01/09/2013 14:54 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Các đội bóng Anh đều đang gặp khó khăn trên thị trường chuyển nhượng vì sự nổi lên của những gã nhà giàu như Paris Saint-Germain, Monaco, cùng Real Madrid và Barcelona. Nhưng may là Chelsea đã đưa Jose Mourinho trở lại. Có ông, giải đấu chẳng cần cầu thủ ngôi sao vẫn luôn kịch tính và sôi nổi.
Mourinho có thể lặp lại hình ảnh này ở Chelsea?
Về Anh là về nhà
Trong cuộc họp báo sau trận thua 1-3 của Chelsea trước Real Madrid, đội bóng cũ của Mourinho tại Guinness Cup, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha chơi "chiêu độc". Ông trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên Tây Ban Nha bằng tiếng Anh, cấm không cho phiên dịch viên dịch sang tiếng Tây Ban Nha.
Đó là cách thể hiện sự căm ghét của Mou với truyền thông Tây Ban Nha, những kẻ nói rằng ông đã "chết". Marca chạy tít "The Special End" (Cái kết đặc biệt), nhại theo cách Mourinho tự gọi mình: Special One (Người đặc biệt) và "Cảm ơn Mou, vì đã làm chúng tôi thêm tệ hại" (El Pais), sau thất bại của Real trước Dortmund tại bán kết Champions League.
Khi thất bại, bạn bị chỉ trích, điều đó hợp logic. Nhưng ngay cả khi chiến thắng, phát ngôn và cách Mourinho làm việc cũng không bao giờ được truyền thông Tây Ban Nha ủng hộ. Họ soi mói vào từng quyết định của ông. Họ xới tung phòng thay đồ Real bằng câu chữ và những tin đồn. "Trong thế giới bóng đá, tôi và người của tôi đứng trên đỉnh cao, còn trong thế giới báo chí, anh chỉ là một gã thối tha", Jose Mourinho từng có lúc giận điên người, quát thẳng vào mặt nhà báo Anton Meana của đài phát thanh Marca ngay tại phòng họp báo ở sân Bernabeu.
Trong hai năm đầu ở Real Madrid, Mourinho nói rất nhiều. Nhưng trong năm thứ ba, ông kiệm lời hơn hẳn, san sẻ dần những lần họp báo cho trợ lý Aitor Karanka. Mou liên tục nhắc đến nước Anh: "Trong bóng đá, tôi có hai tình yêu lớn là Inter Milan và Chelsea, và Chelsea quan trọng hơn cả". Cũng giống như khi làm việc ở Inter, Mou luôn nhắc đến ngày trở lại nước Anh. Ở Italia, ông từng gọi chiến dịch anti-Inter của truyền thông nước này là một dạng "mại dâm tri thức".
Báo chí Tây Ban Nha đánh đuổi Mou. Cổ động viên Real Madrid giăng biểu ngữ: "Không Mourinho, không vấn đề", trong ngày gặp lại ông ở Guinness Cup. Nhưng báo chí Anh và cổ động viên Chelsea khác, họ chào đón Mou ngày ông trở về. "Tôi hạnh phúc", Mourinho cười tươi rói trong buổi họp báo ra mắt Chelsea. Hôm sau, hầu như 100% báo in ở Anh đồng loạt đưa tin dày đặc về Mourinho. Guardian: "Bình tĩnh, khiêm tốn và thoải mái, chào mừng Người hạnh phúc". Daily Mail: "Không còn Người đặc biệt ở Chelsea"…
Jose Mourinho rõ ràng thích thái độ hợp tác của báo chí và cổ động viên, và yêu những người yêu ông, vì ông nhận thức được giá trị của mình. Mou và báo chí sống cộng sinh, nghĩa là đôi bên cùng hưởng. Mou căm ghét sự khắt khe (tại Italia) hoặc thái độ hai mặt của báo chí Tây Ban Nha. Tại Anh, những lời ông nói được truyền đi với tốc độ ánh sáng, trở thành đề tài bàn luận suốt tuần, thậm chí suốt tháng. Điều ấy tạo cho Mou cảm giác ông đặc biệt thật sự, và như thế, ông hạnh phúc.
Mourinho vẫn là kẻ hai mặt
Jose Mourinho cố gắng nói nhiều đến niềm vui và sự thay đổi của ông trong buổi họp báo ra mắt Chelsea: "Tôi có đủ khả năng kiềm tỏa cảm xúc, bình tĩnh hơn sau chiến thắng và trầm lặng hơn sau thất bại. Tôi khiêm tốn, đôi khi nó không giống tôi, nhưng tôi là như vậy".
Có thật là sau thất bại ở Real, Jose Mourinho đã trở thành một con người khác: không thù hận, khiêm tốn và nói không với chiêu trò? Hoàn toàn không. Hãy nghe Mou xỉa xói câu lạc bộ cũ Real Madrid trước trận gặp Chelsea: "Bạn luôn muốn thi đấu với đối thủ mạnh nhất và Real Madrid đang thi đấu ở giải này là bởi vì tôi đã sắp xếp nó. Tôi là một người chuyên nghiệp, và tôi đã làm điều này bởi vì tôi biết tôi sẽ không được ngồi trên ghế huấn luyện của họ nữa". Ít ngày sau, Mou quay ngoắt, nói "cầu chúc cho Real những điều tốt đẹp nhất".
Khi mới đến Real, Mourinho còn ca ngợi Iker Casillas sau một trận đấu là "đã cứu lại những khoảnh khắc của sự thật, và giúp đội bóng vượt qua khó khăn". Nhưng chỉ vài tháng sau, bắt đầu từ trận gặp Malaga, ông cho Casillas ngồi dự bị "vì lý do kỹ thuật". Và sau kỳ chuyển nhượng mùa Đông, khi Diego Lopez đến Real, Casillas chính thức trở thành thủ môn số hai của đội.
Cách Mou nói về Real, cách Mou đối xử với Casillas, hệt những gì ông từng làm với Pepe và Ronaldo. Pepe từng thuộc "phe" Mou, nhưng sau khi chỉ trích Mou vì đã bất công với Casillas, anh không còn chỗ. Ronaldo được Mourinho ưu tiên nhiều nhất. Nhưng sau này, hai người mâu thuẫn. Mourinho vừa ám chỉ "Ronaldo béo", chứ không phải Cristiano Ronaldo, mới là "Ronaldo đích thực".
Liệu bây giờ, chúng ta có thể tin những gì Mourinho nói về John Terry, Frank Lampard và Ashley Cole rằng: "Tôi vui khi thấy họ hạnh phúc. Tôi không thấy gì khác biệt ở Terry, Cole, Lampard ở tuổi 32, 35 và 32. Họ vẫn tập luyện chăm chỉ, họ vẫn hoàn tất những thách thức, như khi 18" là sự thật? Chắc chắc là không thể. Ít ngày trước, Mou nói rằng Lampard sẽ thi đấu ít đi, vì như vậy tốt cho sự nghiệp của anh. Mou rõ ràng luôn biết cách ứng biến mềm dẻo, đầy xảo thuật. Mou vẫn nhớ rất lâu, vẫn thù rất dai. Mou không hề "bình tĩnh, khiêm tốn và thoải mái" hơn.
Nhưng Premier League cần Mou
Chelsea mời được Mourinho và họ được rất nhiều thứ. Mou đến, khao khát chiến thắng của ông lan tỏa, để các cựu binh có dấu hiệu mỏi mệt như Terry, Lampard, Cole, Petr Cech, được bơm đầy ý chí. Terry đã được gia hạn hợp đồng. Lampard cũng từ bỏ ý định đến LA Galaxy để ở lại cùng Mou. Những ký ức cùng Mourinho khiến họ lại tiếp tục mơ.
Đội bóng nào có Mou là có sự bảo đảm về danh hiệu. Mou không hứa hẹn mang bóng đá đẹp đến các câu lạc bộ ông đi qua, nhưng Mou sẽ mang những chiếc cúp về phòng truyền thống. Chelsea chưa mua sắm nhiều ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Nhưng nhờ hiệu ứng Mourinho, họ đang được đánh giá cao hơn hẳn Manchester United, đội hơn họ đến 24 điểm tại Premier League mùa trước. Và một người hiền lành kiểu Pellegrini, sẽ khó đối chọi lại Mourinho lắm chiêu, dù Manchester City đang mua sắm rất rầm rộ.
Năm 2004, Mourinho tiếp quản Chelsea và đã thay đổi hoàn toàn đội bóng này. Từ một tập thể đá rất cởi mở thời Claudio Ranieri, hay trước đó nữa là Vialli và Gullit, họ trở thành một con robot bóp nghẹt lối chơi các đối thủ. Chính hai năm Chelsea thống trị Premier League đã khiến Alex Ferguson phải thay đổi, biến Manchester United thành tập thể Latin hơn. Giai đoạn Mourinho làm huấn luyện viên Chelsea có thể coi là thời kỳ cực thịnh tại Premier League, khi các câu lạc bộ Anh rũ bỏ sự ngây thơ, vươn lên mạnh mẽ ở Champions League (Liverpool thành "Vua đá cúp" với Rafael Benitez; M.U vô địch Champions League 2008; Chelsea hai lần lọt vào bán kết trong ba mùa thời Mourinho).
Do vậy, sự có mặt của Mourinho trong nhiệm kỳ hai tại Chelsea không chỉ hứa hẹn tạo sự bứt phá cho Chelsea, mà còn cho cả giải đấu. Nói cách khác, Mourino cùng khao khát chinh phục danh hiệu của ông, sẽ tạo động lực phát triển cho tất cả. Cho dù Mou vẫn rất thủ đoạn, cho dù Mou đầy thù hằn và phức tạp, thì Premier League cũng sẽ nhờ ông mà sôi nổi hơn nhiều, nhất là khi Sir Alex đã về hưu.
Premier League chẳng cần cầu thủ ngôi sao. Có "Người hạnh phúc" Mourinho là đủ để giải đấu sống hạnh phúc rồi.
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất