Milan khủng hoảng: Không ghi bàn, không hy vọng

28/03/2010 11:47 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) -  Từ đáng nhớ đến đáng quên chỉ cần 2 tháng. Năm mới 2010 mở ra bằng 12 bàn thắng trong 3 trận liên tiếp và rồi tất cả mơ đến Scudetto. Tháng 3 sắp kết thúc bằng một chuỗi trận đấu đáng quên, với chỉ 2 bàn/5 trận đấu chính thức và Scudetto chưa bao giờ gần đến thế lại trở nên cách xa.

Giấc mơ Scudetto tan như bong bóng xà phòng bởi sự phản bội của các cầu thủ tấn công đúng vào giây phút mà mộng ước đẹp nhất. Chỉ 2 bàn trong 5 trận đấu chính thức của tháng 3 (tính cả trận gặp M.U), trong đó chỉ có một bàn duy nhất do công của một tiền đạo (Inzaghi), bàn còn lại là của một tiền vệ, ở những giây cuối cùng (Seedorf). Những người còn lại đã làm gì? Ronaldinho đá cả 5 trận, không một bàn thắng. Borriello tương tự, dù số phút ít hơn, không một bàn thắng. Huntelaar cũng 5 trận, không một bàn thắng. Pato chỉ đá đúng 15 phút trong chuỗi thời gian ấy và dĩ nhiên, không bàn thắng. Còn Inzaghi? Mùa xuân, mùa mà suốt 3 năm liên tiếp qua anh luôn hồi sinh, giờ đã thành mùa đông: chỉ 1 bàn/179 phút ra sân. Đối với một đội bóng sống bằng hơi thở của các tiền đạo (38/48 bàn của Milan từ các tiền đạo) và buồng phổi của các cầu thủ hộ công đẳng cấp thế giới (Ronaldinho, Seedorf, Pirlo), một khi bàn thắng không đến thì hàng thủ lãnh đủ. Không có Nesta và Bonera, trong khi Kaladze bị gạt ra ngoài vì lí do kỉ luật, khi các chân sút không phát hỏa, chỉ có Abbiati là khốn khổ.

Giờ đây Milan phải đặt hết hy vọng vào một cầu thủ già lão như Inzaghi
Trận thua Parma đã phơi bày tất cả những vấn đề mà Milan đang mắc phải, khi đội bóng chơi chậm, giữ bóng nhiều nhưng không tạo nổi những cơ hội ghi bàn, vì không có những pha xuống cánh tạt bóng, không có những pha dốc biên, không cả những pha đột phá. Sự què quặt của Pato đã lấy đi của Milan giải pháp tấn công hữu hiệu nhất từ bên cánh nhờ tốc độ và sự tinh quái của anh. Huntelaar đã phải hy sinh nhiều khi chuyển sang đá lệch phải và giờ mất luôn cảm giác ghi bàn. Borriello đang mất đi chuyến tàu đến World Cup vì thiếu đi sự hỗ trợ của Ronaldinho và vì sự vắng mặt của Pato. Inzaghi đã chơi quá ít từ đầu mùa và giờ vật vã đi tìm phong độ, trong thời điểm Leo chỉ còn có thể hy vọng vào kinh nghiệm của anh trong các giai đoạn quyết định.

Còn Ronaldinho, tác giả của 16 đường chuyền quyết định và 9 bàn thắng mùa này, đã quyết định tự loại mình khỏi trận đấu với Lazio bằng một thẻ vàng hết sức ngớ ngẩn trong trận gặp Parma. Tại sao anh làm vậy? Một lí giải: Ronnie đã quá mệt mỏi và anh muốn nghỉ ngơi một cách “hợp pháp”. Tiền vệ người Brazil là cầu thủ ra sân nhiều nhất của Milan mùa này (28/29 trận Serie A), chỉ vắng duy nhất trận gặp Bologna (nhưng Seedorf đã giúp Milan đứng dậy bằng bàn thắng duy nhất). Nhưng chính điều ấy đã đẩy Milan vào thế cùng cực, vì khi Ronaldinho và những đường chuyền xuất sắc của anh bên cánh trái không còn nữa, Pato không có mặt ở biên phải và xương sống của cả đội là Pirlo ở trung tuyến ngồi nhà, Milan đã mất đi hầu như tất cả những yếu tố cần thiết cho việc tổ chức tấn công và ghi bàn thắng. Ở San Siro đêm nay, ai sẽ là người ghi bàn giúp Milan chiến thắng (đừng nói chính Leo phải xỏ giày vào sân ở tuổi 40)? Huntelaar, Borriello hay Inzaghi (đã ghi 121 bàn, chỉ còn kém Van Basten 3 bàn trong danh sách những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho Milan trong lịch sử)?

Phải ghi bàn bằng mọi giá, trong hoàn cảnh thiếu vắng những nhân vật chủ chốt và phải thi đấu với sự thận trọng ở một số trụ cột còn sót lại chỉ cần nhận thêm 1 thẻ vàng nữa là nghỉ trận tới (Seedorf, Flamini, Thiago Silva) là một thách thực thực sự với Leo. Nhưng phải biết vượt qua những thử thách ấy, mới thành tài, Leo!
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)
 
 

Những vấn đề của họ

1) Hàng công tịt ngòi: Trong 5 trận liên tiếp ở Serie A và Champions League, Milan chỉ ghi được đúng 5 bàn thắng (kèm theo đó 1 trận thắng, 2 trận hòa, 2 trận thua). Đó là chuỗi trận kém cỏi nhất của Milan kể từ đầu mùa (từ vòng 2 đến vòng 5, Milan chỉ ghi 1 bàn/5 trận).

2) Hàng phòng ngự nhảy ballet: Trong giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải, hàng phòng ngự Milan bắt đầu bị nung chảy. Trong tháng 3, số cơ hội nguy hiểm mà đối phương tạo được về phía khung thành Abbiati tăng gấp rưỡi so với tháng trước.

3) Vấn đề nhân sự: Trong số các đội dẫn đầu, không đội nào tan nát về lực lượng như Milan, khi trong trận gặp Lazio, sẽ vắng 9 cầu thủ, 2 vì bị treo giò (Pirlo, Ronaldinho) và 7 vì chấn thương (Beckham, Onyewu, Pato, Nesta, Kaladze, Mancini và Bonera). Thiếu Ronnie và Pirlo, Milan mất đi nguồn sáng tạo tấn công, trong khi thiếu Nesta, hàng thủ không còn vận hành tốt như trước.
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm