03/11/2015 18:44 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com) - Các đám cháy rừng lớn ở Indonesia tạo ra một làn khói mù bao phủ bầu trời thủ đô Kuala Lumpur và các vùng lân cận. Hiệu ứng nhà kính, nắng nóng và độ ẩm cao khiến bầu không khí thêm ngột ngạt. Lúc tệ nhất, toàn thủ đô Kuala Lumpur khét lẹt vì những đám cháy lan tới khu rừng cọ. Những cô gái Malaysia theo đạo Hồi bây giờ không chỉ quấn khăn đen, mà còn đeo khẩu trang vì khói.
Chỉ số ô nhiễm môi trường (ở Malaysia là API) nhiều nơi lên tới 150 (cấp độ 3, mức có hại cho sức khỏe) khiến hàng ngàn trường học phải đóng cửa.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch
Người Malaysia đếm từng giờ để tìm đường thoát ra khỏi bầu không khí bẩn thỉu. Theo dự báo, phải đến tháng 3 năm 2016, ô nhiễm khói mới có thể chấm dứt, cho dù khói mù sẽ giảm bớt phần nào khi gió mùa Đông Bắc thổi vào đầu tháng 11.
Khói mù mịt trên đường đua
Malaysia gần như chỉ còn trông cậy vào sự rộng lượng của bà mẹ thiên nhiên, giữa lúc chính quyền Indonesia bất lực trước các đám cháy lan quá nhanh; ra tuyên bố đã tăng số nhân lực cứu hỏa từ 22 lên 24 ngàn, và chấp nhận sự trợ giúp của các quốc gia, trong đó có Malaysia.
Du lịch Malaysia bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì khói mù. Chưa có thống kê chính thức, nhưng hàng chục chuyến bay bị hủy mỗi ngày vì sương khói hạn chế tầm nhìn. Ngoại trừ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, các sân bay Ipoh, Langkawi hay Alor Star đều phải được trang bị thêm thiết bị tăng tầm nhìn. Các du khách được "tặng" một chiếc khẩu trang để "phòng thân". Chuyến bay bị hủy nếu tầm nhìn xa tối thiểu dưới 600m. Báo chí Malaysia gọi những gì đang diễn ra là "Khủng hoảng khói mù".
Gây lo lắng cho chặng đua Sepang
Chặng đua motoGP tại đường đua Sepang nằm trong khu vực Kuala Lumpur cũng bị ảnh hưởng bởi khói mù. Ban tổ chức vừa lo ô nhiễm khiến CĐV không mặn mà với giải đua vừa ngại khói mù có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn các tay lái, công tác truyền hình và cứu hộ.
Tác giả bài viết
Ba ngày trước chặng đua, nhà tổ chức đo được chỉ số SPI bằng 100 (SPI là chỉ số được sử dụng tại Singapore, đo 6 thành phần trong không khí bao gồm SO2, NO2, CO, O3..., mức từ 51 tới 100 là không hoặc ô nhiễm mức độ nhẹ). Nhà tổ chức cho biết sẽ cân nhắc hoãn cuộc đua nếu SPI từ 150 trở lên (mức gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe).
Bên trong đường đua bán khá nhiều khẩu trang. Khói mù không chỉ ảnh hưởng đến bầu không khí mà còn công tác truyền hình và cứu hộ. Cuộc đua motoGP ở Sepang sử dụng máy quay gắn trên một chiếc trực thăng thay vì Flycam điều khiển từ mặt đất. Trực thăng cũng kiêm vai trò cứu hộ, vốn rất quan trọng khi tại chính Sepang năm 2011, tay đua Marco Simoncelli người Italy của đội Honda qua đời vì một tai nạn thương tâm. Theo quy định, tầm nhìn xa tối thiểu của trực thăng phải từ 1 đến 1,5 km. Trên đường đua, cứ 30-35 phút, ban tổ chức kiểm tra lại điều kiện sân bãi và các chỉ số kĩ thuật một lần.
Người Malaysia quyết định tổ chức cuộc đua và may mắn cho họ, sau chặng đua thử ngày 24/10, một trận mưa trút xuống Sepang chừng 15 phút. Không khí trong lành hơn, và Sepang đón hàng trăm ngàn lượt người tới theo dõi Dani Pedrosa nhất chặng áp chót của mùa giải và Valentino Rossi "đá" Marc Marquez đến ngã, khiến Rossi bị trừ điểm, chỉ còn hơn Jorge Lorenzo 7 điểm và phải xuất phát cuối cùng ở đường đua Tây Ban Nha. Rossi có thể mất chức VĐTG nhưng đội Yamaha Movistar thì nắm chắc danh hiệu (Rossi và Lorenzo cùng đội Yamaha) khi Marc Marquez kém Lorenzo tới 83 điểm.
Chặng đua motoGP tại Sepang thành công tốt đẹp. Chiều hôm sau, Kuala Lumpur đón hai cơn mưa lớn, hứa hẹn xua tan khói mù bao phủ thành phố trong vài ngày.
Sau những cơn mưa ấy, người Kuala Lumpur lại muốn ra đường mà không cần bịt khẩu trang. Họ không mong trời hửng nắng...
Đỗ Hiếu (từ Kuala Lumpur)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất