18/05/2017 07:28 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 17/5, tiểu thuyết Đêm núm sen của nhà văn Trần Dần đã chính thức được "đánh thức" sau ròng rã hơn nửa thế kỉ “ngủ yên”.
Được sáng tác từ năm 1961, bản thảo Đêm núm sen, hay tác giả khi sinh thời vẫn gọi vui là Sứa, nằm trong số 200 di cảo còn lại của Trần Dần, do nhà văn Dương Tường tham gia tập hợp ngay sau ngày ông mất. Và qua thời gian dài nằm trong ngăn kéo, tác phẩm đã được chính con trai của tác giả dày thu thập và khôi phục.
Để Đêm núm sen được "sáng"
Chia sẻ về việc khôi phục lại tác phẩm của cha mình, anh Trần Trọng Văn cho rằng đó là quá trình kiên nhẫn và bền bỉ. “Mọi người vẫn nói cha tôi là người sáng tạo về chữ nghĩa. Do vậy khi biên tập lại tôi rất sợ bị sai một câu chữ nào đó mà làm mất đi ý tứ của cụ. Tôi phải dùng đến cả kính lúp, rồi nhiều thủ pháp khác để soi thật kĩ, chép lại từng từ” – anh Văn nhớ lại.
Rất may mắn là trong quá trình đó, anh Văn luôn nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý giá từ nhà văn Dương Tường. Là người duy nhất được đọc bản thảo Đêm núm sen khi tác giả còn sống, chính Dương Tường đã đưa ra ý kiến khôi phục tác phẩm, đồng thời dựa trên trí nhớ của mình để hỗ trợ quá trình tập hợp, biên soạn.
Đặc biệt, chỉ khi cầm trên tay Đêm núm sen, nhiều người đọc mới biết thêm một cái tài khác của Trần Dần ngoài tài văn chương và dịch thuật: tự tay ông đã vẽ minh hoạ cho các sáng tác của mình rất nhiều lần. Và người đảm nhận nhiệm vụ “tái sinh” phần hình cho tác phẩm cho Đêm núm sen lần này là hoạ sĩ Tạ Huy Long.
“Một cuốn sách vừa tàn bạo vừa lãng mạn, vừa tàn khốc vừa le lói mầm sống. Một tiểu thuyết hiện thực giả tưởng, do vậy cần vẽ bằng ý nghĩ nhiều hơn cái mình nhìn thấy”- hoạ sĩ Tạ Huy Long chia sẻ.
Anh cho rằng, nhân vật chính trong truyện Sứa, sở hữu một vẻ đẹp quyến rũ, gợi cảm và rất khó nắm bắt, đặc biệt là dưới hình dạng nửa người, nửa kiến. Và cái sự nửa thực nửa hư của cuốn sách, cùng tính triết lý mà tác giả gửi gắm trong từng câu chữ cũng là thử thách không dễ dàng với anh khi thực hiện vẽ minh hoạ.
“Là thế hệ chuyển tiếp, tôi muốn được thử sống trong hoàn cảnh khó khăn khi ông Trần Dần viết tác phẩm này. Hơn hết, cuốn sách này đã quyến rũ tôi” – vẫn lời họa sĩ Tạ Huy Long.
“Quả bom” trường tồn với thời gian
Nói về lần đầu tiên được nhà văn Trần Dần cho xem bản thảo, nhà văn Dương Tường không quên được cảm giác bàng hoàng, ngây ngất.
“Dường như nhìn trước được tương lai nên ông Trần Dần đã nói với tôi rằng cuốn này không thể vội in, vì nó sẽ trường tồn. Dù đến giờ thấy đúng thế thật nhưng tôi vẫn thấy tiếc" – nhà văn cho biết - "Có người nói với tôi khi soạn lại di cảo của Trần Dần, đó là cuốn này nếu được in vào lúc nó vừa viết ra, ắt sẽ là một “quả bom”!
“Tôi rất thích thú và ấn tượng về cách làm chữ, đưa đến sự mới mẻ trong việc sử dụng tiếng Việt để sáng tạo văn chương của tác giả. Các nhà văn trẻ khi đọc cuốn tiểu thuyết này hẳn sẽ rút ra được kinh nghiệm về cách làm việc với con chữ" - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói thêm - "Vừa qua là Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, đến hôm nay là Đêm núm sen, hy vọng trong tương lai chúng ta có thể khôi phục và xuất bản được nhiều hơn những tác phẩm có giá trị, nhưng vì lý do nào đó mà bị lãng quên”.
Dự kiến, tháng 8 sắp tới, gia đình nhà văn Trần Dần sẽ phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực văn chương tiếp tục tổ chức buổi chia sẻ về cuốn sách, sau một khoảng thời gian người đọc đã được tiếp xúc và trải nghiệm tác phẩm.
Vài nét về "Đêm núm sen" Đêm núm sen xoay quanh cuộc sống của thế giới loài kiến – người. Những tình huống, bối cảnh và tâm tư tình cảm của cuộc sống con người được tác giả lồng ghép đầy hư ảo trong điểm nhìn của loài kiến. Không chỉ thấm đẫm triết lý về con người, về xã hội, chiến tranh, Đêm núm sen còn là bức tranh đẹp và cảm động về tình yêu đôi lứa. |
Hà My – Huy Phạm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất