25/06/2015 20:26 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - (LTS) Năm ngoái, họa sĩ Trần Thùy Linh cùng nhóm nữ họa sĩ Việt Nam tham gia Triển lãm mỹ thuật quốc tế nữ có tên Bản ngã của nữ họa sĩ trong sắc màu lần thứ 11 diễn ra tại Ulan Bator (Mông Cổ). Chị chia sẻ với độc giả Thể thao & Văn hóa Cuối tuần về chuyến đi này.
Chúng tôi rời Ulan Bator đi về phía Đông. Dọc hai bên đường là những khu dân cư, những dãy nhà cũ mới đan xen, nhưng đều mang hình hộp chữ nhật hoặc vuông chằn chặn. Thi thoảng mới có vài cánh đồng cỏ xanh xen lẫn giữa bê tông, gạch ngói ngổn ngang và những mái nhà tôn đủ màu sắc, xanh, đỏ, cam hồng. Toàn màu nguyên, đã chói chang càng chói chang hơn dưới ánh nắng Mặt trời.
Điểm dừng chân đầu tiên là tượng đài Thành Cát Tư Hãn, cách Ulan Bator khoảng 54km. Bức tượng Thành Cát Tư Hãn cưỡi trên lưng ngựa bằng inox, cao 40m, là một trong những bức tượng lớn nhất trên thế giới, được hoàn thành vào năm 2008. Bên trong tượng có hai bảo tàng về lịch sử và đế chế Mông Cổ trưng bày rất nhiều đồ vật, đặc biệt là vũ khí, áo giáp và đồ đồng chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Theo thang máy và thêm vài tầng thang bộ, du khách sẽ lên tới đầu ngựa và có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng đất lịch sử “Tsonjin Boldog” một thời gắn liền với Thành Cát Tư Hãn và những chiến binh của một đế chế hùng mạnh. Bên dưới là cửa hàng bán đồ lưu niệm làm bằng tay và nơi khách có thể thuê quần áo hoàng đế và hoàng hậu để chụp hình. Quần thể tượng đài vẫn tiếp tục được xây dựng trong năm nay trên một khuôn viên rộng 100 ha.
Sau bữa trưa rất ngon miệng, chúng tôi tiếp tục hành trình về phía Mặt trời mọc. Rời đường chính chỉ khoảng hơn chục km, thảo nguyên dần hiện ra trước mặt: mênh mông, bát ngát và xa tít tắp tới tận chân trời.
Đích đến của chúng tôi là khu cắm trại truyền thống của những bộ lạc du mục từ thế kỷ 13 nằm tại vùng “Tsonjin Boldog“. Tiếng bánh xe lăn lạo xạo trên sỏi. Khi đọc chương trình của chuyến đi, tôi đã tự hỏi, tại sao chỉ 50km mà phải đi tới hơn ba giờ đồng hồ? Chỉ tới khi xe rẽ vào vùng đồng cỏ, mới vỡ lẽ là tại sao. Đường ở đây không hẳn là đường, mà là những vệt mòn trên cỏ do xe đi mà thành. Cả một vùng non xanh mênh mông với những vệt đường mòn ngoằn ngoèo uống lượn tạo nên một cảnh trí đẹp hơn bất kỳ bức tranh nào.
Mông Cổ là một đất nước khá rộng với diện tích 1,56 triệu km², dân số gần 3 triệu người với mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu sinh sống tại Ulan Bator. Cuộc sống du mục của một số bộ tộc Mông Cổ hiện nay không thay đổi mấy so với tổ tiên của họ: vẫn nay đây mai đó trên thảo nguyên bao la với những chiếc lều trắng và đàn gia súc - tài sản lớn nhất của một gia đình.
Bill, hướng dẫn viên của chúng tôi nói, có khoảng hơn 20 bộ tộc sinh sống nhiều ở vùng đồi núi Tây, Tây Bắc, vùng hồ và sa mạc Gobi. Bill là một chàng trai cao ráo, cân đối như hầu hết thanh niên Mông Cổ thuộc tộc người Bonjigong, chiếm đa số ở đây.
Người du mục tụ về vùng này dựng trại từ thế kỷ 13. Chúng tôi ghé thăm 5 khu trại với những bố trí và trang trí lều khác nhau. Nhưng tất cả đều rất thân thiện và gần gũi với thiên nhiên. Những chiếc lều như những nét chấm phá nổi bật trên nền cỏ xanh và những vùng đồi nhấp nhô trong một bố cục tuyệt mỹ.
Lều của người Mông Cổ là những ngôi nhà hình tròn, cửa thấp bên trong có hai cột đặt cách nhau khoảng 1m được đỡ bởi bộ khung tròn. Ở lều King’s Place nơi dành cho vua nghỉ qua đêm, khung này được chạm khắc với rất nhiều họa tiết và biểu tượng tám vật thiêng của người Mông Cổ. Tùy theo thực trạng của từng gia đình mà họ dựng lều lớn hay nhỏ. Tâm của vòng tròn, chính giữa nhà, là nơi đặt bếp lò với một ống khói cao, vươn qua mái đưa khói ra ngoài.
Bill nói không được chui qua hai cột gỗ, điều đó sẽ mang lại sự xui xẻo cho cả nhà. Mái của lều được đỡ bằng 81 thanh gỗ. Bộ khung lều được phủ ba lớp: bên ngoài cùng là lớp vải bạt màu trắng; kế đến là một lớp da thô bằng lông thú nén lại, có tác dụng cách nhiệt; bên trong là thảm trang trí hoặc lông thú (như lông gấu, lông chó sói, lông chồn cáo, lều chúng tôi ở là lông cừu). Khoảng trống trên mái lều vừa để lấy sáng vừa là đồng hồ: Căn cứ vào bóng nắng soi qua cái lỗ này mà người ta có thể canh giờ để thả gia súc. Lều được tính toán kỹ lưỡng để vừa ấm về mùa Đông lại vừa mát về mùa Hè.
Chúng tôi đã ở trong những chiếc lều như thế, giữa đồng cỏ trên thảo nguyên mênh mông. Để trải nghiệm cuộc sống du mục, dù chỉ vài ngày, cũng cần có sức chịu đựng. Trước hết là với mùi cừu suốt ngày vây quanh bạn, bám vào quần áo, đầu tóc của bạn; trước cuộc sống khắc nghiệt không điện, thiếu nước, không thiết bị điện tử và sự thất thường của thời tiết với bốn mùa trong một ngày, sáng Xuân, trưa Hạ, chiều Thu và đêm Đông.
Nhưng bù lại bạn sẽ không bao giờ thiếu trời xanh, mây trắng, nắng vào mùa Hè và cái lạnh của mùa Đông. Chính những ngày ngắn ngủi ở thảo nguyên đã cho tôi hiểu rằng, tại sao những mái nhà lại mang màu nguyên, tại sao những họa tiết trên trang phục truyền thống của người Mông Cổ tinh xảo đến thế, màu sắc đậm đà đến thế. Và tại sao họ lại có một thứ âm nhạc đầy sức sống, sôi nổi, lôi cuốn với giai điệu lạ và giàu tiết tấu đến thế. Ở nơi đây, bạn sẽ luôn thấy mình thật bé nhỏ trước mênh mông núi đồi và thảo nguyên. Nhưng bạn không có cảm giác sợ hãi, bạn sẽ thấy một điều mà có lẽ hiếm ở nơi nào bạn có được: Sự tự do!
Những ngày ở thảo nguyên trong chiếc lều tròn thật là những trải nghiệm thật khó quên. Không chỉ có thế, và không như vẻ bề ngoài của nó, thảo nguyên luôn chứa trong mình những bí ẩn dành cho những người say mê khám phá.
Như một sự khám phá chính mình để vươn tới tự do. Vậy thảo nguyên còn có gì?
Bài và ảnh: Trần Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất