09/08/2012 11:05 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Abu Bakr, một chỉ huy phiến quân ở Syria, là người Hồi giáo mộ đạo và mong muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng
"Hãy để tôi nói rõ thế này. Tôi là người Hồi giáo và các chiến binh của tôi cũng thế. Nhưng chúng tôi không chỉ có một dạng Hồi giáo. Có những con người tới đây và chiến đấu như lực lượng cực đoan ở Iraq" - Abu Bakr thổ lộ với phóng viên Reuters.
Cùng chiến tuyến nhưng không cùng chí hướng
Khi cuộc chiến của phe chống đối nhằm vào chính quyền của ông Bashar al-Assad đã diễn ra trong tháng thứ 17 liên tiếp, các chiến binh Hồi giáo từ trong vùng cũng đổ tới Syria ngày càng nhiều.
Lực lượng đối lập ban đầu vui mừng vì họ mang theo vũ khí, tiền bạc, kinh nghiệm và quyết tâm chiến đấu. Nhưng rồi nỗi lo đã xuất hiện, khi người ta phát hiện các chiến binh tới từ vùng Vịnh, Libya, Đông Âu và cả khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan có những mục tiêu khác với người Syria.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên tương lai mới, chứ không phải phá hủy mọi thứ. Tại thời điểm này, có thể chúng tôi và các lực lượng kia có cùng một mục tiêu là lật đổ chế độ. Nhưng nếu ông Bashar sụp đổ, chúng tôi sẽ có thể đứng trước một chiến tuyến mới, chống lại các đồng minh cũ " - Abu Bakr nói.
Abu Bakr và các đồng đội của ông muốn Syria là một phiên bản bảo thủ hơn của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, vốn nằm dưới sự quản lý của một chính quyền Hồi giáo trung dung. Vì thế, họ lo ngại trước một số vụ bắt cóc gần đây nhằm vào cánh báo chí nước ngoài và cả các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Syria.
Các nước phương Tây cũng theo dõi diễn biến ở Syria với sự quan ngại, khi ngày càng có nhiều chiến binh Sunni tới chiến đấu tại đây. Họ lo ngại một cuộc tắm máu sắc tộc sẽ diễn ra tại Syria, như những gì đã xảy ra ở Iraq sau cuộc chiến của Mỹ. Một số chiến binh tới Syria vì tin vào quan điểm Thánh chiến. Họ muốn bảo vệ những người Hồi giáo anh em đang lâm cảnh khốn cùng. Nhưng chắc chắn có cả những kẻ tới đây vì muốn gây dựng căn cứ cho các tổ chức khủng bố như Al Qaeda ở Syria .
Nỗi sợ ngấm ngầm trước các "đồng đội"
Abu Bakr nói rằng phe đối lập hiện không có sự lựa chọn nào ngoài việc chào đón các chiến binh ngoại quốc, vốn vẫn đang ùn ùn đổ tới Syria.
Các chiến binh mang tới hàng xe súng phóng rốc két, thuốc nổ. Một tay súng phiến loạn nói rằng bất kỳ khi nào người ta tìm thấy một quả bom tự chế ở Syria, thể nào cũng có các tay súng ngoại quốc ở quanh đó.
"Họ mang tới đây rất nhiều kinh nghiệm chế bom từ cuộc chiến Iraq. Nhờ sự giúp đỡ của họ, các quả bom của chúng tôi giờ đã có thể kích nổ trong bán kính từ 3-7km, bằng điện thoại di động" - Mohammed nói.
Không khó để nhận ra sự hiện diện của các chiến binh ngoại quốc ở vùng Aleppo, vốn diễn ra chiến sự ác liệt giữa quân chính phủ và phe đối lập trong tuần trước. Một số tay súng đang chạy lom khom quanh các tòa nhà, người mặc shalwar kameez, một loại quần áo thường được mặc ở Afghanistan và Pakistan, nhưng ít xuất hiện ở Syria. Họ cũng bộc lộ các dấu hiệu của dòng Hồi giáo Sunni như râu dài, nhưng cạo sạch ở hai bên cằm.
Không phải mọi nhóm chống đối ở Syria đều hợp tác tốt với các tay súng ngoại quốc. Ví dụ như tại Aleppo, nhóm chiến binh lớn nhất là Lữ đoàn Tawheed, với 2.000 người, chỉ chấp nhận các tay súng ngoại quốc nếu họ tuân theo quy định.
"Có một số đạo quân cực đoan không hợp tác tốt với chúng tôi. Họ tự ý hành động" - một chiến binh Tawheed nói - "Chúng tôi cố gắng đưa những người thánh chiến vào từng nhóm để họ không thực hiện các chiến thuật quá cực đoan. Nhưng chúng tôi cũng rất căng thẳng. Họ vẫn có thể quay súng bắn lại chúng tôi".
Các lãnh đạo Tawheed, chẳng ai là sĩ quan quân sự, đang cố tổ chức trận chiến ở Aleppo một cách quy củ hơn các chiến dịch trước. Chỉ huy Abdulqader Salheen nói rằng họ muốn chia thành phố ra 9 khu vực và để các nhóm phiến quân khác nhau chiếm giữ. Nỗ lực tập hợp lực lượng của Tawheed kéo dài được khoảng 3 tuần, nhưng đã bắt đầu tan vỡ khi các nhóm nhỏ nói rằng họ không được chia vũ khí cướp từ các đồn cảnh sát trong thành phố. Một số đơn vị đã rút trở lại vùng nông thôn để phản đối.
Nhưng một trong những nhóm chiến binh hoạt động hiệu quả nhất và kín tiếng nhất ở Aleppo mang tên Ahrar al-Sham, "Những con người tự do của Syria", vẫn tích cực gửi quân tới Damascus. "Họ đặc biệt hiệu quả và bí mật. Họ hợp tác với chúng tôi tấn công chính quyền, nhưng họ không nhận lệnh từ bất cứ ai. Họ có vũ khí và chất nổ tuồn từ bên ngoài vào và họ trang bị rất tốt" - một tay súng ở Aleppo tên Anwar cho biết.
Mâu thuẫn về mục tiêu
Không có gì ngạc nhiên khi các tay súng dày dạn kinh nghiệm trận mạc từ nước ngoài, túi đầy tiền của các nước vùng Vịnh này lại đang tăng ảnh hưởng ở Syria. Mục tiêu của những lực lượng này là gì, chưa ai có thể biết rõ. Nhưng tại những khu vực nơi quân chống đối chiếm đóng giờ đang đầy những khẩu hiệu đường phố mang nội dung cực đoan như: "Nhân dân yêu cầu triển khai luật Sharia".
Phần lớn các tay súng phiến loạn của Syria, họ lại không có mục tiêu rõ ràng như các chiến binh ngoại quốc. "Chúng tôi muốn xây dựng một nhà nước nơi các công dân của chúng tôi được bình đẳng, người Hồi giáo cũng như người thiểu số" - chiến binh trẻ Anwar nói - "Chúng tôi muốn được lựa chọn tương lai của mình, không muốn nó được định đoạt bởi cái nghèo hay tín ngưỡng".
Với các lãnh đạo như Abu Bakr, ông muốn dựng trở lại một nhà nước Hồi giáo bảo thủ, nhưng theo các cách thức từ từ để người dân có thể thích nghi.
Một số khác nói rằng cuộc chiến với chính quyền đã là quá đủ mệt mỏi để họ nghĩ xa xôi hơn. Amr, một chiến binh 20 tuổi cho biết các chỉ huy của anh đã bận bù đầu khi vừa tìm cách lật đổ ông Assad, vừa duy trì trật tự ở các khu vực chiếm được."Chúng tôi đang chiến đấu với chính quyền và giờ còn phải xử lý cả tội phạm nữa. Chúng tôi không có thời gian đương đầu với những kẻ cực đoan" - anh nói - "Nhưng đừng lo, sẽ tới lúc chúng tôi xử lý chúng".
Tường Linh (Theo Reuters)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất