20/12/2020 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Cả một thời gian dài, chúng ta biết đến nước Pháp và văn hóa Pháp thông qua thời trang và ẩm thực. Quý cô thanh lịch và quý ông lịch lãm, hương nước hoa đẳng cấp, cùng ngồi bên bàn ăn lung linh ánh nến, với rượu vang và bít tết - bức tranh quen thuộc này đã cho thấy một ấn tượng của rất nhiều người mỗi khi nghĩ hay nhắc đến Pháp. Nhưng nói về Pháp, thời trang hay ẩm thực là không đủ. Chính xác hơn, đó là bề nổi của một tảng băng chìm.
1. Hãy để những hoa lệ, hào nhoáng của một nềnvăn hóa nổi tiếng toàn thế giới lại phía sau. Nếu bạn muốn tìm đến những nghịch lý, những “góc tối”, những điều xưa nay chưa từng được nghe nói đến về đất nước và con người Pháp, nhưng lại chán ngấy các thể loại sách nghiên cứu có phần chuyên sâu, khó đọc, thì hãy thử tìm đến ghi chép nhân học Một nước Pháp khác - Không chỉ là thanh lịch của Jean-Benoit Nadeau và Julie Barlow.
Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Anh Sixty Million Frenchmen Can’t Be Wrong, bản dịch tiếng Việt được Bloom Books phối hợp cùng NXB Thế Giới phát hành năm 2020.
Với mong muốn có thể phác họa nên một bức tranh lớn về nước Pháp, Jean-Benoit và Julie đã thu thập mọi thứ: Một vài nhận xét, các bài báo, một lời tuyên bố, các phần nhỏ trong cuộc sống... tất cả những thông tin ấy đều trở thành mảnh ghép để từ đó, bức tranh Pháp với cả quá khứ, hiện tại, tương lai được tái hiện trên trang viết. Và rồi, khi bức tranh được tái hiện, điều mà chúng ta bắt gặp chính là “tâm hồn của người Pháp”.
Bạn có biết:
Bùng binh ở Pháp là di tích của tập tục săn bắn.
Nhà thờ Đức Bà được sử dụng làm nhà máy muối diêm thời Cách mạng Pháp.
Những người quen uống rượu vang Pháp đều cảm nhận được những dấu vết độc đáo của hương vị còn được lưu lại bởi các loại đất cụ thể nơi những vườn nho canh tác.
Và người Pháp yêu thích sự vĩ đại vô cùng!
2. Jean-Benoit và Julie đã dành ra hơn 2 năm để ăn Pháp, ngủ Pháp, và sống Pháp. Vốn không phải người Pháp, 2 vợ chồng tự so sánh mình với những nhà nhân chủng học hạ cánh xuống một bộ lạc giữa rừng Amazon và dần dần tự mình hòa nhập vào lối sống ở đó.
Đọc Một nước Pháp khác… độc giả hoàn toàn không cần biết đến những “mục tiêu nghiên cứu”, “tính cấp thiết của đề tài” hay “phương pháp tiếp cận”, mà chỉ đơn giản là đọc một câu chuyện về 2 người ở nền văn hóa khác dành ra 2 năm để làm quen, tìm kiếm những điều mới mẻ, đùa vui với những thành kiến văn hóa, khám phá nghịch lý, và hòa nhập với cộng đồng người Pháp và nền văn hóa Pháp.
Cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu được vì sao ở Pháp, kiến trúc cổ xưa song trùng tồn tại cùng với kiến trúc hiện đại, hoặc trên cái nền cũ kỹ của kiến trúc cổ xưa, những tòa nhà được xây mới. Người Pháp chấp nhận quá khứ và hiện tại có thể cùng tồn tại trong một thời điểm. Câu thành ngữ “un passé qui ne passe pas” (một quá khứ chưa đi qua) ám chỉ đến mối quan hệ mơ hồ giữa người Pháp với chính lịch sử của họ. Ở Pháp, những nếp tư duy cũ và những phong tục mới song hành với nhau. (Vậy nên, nước Pháp “hiện đại”, “tân tiến” chỉ là một nửa của hiện thực thôi!).
Đọc Một nước Pháp khác… bạn cũng sẽ được làm quen với những con người say mê những điều vĩ đại: Những chiến công vĩ đại, những tư tưởng hùng tráng, và cả nghệ thuật tu từ nữa. Người Pháp coi trọng nghệ thuật tu từ. Đối với họ, nghệ thuật tu từ đáng trân trọng như cách người Anh tôn sùng kịch nghệ, người Italy say mê ca hát, và người Đức quý mến vĩ cầm.
Học sinh ở Pháp được học về nghệ thuật tu từ và thực hành hùng biện ngay từ khi còn nhỏ. Các em được dạy lập dàn ý và phát triển cấu trúc để có được một bài văn/ bài phát biểu thuyết phục theo hướng thuyết - phản thuyết - tổng hợp. Tức là, học sinh Pháp trình bày ý tưởng, giải thích những phản đối có thể có, sau đó tổng hợp kết luận của họ. (Vậy nên, người Pháp “lãng mạn”, “bay bổng” cũng chỉ là một nửa của hiện thực thôi!)
3. Sẽ có vô vàn điều kỳ thú khi lật từng trang viết của Jean-Benoit và Julie, không phải chỉ vì nước Pháp đôi khi không như bạn nghĩ, mà còn vì tất cả những chuyến phiêu lưu bạn trải nghiệm được sau khi kết thúc hơn 200 trang sách. Đi từ xuất xứ của người Pháp cho đến những thói quen, quan niệm sống và triết lý giáo dục, bạn sẽ gặp hết điều kỳ lạ này đến điều kỳ lạ khác.
Nếu đã quen với nước Pháp lung linh không tì vết, thì có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi bước đến nước Pháp trong 2 cuộc chiến tranh đau thương: Thế chiến II và chiến tranh Algeria. Khi làm quen với tâm hồn Pháp, đây chắc hẳn là phần ký ức dễ bị tổn thương nhất của tâm hồn tưởng như vĩ đại và hùng tráng này. Nhưng suy cho cùng, để thấu hiểu một tâm hồn, ta đâu thể bỏ qua những ký ức mềm yếu đang ngủ sâu trong đó.
Dù được xuất bản cách đây gần 20 năm, cuốn sách vẫn mang tính thời đại của nó, giống như tất cả những cuốn sách về nhân học khác vậy. Và giống như tất cả những cuốn sách về nhân học, Một nước Pháp khác… là góc nhìn của người ngoài cuộc về nước Pháp, con người Pháp, văn hóa Pháp. Từ góc nhìn ấy, bức tranh Pháp được dựng lên, vốn không phải để khẳng định đẳng cấp hay phê phán một nền văn hóa, mà để chúng ta biết thêm và tôn trọng những điều khác biệt, vì văn hóa vốn không phân chia cao thấp, mà chỉ có những khác biệt cần được nhận ra.
Trường Khanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất