Dân nuôi bò sữa kêu trời vì bị o ép

28/05/2010 12:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hiện nay người chăn nuôi bò sữa đang phải chịu lỗ khoảng 800 đồng/kg sữa do giá nguyên liệu đầu vào tăng “chóng mặt”, trong khi việc nâng giá thu mua sữa từ các công ty lại rất “ì ạch”. Người nông dân cũng đang kêu “trời” vì cho rằng bị o ép đủ thứ. Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) TP.HCM đã phải làm việc với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp gỡ khó cho nông dân.

Thưởng - phạt chưa công bằng

Theo Hội Nông dân TP.HCM, tính đến hết tháng 4, tổng đàn bò sữa trên địa bàn là gần 73.000 con, trong đó có hơn 36.000 con cái đang vắt sữa với năng suất đạt hơn 680.000 kg/ngày. So với thời điểm tháng 12/2009 tổng số lượng bò sữa trên toàn địa bàn thành phố giảm hơn 4.000 con.

Nguyên nhân là do tình hình chăn nuôi bò sữa của nông dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là do nguyên liệu đầu vào tăng từ 28% - 80%. Trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu tính từ tháng 4 - 5/2010 của các công ty chỉ tăng thêm 280 đồng/ kg (đối với Công ty sữa Vinamilk) và giảm mức trừ chỉ tiêu tạp trùng tối đa là 500 đồng/kg thay cho 900 đồng/kg (đối Công ty Frieslan Campina). Do vậy, người chăn nuôi bò sữa đang phải chịu lỗ, nên phải giảm quy mô đàn bò do giá bán thấp hơn chi phí sản xuất.
Nông dân nuôi bò sữa tại TP.HCM đang phải chịu lỗ

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề giá thu mua từ các công ty chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất, thì người chăn nuôi còn kêu “trời” vì nhiều quy định mà người nông dân cho là “vô lý” mà họ phải gánh chịu.

Đơn cử, theo quy định chất lượng sản phẩm sữa khi thu mua của Công ty sữa Vinamilk, người nông dân phải bị trừ đến 700 đồng/kg sữa nếu vi phạm 1 trong 3 chỉ tiêu: Béo, vật chất khô và vi sinh vật. Tuy nhiên, chỉ có một mức thưởng duy nhất là chỉ tiêu “vật chất khô” của thành phẩm sữa cao hơn mức quy định thì được thưởng 250 đồng/kg. Đối với Công ty sữa Frieslan Campina, mức thưởng khi sản phẩm sữa của người chăn nuôi đạt các chỉ tiêu vi sinh chỉ bằng 50% so với mức trừ nếu không đạt các chỉ tiêu. Theo các hộ chăn nuôi cách tính thưởng - phạt như vậy là không công bằng.

Ông Lưu Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT TP.HCM cho biết thêm bất cập từ việc thu mua sữa: “Việc kiểm tra chất lượng sữa trước khi thu mua sữa của Công ty Frieslan Campina, người chăn nuôi bị trừ tiền 2 lần, theo chất lượng nhóm và từng cá nhân. Ngoài ra, theo phản ánh của người chăn nuôi, mặc dù đã cải thiện tất cả các điều kiện vệ sinh theo khuyến cáo kỹ thuật của Công ty nhưng khi nhân viên của Công ty Frieslan Campina đến kiểm tra người nông dân vẫn bị trừ tiền chỉ tiêu tổng tạp trùng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được đại diện của Công ty sữa Frieslan Campina trả lời rõ ràng”.

Hợp đồng bất lợi cho người chăn nuôi

Trong buổi làm việc, một vấn đề mà các hộ chăn nuôi bò sữa băn khoăn là các hợp đồng kí kết với các Công ty sữa quá dài và khó hiểu. Nhất là người chăn nuôi không được tham gia bàn luận dự thảo hợp đồng trước khi kí kết với các Công ty. Vì vậy người dân buộc phải kí với những điều khoản hợp đồng do Công ty tự biên soạn.

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân TP.HCM kiến nghị: “Các Công ty sữa phải nghiên cứu điều chỉnh hợp đồng thu mua sữa với nông dân đề 2 bên thực hiện cùng có lợi. Thực tế, nhiều điều khoản bất lợi cho người chăn nuôi được Sở NN & PTNT TP.HCM tổng hợp đưa ra buổi làm việc. Theo đó, những điều khoản này sau khi được đại diện Sở NNH & PTNT TP.HCM đưa trao đổi công khai và mong tìm ra giải pháp phù hợp từ nhiều phía, bao gồm các cơ quan chức năng và đơn vị thu mua sữa”. Tuy nhiên, đại diện Cty sữa Vinamilk, bà Nguyễn Thị Như Hằng lại khẳng định rằng: “Trước khi những hợp đồng này đến tay bà con, bên phía Công ty sữa Vinamilk đã gửi cho Sở NN &PTNT và Hội Nông dân TP.HCM để có ý kiến. Nhưng lại không thấy các cơ quan chức năng này có ý kiến gì. Bên cạnh đó, trước khi người chăn nuôi bò sữa ký phải đọc và hiểu toàn bộ nội dung bản hợp đồng”. Ngoài ra, ông Lưu Văn Tân, đại diện cho Công ty sữa Frieslan Campina cũng cho rằng: “Người dân có quyền không ký hợp đồng với Công ty nếu thấy các thỏa thuận trong hợp đồng không phù hợp. Người chăn nuôi bán thì Công ty mua, còn không bán thì thôi”.

Với cách trả lời từ các đại diện 2 Công ty sữa được nêu trên như vậy mối bận tâm của các hộ chăn nuôi bò sữa khó có thể giải quyết được triệt để. Trong khi người chăn nuôi từng ngày, từng giờ rất cần sự hỗ trợ về giá thu mua, giảm khấu trừ, phân tích chất lượng sản phẩm và thưởng - phạt công bằng từ phía các Công ty sữa để chia sẽ những khó khăn của người chăn nuôi hiện nay.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm