20/02/2013 06:49 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một cuộc “trưng bày” 11 chiếc cúp Champions League diễn ra trên sân San Siro, trong trận đấu vòng 1/8 đêm nay. Milan hơn Barca 3 chiếc, nhưng ở thì hiện tại, họ không còn tầm vóc như trong quá khứ. Sẽ là một cơn địa chấn nếu Barcelona thúc thủ.
Milan không còn là đối thủ xứng tầm với Barca.
Bám vào nhau để sống
11 chiếc cúp Champions League kể lại những câu chuyện riêng của nó. Nhưng hãy lưu ý, “chuyện” của Barca là chuyện cách đây mới 2 năm, với lần đăng quang gần nhất ở mùa 2010-11. Sau danh hiệu này, chu kì chiến thắng và kỉ nguyên tiki-taka với Messi, từ thời Pep Guardiola, vẫn đang được Tito/Roura duy trì. Tương phản với Milan, “chuyện” của họ, diễn ra cách đây đã 6 năm (2007), với một thế hệ chiến thắng đã lùi xa.
Từ sau khi chia tay những công thần, San Siro là một khung cảnh hỗn độn. Một loạt những cậu nhóc trẻ măng nằm trong bản đề án phát triển do Barbara Berlusconi/Galliani khởi xướng, hạ cánh xuống San Siro, minh chứng cụ thể cho tiến trình “trẻ hóa chủ động” mà Milan đang làm. Milan từng đặt niềm tin sắt đá vào những “ông già”, và khả năng “làm mới” những “ông già” của Milan Lab, mà danh hiệu Champions League ở Athens 2007 là thành quả. Nhưng sau đó, niềm tin trở thành miễn cưỡng, rồi chết hẳn, nhường chỗ cho công cuộc trẻ hóa được khởi động.
Barca khác Milan ở điểm này. Với lò La Masia làm cột chống, các thế hệ đội Lam-đỏ cứ hòa quyện vào nhau, đều đặn đôn những cậu bé tài năng lên đội Một, theo cách tự nhiên như thay một chiếc áo. Milan khao khát điều đó. Trong “anno zero” (năm bản lề) đầu tiên của kế hoạch, họ đã trẻ hóa rất mạnh mẽ từ đầu năm, với đội hình có độ tuổi trung bình chỉ hơn 27 một chút, trẻ thứ tư trong lịch sử Champions League 20 năm gần nhất. Con số đáng kinh ngạc.
Gồng lên cũng không ăn thua
Quá khứ là một tấm gương trung thực, cho hiện tại soi rọi để nỗ lực và tự hào. Trong khủng hoảng, Milan luôn mang “tấm gương 1994” ra sử dụng, mỗi khi đối thủ Barcelona đến trước cửa nhà. Họ nhớ năm đó, tự hào về nó như một chuẩn mực của khả năng vượt khó từ những người đàn ông, đã chiến đấu vượt trên khả năng, khi niềm tự hào, bị những phát biểu ngông cuồng của “Thánh Johan” chọc ngoáy.
Mùa trước, Rossoneri bám vào những gì đã diễn ra hơn 15 năm trước, để tìm cách khắc chế tiki-taka. Milan đôi công với Barca tại lượt trận cuối vòng bảng, khi cả hai đã chắc chắn lọt vào vòng sau (thua 2-3). Milan gồng lên phòng thủ, trong trận lượt đi vòng Tứ kết, mà tinh thần quật cường của những cận vệ già (thật kì lạ, hôm đó, những cầu thủ hạng Hai như Bonera và Antonini là những người chơi hay nhất) là hết sức đáng ngợi khen (hòa 0-0). Nhưng đều không thể thắng.
Khi liều doping từ quá khứ tan đi, Milan cũng tan chảy theo. Thể lực yếu trong những thời khắc quyết định, khiến họ không thể gồng lên được nữa, sau 2 quả penalty phải nhận trong trận tứ kết lượt về (thua 1-3) và những sai lầm cá nhân (Mexes). Lối chơi Milan chưa đạt đến ngưỡng để đối chọi lại Barca quá sung ở Camp Nou (nhưng chơi rất thư thái), và Milan gục ngã. Niềm tự hào quá khứ đã lên tiếng, nhưng không có tác dụng quyết định thành bại, kể cả khi họ đã gồng lên.
Cơ hội nào cho Milan?
Những bàn thắng vào lưới Barca chủ yếu đến từ những pha bóng xuất thần, theo dạng cả năm mới có một lần, mà chỉ những cầu thủ thực sự đặc biệt mới có thể thực hiện nối. Bây giờ, còn ai làm ra những phút giây như thế? El Shaarawy, người còn chưa bình phục hoàn toàn cho đến hôm qua? Pazzini, một tiền đạo hạng trung bình, phong độ thất thường, mà đẳng cấp chưa chắc đã sánh bằng Pedro của Barca? Hay Niang, người mới 18 tuổi, thậm chí còn chưa chơi một trận Champions League nào trong đời anh? Quá khó!
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất