28/11/2011 07:04 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - 24/11/1991 là một ngày buồn của thế giới âm nhạc khi thủ lĩnh của nhóm Queen, Freddie Mercury qua đời vì bệnh AIDS. 20 năm đã trôi qua. Có người cho rằng, nếu ban nhạc đầu tiên ta nghe là Queen, ta có đủ các ca khúc hay để nghe suốt đời. Chủ quan hơn, nếu ai đó trót yêu thích Queen từ những ngày đầu nghe nhạc, họ có thể yêu thích gần như tất cả mọi loại âm nhạc khác. Vậy lần đầu tiên người Việt “gặp gỡ” Queen là khi nào?
Lan tỏa
Thật khó có câu trả lời xác đáng, nhưng chắc chắn có một dấu mốc hẳn nhiên nhiều người còn nhớ khi vào năm 1992, khán giả xem truyền hình Việt “bị” nghe gần như liên tục phiên bản Bohemian Rhapsody (của Queen) được sử dụng trong bộ phim Wayne’s World. 1992 chính là năm cả thế giới xôn xao và ồn ã kỷ niệm một năm ngày mất của Freddie Mercury, với những cái tên lừng tiếng nhất showbiz bấy giờ như Elton John, George Michael, Cyndi Lauper, Guns N’ Roses, Extreme và một Metallica hãy còn son trẻ. Lễ tưởng niệm diễn ra được truyền hình trực tiếp cho 1,2 tỷ người xem trên toàn thế giới.
Bìa DVD đầu tiên phiên bản tiếng Anh, Cromartian Rhapsody, của Cromartian Highschool - bộ manga theo phong cách biếm phỏng (parody) đoạt giải Kodansha danh tiếng cho Shònen manga hay nhất năm 2002 - chính là phiên bản tinh quái bìa album danh tiếng năm 1972 của Queen. Chưa hết, bộ manga còn có hai nhân vật lần lượt mang tên Freddie, một anh chàng chỉ khi hát mới lên tiếng và một gã du đãng tên Mercury: cả hai đều có ngoại hình giống hệt ca sĩ đầu đàn quá cố của Queen.
Bức tượng Freddie Mercury đặt tại Montreux, Thụy Sĩ. Tác phẩm của nhà điêu khắc Irena Sedlecka
Là kẻ lĩnh xướng cho cơn điên-vì-âm-nhạc tích cực và xuất chúng nhất toàn bộ lịch sử nhạc rock, Freddie Mercury, theo nhận xét của David Bowie, là “người nắm khán giả trong trọn lòng bàn tay”. Chủ quan mà nói, danh hiệu trình diễn xuất sắc nhất hoàn toàn xứng đáng thuộc sở hữu của Freddie và Queen, bởi lẽ rock‘n’roll ở đỉnh cao tối hậu của nó cần phải mang lại niềm vui hoan lạc đích thực cho người nghe, thay vì mải lo dịch chuyển những niềm u uất dai dẳng (Pink Floyd) hay những nỗi niềm dai nhách của trẻ vị thành niên (Metallica).
Trên sân khấu, Freddie là một ông-hoàng đích thực: đắm say, diêm dúa, khoa trương, quyền uy, phóng túng, không một chút ngại ngần làm điều mình thích. Trong sáng tác, Freddie chán ngán phải lặp lại chính mình, anh đã sử dụng và kết hợp toàn bộ những gì xung quanh mình, lôi ra từ nội tâm dường như không bao giờ ngừng sôi sục và pha vào những chất liệu bắt gặp trong cuộc sống và từ chính nghệ thuật. Nói theo ca khúc Innuendo, Freddie Mercury có thể là “bất cứ điều gì mà bạn muốn cất công mô tả”.
Con số 300 triệu đĩa hát tiêu thụ và tổng số tuần xuất hiện trên bảng xếp hạng gộp lại (1.322) nhiều hơn bất kỳ ban nhạc nào tại Anh (đánh bại cả Beatles). Âm nhạc ấy, mặc cho những lớp vỏ sân khấu lòe loẹt từ những ấn tượng ban đầu, thật như chính cuộc sống, là chính “Days of our lives” (những ngày tháng trong cuộc đời chúng ta).
“Bên trong, tôi là một con người hoàn toàn khác”
Từ khi còn là một gã sinh viên trường nghệ thuật nhút nhát, lặng lẽ, nhưng đam mê âm nhạc vô bờ bến, đến cuối đời, dường như Fred vẫn luôn là một con người nhút nhát, lặng lẽ và có tâm hồn nhạy cảm hơn bất kỳ ai khác, trái hẳn với một cá tính sân khấu hoàn toàn tương phản mà đến Kurt Cobain cũng phải ganh tị (trong bức thư tuyệt mệnh viết năm 1994). “Khi trình diễn, tôi là một kẻ vô cùng hướng ngoại, thế nhưng bên trong tôi là một con người hoàn toàn khác”. Freddie, đã có trên 700 live show cùng với Queen, tâm sự như thế.
Bìa tạp chí The Sun số ra ngày 25/11/1991, đưa tin về cái chết của Freddie Mercury
Bên cạnh những thành công vượt bậc, doanh số đĩa bán ra tăng chóng mặt và đời sống xa hoa, hoang phí có thể gọi là vô độ, cũng giống như người bạn Michael Jackson, Freddie dường như không có gì khác ngoài sự cô đơn trống trải kéo dài. “Anh có thể có tất cả mọi thứ trên thế gian này và vẫn là kẻ cô độc nhất. Đó chính là thứ cô độc cay đắng nhất, thành công đã mang đến cho tôi sự sùng bái của cả thế giới và hàng triệu bảng. Nhưng nó lại ngăn không cho tôi có được thứ duy nhất mà tất cả chúng ta đều cần: một mối quan hệ yêu thương và bền vững”.
Những bản tình ca sâu lắng, giằng xé nhất, đời nhất nhưng cũng ước lệ nhất là do chính Fred viết ra, như Jealousy, Take My Breath Away, It’s A Hard Life, thậm chí How Can I Go On (song ca cùng Monserrat Caballé), để đến cuối đời mình, ông được tri kỷ Brian May (guitar của nhóm Queen) viết tặng Too Much Will Kill You. “Tôi bị tình yêu ám ảnh - nhưng ai mà chẳng thế? Hầu hết các sáng tác của tôi là những bản tình ca và những thứ gắn với buồn khổ, dằn vặt và đớn đau […] tôi viết rất nhiều ca khúc buồn vì tôi là một kẻ rất bi kịch”, Freddie dường như luôn muốn thoát khỏi hiện thực, như tuyên ngôn trong bài hát Bohemian Rhapsody, nhưng vô vọng, nên đã gián tiếp giúp chúng ta làm điều ấy qua chính các sáng tác?
Những câu chuyện “thần tiên” vẫn tiếp diễn
Năm 2011 đánh dấu một sự hồi sinh thật sự của Queen, và chưa bao giờ ta thấy Brian May và Roger Taylor (2 thành viên của Queen) trên truyền thông thường xuyên đến thế. Chỉ cách đây vài ngày, cuộc thi thực hiện music video cho ca khúc kinh điển Sheer Heart Attack, diễn ra từ tháng 8 đến cuối tháng 10 do Brian May và Roger Taylor lựa chọn đã tìm được người chiến thắng: nhóm Buckled Cranium và đạo diễn trẻ Luke Leslie đến từ Ireland. Ngày 6/11, Queen nhận giải Biểu tượng âm nhạc toàn cầu tại giải thưởng MTV châu Âu European Music Awards danh giá, cùng phần trình diễn vô cùng ấn tượng với sự góp giọng của Adam Lambert.
Queen và Adam Lambert trên sân khấu EMA 2011
Đúng 2 tháng trước, ngày 6/9, Google Doodle trình làng một clip ngắn tái hiện theo đúng nghĩa - đen ca khúc Don’t Stop Me Now mà chắc chắn những ai tự nhận yêu thích ban nhạc đều phải biết, để kỷ niệm ngày sinh của Freddie. Trước đó, cộng đồng chơi meme thế giới (meme là một ý tưởng - có thể là ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, công nghệ… mà được bắt chước và lan rộng) lại cho ra đời dáng đứng Freddie Mercury, lấy từ hình ảnh Freddie hưng phấn vung thẳng cánh tay lên cao, mắt nhắm nghiền, chính là biểu tượng đã in sâu vào tâm trí hàng trăm ngàn khán giả có mặt tại sân Wembley tận mắt được xem show diễn cuối cùng của ông mùa Hè năm 1986.
Cũng trong năm 2011, biên kịch kỳ cựu Peter Morgan đang viết kịch bản bộ phim về những năm đầu của Queen đến thời kỳ đỉnh cao là Live Aid 1985, Sacha Baron Cohen vào vai Freddie, dự kiến sẽ phát hành vào năm 2012. Cùng thời điểm đó, các sáng tác Mercury cùng Michael Jackson cũng sẽ chính thức đến tay người hâm mộ. Biết đâu, sau tour diễn Queen Extravaganza sắp tới, Brian May và Roger Taylor sẽ tiếp tục những câu chuyện thần tiên của quá khứ, vì vẫn theo một cách kết thúc rất “khuôn sáo”, show diễn vẫn phải tiếp tục (Show Must Go On, tên một bài hát cực kỳ nổi tiếng của Queen), cùng một Freddie Mercury duy nhất.
Du Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất