số lượng các bậc phụ huynh ít quan trọng hơn so với chất lượng của việc làm phụ huynh”, tiến sĩ Mark Goulston, một chuyên gia tâm lý y khoa và là tác giả cuốn Get Out of Your Own Way (Thoát khỏi lối mòn), bình luận.
Gần như trong mọi khoảnh khắc chiến thắng của Phelps kể từ khi anh biết đến những đường bơi Olympic từ năm 2000 đều có mặt bà Debbie. Tại London, khi Phelps thất bại trong ngày ra mắt ở nội dung 400 mét hỗn hợp nam, bà có mặt trên khán đài để chia sẻ sự thất vọng và nỗi buồn với con trai. Rồi khi anh giành chiến thắng ở 100 mét bướm và ba nội dung đồng đội khác để xô đổ kỷ lục 18 huy chương Olympic của nhà thể thao Xô Viết vĩ đại Larisa Latynina, bà Debbie cũng là một trong những người đầu tiên đến ôm anh để nói lời chúc mừng, chia sẻ những giọt nước mắt, nụ cười và cả sự thanh thản với Phelps.
Ở Bắc Kinh 4 năm về trước cũng vậy. Ngay lúc kình ngư người Mỹ, khi đó mới 23 tuổi, chạm thành bể đầu tiên ở nội dung 400 mét cá nhân hỗn hợp, anh đã hướng ánh mắt về phía khán đài để tìm kiếm bà Debbie và những người chị gái. Cha anh, ông Fred Phelps, thừa nhận với báo Baltimore Sun ông không tới Trung Quốc ủng hộ con mà chỉ ngồi nhà xem ti-vi. Bob Bowman, huấn luyện viên của Phelps, thì khẳng định mối quan hệ của cậu học trò với người cha “rất hời hợt và chẳng có vai trò gì cả”.
Không chồng tốt hơn ?
Trước khi tới Bắc Kinh, bà Debbie Phelps đã nói với một đài truyền hình ở Maryland rằng “mọi bậc cha mẹ ngồi trên khán đài đều muốn nhìn thấy điều tốt nhất cho con mình”. Nhưng với một bà mẹ đơn thân, chặng đường của bà khó khăn hơn nhiều. Debbie và Fred Phelps ly thân vào năm 1993 và một năm sau, họ chính thức ly dị khi Phelps mới 9 tuổi. Debbie sau đó mất vài năm đi học để trở thành hiệu trưởng một trường cấp hai đồng thời phải xoay xở với những lịch hẹn khám bác sĩ dày đặc để chữa trị chứng rối loạn khả năng tập trung dai dẳng của cậu con trai duy nhất.
Bà mẹ Debbie (phải) và cô chị gái Hilary hát quốc ca Mỹ trên khán đài sau khi Michael Phelps giành HCV nội dung 4x200 mét tự do đồng đội- Ảnh Getty
Những triệu chứng của căn bệnh này bao gồm mất khả năng tập trung và có hành vi nóng nảy khó lường trước. Michael phải trải qua cả những đợt điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Do hai người chị của anh, Whitney và Hilary, đều là những tay bơi lội cừ, Phelps cũng được khuyến khích tham gia bơi lội như một phần của cuộc điều trị. Bà Debbie đã cất công đưa anh tới hồ bơi 4-5 lần một tuần, tất nhiên khi đó không hề trông đợi rằng con bà rồi sẽ trở thành người bơi lội xuất sắc nhất hành tinh. Thực vậy, việc là bà mẹ đơn thân giúp Debbie có được quyết tâm sắt đá cùng cậu con trai. Bà không phải tranh cãi về việc ai sẽ đưa Phelps tới bể bơi, ai sẽ trả tiền điều trị và tập luyện cũng như việc Phelps có trở thành vận động viên chuyên nghiệp hay không. Bà làm tất cả một mình, quyết định một mình và cho tới giờ, bà đã hoàn toàn đúng.
“Mẹ của Michael Phelps xứng đáng được trao giải Bà mẹ của năm”, chuyên gia vật lý trị liệu Gilda Carle, tác giả cuốn Don’t Bet on the Prince! How yo Have the Man You Want by Betting on Yourself (tạm dịch: Đừng làm hoàng tử! Làm sao để trở thành người bạn muốn bằng cách là chính mình). “Bà ấy đã một tay nuôi dạy ba đứa con, và do Michael bị mắc chứng rối loạn tập trung, bà ấy đã cho cậu điều mà không đứa trẻ nào có: tập trung hết sức lực cho bơi lội. Trường hợp của Phelps thực sự là một ví dụ tiêu biểu cho thấy cách vượt lên số phận như thế nào. Nó cũng phá vỡ những định kiến về việc trẻ nhỏ sẽ trở nên hư hỏng ở những gia đình đổ vỡ. Điều quan trọng là chất lượng giáo dục và sự hướng dẫn cho con cái, dù cho môi trường tức thời xung quanh nó có ra sao. Mỗi cá nhân đều có những kỹ năng có thể được nuôi dưỡng và phát triển. Tôi cho rằng đây cũng là câu chuyện tuyệt vời về nước Mỹ, khi người mẹ không đánh cược vào chàng hoàng tử nơi con trai mình. Bà ấy hẳn phải rất tự hào”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất