Mông Cổ du ký: Bí mật của thảo nguyên

02/07/2015 07:03 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Tháng 7 ở Mông Cổ là mùa Hè, cũng là thời gian du lịch tốt nhất ở vùng thảo nguyên. Nhìn xa xa và từ trên cao, thảo nguyên dường như chỉ có cỏ, một màu xanh mát mắt, uốn theo những triền đồi nhấp nhô.

Khi chúng tôi nhận xong lều của mình cũng là lúc Mặt trời vừa khuất sau dãy đá trên đồi sau lưng. Trên thảo nguyên, thỉnh thoảng lại có những dãy đá như vậy. Do kết cấu đá, cộng với thời gian và nắng gió, nhiệt độ qua hàng trăm năm, có những phiến đá mang đủ màu sắc như nhũng bức tranh trừu tượng và đủ mọi hình thù.

Đêm buông một tấm màn mỏng thật nhanh xuống những mái lều, bầu trời dần sẫm lại và chuyển từ một màu xám đậm sang xanh navy  rồi ngày một đen thẫm hơn. Khi chúng tôi đã rửa ráy qua loa và quay trở lại ngôi lều sinh hoạt chung giữa khu làng, thì những ngôi sao đầu tiên đã xuất hiện trên bầu trời. Nhiệt độ đang xuống mỗi lúc một thấp.

Trong ngôi lều chung không khí thật ấm cúng. Bữa tối có khoai tây sốt cà, cơm nấu đậu bo, ớt chuông và bí ngòi xào, sườn cừu và đùi gà hầm. Sữa ngựa được để trong những ấm đồng lớn, còn trà và cà phê thì được uống trong những cái bát gỗ.

Gia súc phổ biến của dân du mục Mông Cổ là ngựa, cừu, bò và lạc đà, trong đó ngựa chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Ngựa là phương tiện giao thông chính trên thảo nguyên, cũng là nguồn thực phẩm bên cạnh thịt cừu, bò và dê. Bữa sáng của chúng tôi thường có bánh bột chiên (giống như quẩy ở ta), phô-mai dê, sữa chua khô và sữa ngựa. Sữa ngựa vắt ra được chứa trong những thùng sắt để qua đêm và hớt lớp váng trên mặt, rồi cho vào những bao da lớn, dùng một cây gỗ khuấy mạnh. Sữa lên men chua, trở thành món sữa ngựa. Thoạt nhìn sữa này trong như sữa mẹ, uống vào có vị nồng nồng, chua thanh. Đây là một trong những thực phẩm chủ yếu của dân du mục trong suốt mùa Hè. Sữa chua khô làm từ váng sữa để lên men và phơi khô thành những tấm bánh màu trắng đục, rắn như đá nhưng khi cho vào miệng nhai thì thấy dẻo và có vị béo, ngây ngấy.

Món đặc trưng trong các bữa trưa và tối của người Mông Cổ là thịt nướng. Họ không tẩm ướp nhiều như người Hàn Quốc mà xâu thịt vào que như kiểu Schashilik của người Nga nướng trên bếp than, đôi khi cũng nướng trên đá, ăn cùng bánh bột hoặc cơm.

Cả căn lều sực nức mùi đồ ăn, mùi cừu và mùi lông thú đặt trên những chiếc rương gỗ quanh lều, tạo nên một thứ mùi đặc trưng, nhưng rất khó gọi tên. Sau khi đã đánh chén no say, vừa bước ra khỏi lều lớn, chúng tôi chợt rùng mình vì khí lạnh ập thẳng vào mặt. Tưởng như sỗ sàng, nhưng đó lại là một cái lạnh ngọt ngào, đầy ve vuốt và rất dễ chịu.

Tôi mặc một áo sơ-mi dài tay, áo gi-lê, áo khoác ngắn, thêm một áo khoác dài, quần jeans, đi hai tất mỏng và quấn khăn kín mít. Đó là trang phục đêm Hè của tôi trên thảo nguyên. Đủ “mát” để có thể tham dự đêm lửa trại giữa mênh mông núi đồi. Khi ngọn lửa bùng lên soi sáng cả một vùng đồi và vòng người dần đông, tiếng trống bắt đầu vang lên rộn rã. Shaman, vị pháp sư của bộ tộc xuất hiện và nhảy múa trong tiết tấu ngày một nhanh của trống.

Các bộ lạc du mục trên thảo nguyên trước kia tôn thờ thần linh (Shamanism) và các pháp sư luôn giữ một vị trí đặc biệt trong các bộ lạc. Điệu múa có nhiều động tác huyền bí, cầu thần, cầu hạnh phúc, may mắn, sức khỏe cho người và gia súc. Đám họa sĩ ngà ngà say bắt đầu cất tiếng hát trong một vòng tròn trên cỏ. Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng  Mông Cổ, tiếng Việt, tiếng Hoa... Vodka, bia Legend, lửa trại, âm nhạc và đất trời thảo nguyên, tất cả đã kết nối vòng người đa sắc tộc một cách thật tự nhiên. Trên đầu chúng tôi là bầu trời đầy sao, dưới kia là thảo nguyên trong đêm đen vẫn nồng hương cỏ hoa. Và chúng tôi giống như những người du mục chăn cừu lạc lối về.

Hai họa sĩ người Đài Loan ở chung đã đốt củi ở lò sưởi trong lều khi tôi quay trở về. Mỗi ngôi lều như thế có bốn người, giường có nệm và sàn trải thảm, giữa lều là một cái bàn nước nhỏ và vài ngọn nến. Về đêm, không khí trong lều ấm hơn nhờ lò sưởi, nhưng càng lúc càng có cảm giác khó thở và tôi đành bung cửa lều cho thoáng.

Đang mơ màng chìm dần vào giấc ngủ sâu, đột nhiên nghe tiếng chó sủa râm ran từ xa vọng lại. Vẫn còn ngái ngủ và mắt nhắm mắt mở, tôi lò dò ra cửa... và giật mình đánh thót trong một nỗi sợ hãi khủng khiếp khi thấy một bóng đen to lớn, rõ là hình vuông của một con thú 4 chân, lao vút qua trước mặt. Lúc đó mới nhớ tới lời dặn của hướng dẫn viên Bill, ngủ lều trên thảo nguyên phải luôn đóng cửa đề phòng có thú. Sáng hôm sau thấy có cái rãnh lớn chạy vòng đằng sau một số lều, không hiếu có phải con dũi? Và cũng không biết con vật to lớn lông đen đêm trước là con gì.

Tự nhiên thấy thảo nguyên thật bí hiểm, nhưng thật lạ, là vẫn vô cùng gần gũi.

Bài và ảnh: Trần Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm