'Một gương mặt khác' của họa sĩ bán tranh nhiều bậc nhất Việt Nam

29/07/2019 07:58 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Con gái họa sĩ Nguyễn Thanh Bình vừa khai mạc cuộc trưng bày tác phẩm nhân sinh nhật 65 tuổi của cha mình vào chiều 27/7/2019 tại một phòng tranh ở quận 2, TP.HCM. Triển lãm không có tên và chỉ bày khoảng 20 bức tranh, nhưng không vì vậy mà thiếu vắng người xem.

Tranh Nguyễn Thanh Bình có phải là tranh chợ?

Tranh Nguyễn Thanh Bình có phải là tranh chợ?

Kể từ triển lãm cá nhân năm 2012 tại Tokyo, đến nay Nguyễn Thanh Bình mới làm triển lãm quy mô nhỏ tại TP.HCM.

1. Một họa sĩ đến xem nhận xét: “Trưng bày chơi chơi mà có chuyện để xem, khác hẳn các hình dung về Nguyễn Thanh Bình vốn nổi đình đám trên thị trường mỹ thuật. Đây là một gương mặt khác”.

Với hành trình cầm cọ hơn 40 năm, hơn 5.000 bức tranh đã bán, Nguyễn Thanh Bình là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất Việt Nam. Nhân cuộc trưng bày lần này, hỏi anh nghĩ gì?, Nguyễn Thanh Bình trả lời: “Thật sự thì chẳng nghĩ gì, vì có gì đáng để nghĩ đâu! Đã từ khá lâu, có lẽ bắt đầu từ những năm 2000, tôi đã không còn quan tâm đến sự thành hoặc bại trong công việc này nữa. Nó đã là nghiệp, cứ thế mà đi, đi cho đến khi trả xong”.

“Nếu có một chút gì để nhớ, để quên thì rõ ràng mình không sinh ra để làm việc này, nhưng số phận đã đặt mình lên con đường và đẩy mình đi đến tận hôm nay. Nếu đi cho đến tận cuối con đường, tôi vẫn thấy rằng 90% hành trang thu lượm trên đời là vô ích” – anh nói thêm.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Nhìn từ ngoài vào, dường như có hai Nguyễn Thanh Bình. Một là của thị trường tranh, đâu đâu cũng thấy bán, mấy chục năm vẫn là… “tôm tươi”. Hơn 5.000 bức là con số theo Nguyễn Thanh Bình ước tính, chứ theo vài phòng tranh thì chắc phải nhiều hơn nữa, có khi gấp đôi. Một là của những trầm tư, tìm tòi, với quan niệm rất rõ ràng và nhẹ nhàng về nghiệp dĩ (việc vốn như thế). Cuộc trưng bày đang diễn ra cho thấy cả hai điều này, nhưng khía cạnh trầm tư thì nhiều và rõ hơn.

Khi hỏi anh có bị áp lực vì phải giữ mãi vài cách vẽ không? Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Có nhiều cách đi đến mục tiêu, nhưng thường thường khi mới bắt đầu, khi còn chịu ảnh hưởng của các bậc thầy, người ta sẽ trải nghiệm nhiều phong cách cho đến khi tìm được cái thật sự là của mình. Họa sĩ nào đã định danh, định tính thì cũng chỉ giữ lại một vài cách vẽ, nhưng nếu chưa cảm thấy thỏa mãn, đương nhiên người ta vẫn tiếp tục đi tìm. Thật ra tôi vẫn tiếp tục đi tìm trong khi vẫn giữ lại cái mà công chúng đang muốn có. Tôi cũng có được nhiều bức như ý riêng, nhưng đa số người Việt không được xem, nên hình dung của họ về tôi vẫn y như cũ. Điều này cũng bình thường thôi”.

Chú thích ảnh
Một góc của cuộc trưng bày. Ảnh: Phong Quang

2. Nhiều người cho rằng tranh Nguyễn Thanh Bình vẽ mỏng, chắt lọc kỹ thuật tối giản là để… tiết kiệm sức lực, vì có đêm anh phải vẽ cả chục bức cho kịp đặt hàng. Thật ra cách nhìn này hơi phiến diện, vì vẽ nhanh vẽ chậm, vẽ nhiều vẽ ít thường phụ thuộc vào tố chất, vào cá tính từng họa sĩ.

Khi hỏi về hơi hướng tối giản trong cách vẽ, Nguyễn Thanh Bình nói rằng nó xuất phát từ tính tình, từ cách nghĩ của anh đối với mọi việc, mọi vật, vốn không muốn suy diễn. “Từ thời sinh viên tôi đã chịu ảnh hưởng từ thể thơ haiku, dù chưa cảm nhận sâu sắc tinh thần thiền, nhưng đọc là tự nhiên thấm dần vào tiềm thức, một ngày nào đó như một phần tính cách của mình”- anh kể.

Khi xem tranh Nguyễn Thanh Bình, nhà phê bình Thái Bá Vân từng nhận xét: “Tôi biết, người ta thường nói rằng trong hội họa trắng và đen không phải là màu sắc. […]. Ở đây, màu trắng của Nguyễn Thanh Bình như ra khỏi đời sống thực tại, ồn ào và khắc nghiệt với máy móc của nền văn minh cơ khí. Hình tượng hội họa của Nguyễn Thanh Bình không ngả về thế giới khách quan mà là hướng nội. Ở đây có chút hơi thở phương Đông, phảng phất chốn ẩn náu của tâm hồn con người, khi đã hài hòa được cái chung và cái riêng để nhìn thấy một thế giới nơi chân trời xa của tâm linh đại ngã. Có lẽ đó là ước mơ của người nghệ sĩ trẻ này”.

Có đầy đủ điều kiện để làm một triển lãm bề thế, mượn được nhiều tranh tiêu biểu về trưng bày, nhưng Nguyễn Thanh Bình lại chọn cách làm cho vui nhân ngày sinh nhật. Trên trang Facebook của mình, anh ngắn gọn: “Tóm tắt đại khái thế, chứ kể hết câu chuyện nửa thế kỷ, có mà điên”. Đây có lẽ cũng là một quan niệm, một gương mặt khác của Nguyễn Thanh Bình.

Vài nét về họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Nguyễn Thanh Bình sinh 1954, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, lúc nhỏ sống tại Tiệp Khắc và Hungary. Ông đã thực hiện rất nhiểu triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó có một số triển lãm tại Anh, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan Malaysia, Luxembourg…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm