21/01/2019 19:35 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đó là câu chuyện về một trong nhữnghổ tướng xuất sắc nhất và có thân phận cũng cay đắng nhất thời Tam Quốc. Dũng mãnh hơn người, quân công lừng lẫy, vậy nhưng nghi án “mưu phản” vẫn trùm lên cái tên Ngụy Diên trong những trang Tam quốc diễn nghĩa đến tận bây giờ…
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Giữa hàng loạt tranh cãi bất tận về Ngụy Diên, đề xuất vượt Tý Ngọ cốc đánh úp Trường An vẫn luôn là câu đố hấp dẫn mọi nhà nghiên cứu. Với rất nhiều người, nếu được thực thi, kỳ mưu ấy hẳn đã giúp giấc mộng Bắc phạt dở dang của Thục Hán trở thành hiện thực.
Quá ư thận trọng…
Đề xuất vượt Tý Ngọ cốc xuất hiện ở hồi 92 Tam quốc diễn nghĩa. Khi ấy, Thục Hán chuẩn bị tiến quân ra Kỳ Sơn lần thứ nhất. Ngụy Diên xin được cấp 5.000 tinh binh, “ra Bao Trung, men Tần Lĩnh, sang mé đông, qua hang Tý Ngọ, tiến lên mặt Bắc, chắc chỉ trong vòng 10 ngày đến được Trường An”. Song song với hướng tiến binh này, Ngụy Diên cũng đề nghị đại quân phối hợp tiến binh theo đường Tà Cốc, thay vì kéo ra Lũng Hữu như dự định của Khổng Minh.
Diên kỳ vọng, tướng giữ Trường An là Hạ Hầu Mậu vốn là “con nhà phú quý, ngu si không biết gì”, nếu thấy quân Thục bất ngờ xuất hiện ắt “tất phải bỏ thành”. Sau khi lấy được Trường An, quân của Diên sẽ tiến hành đảm bảo trị an, tích trữ lương thực nhằm đối phó với viện binh sắp đến từ phía Đông của Tào Ngụy, đồng thời chờ đợi đại quân của Khổng Minh từ Tà Cốc đến hội họp, từ đó an định được một dải suốt phía Tây Hàm Dương.
Đề xuất này không được Khổng Minh chấp nhận. Để rồi trên thực tế, cho đến cuối đời, Khổng Minh chưa bao giờ đưa Thục quân đến được Trường Antrong cả 6 lần tiến quân ra Kỳ Sơn của mình.
Dưới ngòi bút La Quán Trung, như để tăng thêm phần tiếc nuối của người đọc, đô đốc nhà Ngụy là Tư Mã Ý - đối thủ lớn nhất của Khổng Minh -đánh giá rất cao đề xuất vượt Tý Ngọ cốc. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Ý nói với Trương Cáp: “Gia Cát Lượng bình sinh cẩn thận, không dám hấp tấp làm việc gì. Nếu phải tay ta dùng binh, trước hết ra hang Tý Ngọ, đến tắt Trường An, thì lấy được đã lâu rồi. Hắn không phải là vô mưu, chỉ vì không dám làm liều đó thôi”.
Chi phối bởi sự đánh giá ấy, khi bình Tam quốc diễn nghĩa, Mao Tôn Cương phải than rằng, kế vượt Tý Ngọ không phải là không hay, vậy nhưng Khổng Minh cắn răng bỏ qua điều ấy bởi “biết mệnh trời trái ngược với sở nguyện nên không làm việc mạo hiểm để cưỡng lại trời”.
… Hay mâu thuẫn văn - võ?
Thực tế, nhận xét của Tư Mã Ý chỉ là một hư cấu văn học. Nhưng, trong lịch sử, các tư liệu về đề xuất của Ngụy Diên đã được ghi lại rõ ràng và rất sát với chi tiết trong Tam quốc diễn nghĩa. Tam quốc chí còn cho biết thêm: Ngụy Diên đề xuất tổng cộng 1 vạn quân cho mũi tấn công này (5 ngàn tinh binh và 5 ngàn lính tải lương). Vậy nhưng, “Lượng cho là kế ấy mạo hiểm, chẳng bằng yên ổn theo đường phẳng mà tiến, có thể lấy Lũng Hữu, thập toàn tất thắng mà chẳng phải lo gì, nên không dùng kế của Diên.”
Cần nói thêm, việc Khổng Minh bác bỏ đề xuất Tý Ngọ cốc còn dẫn tới một nghi vấn khác. Ngoài lý do về sự thận trọng khi dùng binh, nhiều độc giả đã đặt câu hỏivề sự mâu thuẫn cũng như những nghi ngờ của Khổng Minh với Ngụy Diên, khi không muốn giao cho ông một cánh quân để tác chiến độc lập.
Thắc mắc ấy chủ yếu vẫn đến từ sức ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa. Dưới ngòi bút La Quán Trung, ngay lần giáp mặt Ngụy Diên đầu tiên, Khổng Minh đã muốn xử tử hàng tướng này vì “sau gáy có phản cốt”. Tiếp đó, trong quá trình Bắc phạt, không dưới 3 lần, lời tiên đoán Ngụy Diên phản bội vẫn được vị quân sư của Thục Hán nhắc lại - trước khi ông đích thân bố trí mật kế để Mã Đại chém Ngụy Diên sau khi mình qua đời.
Thực tế, những chuyện Ngụy Diên mở cửa thành Tương Dương cho Lưu Bị, chém Hàn Huyền dâng thành cho Quan Vũ, tranh công với Hoàng Trung hay bị phát hiện có “phản cốt” sau gáy đều không hề được ghi chép trong sử liệu.
Nhưng, cá tính quá mạnh của viên hổ tướng này lại được ghi rõ trong Tam quốc chí với nhận định: “khéo dưỡng sĩ tốt, dũng mãnh hơn người, lại có tính kiêu căng, lúc bấy giờ người dưới đều có ý kiêng dè”. Đặc biệt, khi đề xuất vượt Tý Ngọ cốc bị khước từ, “Diên thường bảo Lượng nhát, than thở hận cái tài của mình không được dùng hết.
Hơn Gia Cát Lượng 6 tuổi,là trọng thần trấn giữ biên giới Thục ở Hán Trung, về địa vị, Diên cũng chính là nhân vật quan trọng số 2 trong 6 đợt Bắc phạt của nhà Thục Hán. Phải chăng, việc đề xuất Tý Ngọ cốc bị gạt bỏ cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa 2 trọng thần văn - võ ấy, khi Khổng Minh luôn chèn ép Ngụy Diên, còn Diên không hề phục tài người đứng trên mình?
“Kỳ mưu” dang dở
Với những người lạc quan, trong trường hợp Ngụy Diên thành công, việc lấy được Trường An chính là một cơ hội tuyệt vời để tiến lên Trung Nguyên sau đó. Trường An vốn là cố đô của nhà Tây Hán, có thành cao hào sâu, lương thực dồi dào, án ngữ nhiều lộ tuyến quan trọng. Nếu đứng vững chân tại đây, quân Thục về hướng Tây có thể bình định Lương châu, hướng Đông có thể nhòm ngó Lạc Dương, chọn thời điểm liên kết cùng Đông Ngô cùng xuất binh phạt Ngụy.
Vậy nhưng, kế hoạch vượt Tý Ngọ cốc, tập kích Trường An liệu có khả thi trên thực tế? Và, nó có xuất sắc tới mức, như một số người nhận xét, có thể sánh ngang với kế “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” kinh điển của Hàn Tín thời Tây Hán - hay ít ra là kế hoạch ngầm vượt Âm Bình, công hạ Thành Đô của Đặng Ngải vào 35 năm sau?
Trong Kể chuyện Tam quốc, sử gia Lê Đông Phương cho rằng đề xuất Tý Ngọ cốc “không phải là không có khả năng thành công”. Nhưng, học giả này cũng chỉ ra ba nguy cơ thất bại. Thứ nhất, 5 ngàn tinh binh của Ngụy Diên chưa chắc đã hạ nổi tòa thành kiên cố Trường An.
Thứ hai, hạ được Trường An, Diên cũng chưa chắc giữ được cứ điểm này với một lượng quân quá ít, trong khi viện binh Ngụy chắc chắn sẽ dồn về.
Thứ ba, Hạ Hầu Mậu có thể không biết việc binh nhưng dưới quyền Mậu có nhiều thuộc tướng, chưa chắc quân Ngụy đã vứt bỏ Trường An để rút lui như Diên kỳ vọng.
Còn với Phẩm Tam quốc, Dịch Trung Thiên phân tích kỹ hơn những khả năng thất bại của kế hoạch này. Ông nêu ra một loạt câu hỏi bổ sung: Tý Ngọ cốc đường đi hiểm trở, khí hậu thất thường, 5 ngàn quân trèo đèo lội suối gian khổ, thể lực hao mòn sao có thể thắng được quân thủ thành vốn đang nghỉ ngơi nhàn nhã? Đường Tà Cốc mà Diên muốn Khổng Minh dẫn quân phối hợp cũng rất khó đi, chắc gì đại binh đã đến tiếp ứng cho Diên kịp thời?
Dù vậy, Dịch Trung Thiên cũng không coi thường những triển vọng của quân Thục nếu thực thi kế hoạch này. Theo ông, ở lần Bắc phạt thứ nhất, quân Ngụy ít có sự chuẩn bị đề phòng. Và thực tế, chưa cần áp dụng kế vượt Tý Ngọ cốc, quân Thục đã lấy được ba quận Lương Châu, khiến cho vùng Quan Trung chấn động.
Từ những ý kiến hai chiều ấy, muốn giải “câu đố Tý Ngọ cốc”, chúng ta phải xét tới đặc thù địa lý, cũng như những đợt tiến binh trong lịch sử Trung Quốc theo con đường này.
Lọt vào “mắt xanh” của Lưu Bị Theo Lưu Bị từ sớm, lập nhiều công trạng, nhưng bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp của Ngụy Diên đến vào năm 219, khi Lưu Bị chiếm được Đông Xuyên. Ở thời điểm này, khi biên giới được mở rộng, nhà Thục rất cần có một đại tướng trấn thủ Hán Trung để phụ trách phòng tuyến chống Ngụy. Thay vì chọn nhân vật số 3 của tập đoàn Thục Hán là Trương Phi (Quan Vũ đang giữ Kinh Châu), Lưu Bị chọn Ngụy Diên trong sự bất ngờ của rất nhiều người. Thực tế, trong 15 năm đóng quân ở Bắc biên, Ngụy Diên thiết lập công sự, bố trí phòng ngự tại các quan khẩu trọng yếu như thiết bích đồng tường, không làm mất một tấc đất nào của Thục Hán. Vương Bình, Phí Y sau này cũng kế thừa phép chế này và thành công khi đánh lui quân Ngụy xâm nhập. |
Nguyễn Đỗ Thuyên
Kỳ 2: Bí ẩn Ngụy Diên - “Tử lộ” xuyên Tần Lĩnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất