20/11/2014 19:16 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Năm 2008, sau chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên (và đến giờ vẫn là duy nhất), không ít người đã nói đến chuyện bóng đá Việt Nam bắt đầu thoát khỏi cái ao làng. Nhưng chính lúc đó, HLV Henrique Calisto, kiến trúc sư trưởng của danh hiệu quán quân AFF Suzuki Cup 2008 đã tuyên bố, nếu muốn vươn tới tầm châu Á, bóng đá Việt Nam phải có một cuộc thay đổi toàn diện.
Tuy nhiên, đã chẳng có cuộc thay đổi nào và 6 năm sau, bóng đá Việt Nam lại mơ thêm một giấc mơ vô địch nữa. Nhưng điều kỳ lạ nhất là chức vô địch lần này không hề là sức ép, khi chính VFF lẫn người hâm mộ đang đặt kỳ vọng vào lứa U19, với giấc mơ còn lớn hơn - World Cup. Bầu không khí trước giải cũng không nóng như mọi năm.
Biết đi rồi mới biết chạy
Thất bại liên tiếp của bóng đá Việt Nam ở các sân chơi khu vực như AFF Suzuki Cup và SEA Games trong những năm gần đây đã khiến dư luận hầu như không đặt bất cứ kỳ vọng nào vào khả năng đội tuyển Việt Nam sẽ đoạt chức vô địch ở AFF Suzuki Cup 2014, bất chấp việc thầy trò HLV Toshiya Miura có lợi thế sân nhà, và HLV người Nhật Bản mới có màn ra mắt tương đối ấn tượng bằng thành tích đưa đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tứ kết môn bóng đá nam ASIAD 17 mới diễn ra ở Hàn Quốc hồi tháng 9 vừa qua.
Nếu như không có sự xuất hiện nổi đình nổi đám của U19 Việt Nam trong hơn một năm qua thì hẳn là kỳ AFF Suzuki Cup 2014 này vẫn là tâm điểm chú ý của VFF cũng như người hâm mộ, bởi dẫu sao ĐTQG vẫn là thương hiệu giá trị nhất của bóng đá Việt Nam và những đối thủ hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vẫn đủ sức lôi kéo sự chú ý của CĐV.
Thế nhưng, sau những gì mà U19 Việt Nam đã làm được trước những tên tuổi lớn của bóng đá châu Á như Nhật Bản, Australia hay Trung Quốc cùng giấc mơ World Cup mà lứa cầu thủ này được gửi gắm thì quả thật AFF Suzuki Cup là sự lựa chọn rất không tương xứng, song như người ta vẫn nói, phải biết đi rồi mới biết chạy.
Trước khi chờ đợi lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường liệu có làm được điều gì đó ở sân chơi châu lục hay không, thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng AFF Suzuki Cup vẫn là sân chơi vừa sức nhất với bóng đá Việt Nam, và nếu cần có một danh hiệu để giúp nền bóng đá lấy lại sức sống sau một thời gian dài sa sút thì giải vô địch bóng đá Đông Nam Á chính là mục tiêu nằm trong tầm với của chúng ta.
Việc không nhận được nhiều kỳ vọng lúc này có khi lại chính là lợi thế của đội tuyển Việt Nam, bởi hành trình lên ngôi 6 năm về trước của thầy trò HLV Calisto cũng diễn ra theo cái cách như thế, khi đội tuyển Việt Nam bước vào AFF Suzuki Cup 2008 với chuỗi 11 trận liên tiếp không thắng, và ngay ở trận khai mạc, các học trò của HLV Calisto lại thất thủ 0-2 trước chủ nhà Thái Lan để kéo dài chuỗi trận không thắng lên con số 12, nhưng từ đó trở đi, đội tuyển Việt Nam đã không thua thêm một trận nào nữa và thẳng tiến tới chức vô địch.\
Làm mới giấc mơ
Sau 6 năm, bóng đá Việt Nam trở lại với giấc mơ cũ cùng một HLV mới và một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới. Trong số những người từng góp mặt trong chiến dịch đoạt Cúp vô địch ở kỳ giải năm 2008, bây giờ chỉ còn Tấn Tài, Thành Lương và Phước Tứ thường xuyên góp mặt ở đội hình chính thức, còn người hùng năm 2008 là tiền đạo Công Vinh vẫn chưa thể xác lập cho mình một chỗ đứng vững chắc ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura.
Con đường mà HLV Miura đến với chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cũng có nét nào đó hao hao hành trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014 của đội bóng áo đỏ, khi vẻ ngoài thư sinh cùng bản lý lịch chưa từng một lần dẫn dắt các ĐTQG khiến cho HLV Miura phải đón nhận ít nhiều sự hồ nghi, ngờ vực trong ngày đầu tiên ra mắt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tuần làm việc cùng đội tuyển Olympic Việt Nam, HLV Miura đã mang đến bất ngờ thú vị cho người hâm mộ khi xây dựng được lối chơi rất hiện đại cho Olympic Việt Nam, và nhờ thế đã đưa đội bóng lọt vào tứ kết ASIAD 17 sau khi toàn thắng ở bảng đấu có sự góp mặt của Olympic Iran, đội bóng hàng đầu châu lục và luôn được xem là ứng viên sáng giá cho chiếc HCV.
Trở về từ Incheon (Hàn Quốc), sự tin tưởng và kỳ vọng mà HLV Miura nhận được đã thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược so với trước ngày khai mạc ASIAD 17, song đội tuyển Việt Nam dưới quyền ông thầy người Nhật vẫn chưa thể tạo được niềm tin tuyệt đối cho người hâm mộ bằng việc thi đấu khá thất thường trong loạt trận khởi động trước thềm AFF Suzuki Cup 2014.
Thế nhưng, khác với sức ép nặng nề mà HLV Calisto phải chịu đựng cách đây 6 năm, HLV Miura vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc, bởi cái cách xây dựng đội tuyển Việt Nam của ông thể hiện dấu ấn rõ rệt của sự chuẩn bị cho tương lai, khi gần một nửa đội hình đội tuyển Việt Nam hiện tại đủ khả năng tham dự SEA Games 28 vào năm sau ở Singapore, và giống như người tiền nhiệm Calisto, ông Miura cũng là một bậc thầy về tâm lý nên đội tuyển Việt Nam dưới thời chiến lược gia người Nhật Bản thực sự là một khối thống nhất.
6 năm là quãng thời gian đủ dài để xây dựng lại một ước mơ, và với dàn cầu thủ mới cùng một HLV mới, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai, song không nhất thiết là phải ngay tại AFF Suzuki Cup 2014.
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất