Khi Ronaldo đòi rời Real vì tiền

26/06/2013 14:50 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Không biết là tiền có mua được danh hiệu hay không, nhưng từ Roman Abramovich tới Dmitry Rybolovlev, các tỉ phú từ khắp nơi trên thế giới đang xáo tung thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu bằng hết hợp đồng kỷ lục này tới hợp đồng kỷ lục khác.

Chủ tịch Florentino Perez không thể ngờ rằng có ngày siêu sao số một của ông đòi rời Real Madrid vì tiền.

Cristiano Ronaldo năm nay 28 tuổi. Anh đang chờ đợi bản hợp đồng lớn cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ. Có thể là ký với Real Madrid. Cũng có thể trở lại Manchester United. Hoặc sang Pháp, với hai đích đến là Pars Saint-Germain và Monaco. Nếu ra đi, anh có thể phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình, từ 94 triệu euro lên thành 100 triệu euro hay thậm chí là 120 triệu euro.

Một kỷ lục đáng tự hào, như một chiếc Cúp Champions League trong thế giới chuyển nhượng. Nhưng với cá nhân Ronaldo, hoàn toàn hữu danh vô thực.

Yêu sách của Ronaldo

Anh quan tâm đến điều thiết thực hơn: Lương bao nhiêu. Phí chuyển nhượng chảy về túi câu lạc bộ. Lương mới chảy về tài khoản của anh.

Năm 2009, sau khi chuyển từ M.U sang Real Madrid, Ronaldo ký hợp đồng 6 năm và hưởng lương kỷ lục thế giới thời bấy giờ : 10 triệu euro/năm sau thuế. Bây giờ, anh đã bị đánh bật khỏi tốp 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới.

Hợp đồng giữa Ronaldo và Real còn 2 năm nữa thì hết hạn. Suốt mùa giải vừa qua, việc ký kết hợp đồng mới với Ronaldo là ưu tiên hàng đầu của Real.

Perez, cha đẻ của chính sách Galacticos, đề cao quan điểm: Cầu thủ đắt nhất là cầu thủ rẻ nhất. Đại khái, những siêu sao đắt giá sẽ giúp đội bóng kiếm núi tiền. 4 trong 5 cầu thủ đắt nhất lịch sử bóng đá đều thuộc về Real Madrid : Ronaldo, Zinedine Zidane, Kaka và Luis Figo. Những Quả bóng vàng đó đương nhiên luôn hưởng lương cao nhất thế giới. Thế mà bây giờ, không có cầu thủ nào của Real lọt vào tốp 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới.

Trước đây, Real của Perez chưa bao giờ sợ mất ngôi sao. Thế mà bây giờ, họ đối mặt với nguy cơ mất ngôi sao số một là Ronaldo. Lợi thế của Real dưới thời Perez luôn là tiền. Nếu muốn nhận được nhiều tiền, chỉ có thể đến với Real Madrid. Bây giờ, các đối thủ dùng chính sức mạnh của đồng tiền để tấn công Madrid, để dụ dỗ Ronaldo.

Những cuộc đàm phán về việc ký hợp đồng mới với Ronaldo đã rơi vào bế tắc. Cách đây không lâu, Ronaldo đã ra thông báo phủ nhận tin đồn hai bên đã tìm thấy tiếng nói chung: "Mọi tin tức về việc tôi ký hợp đồng mới với Real Madrid là sai sự thật".



Cristiano Ronaldo thấy buồn ở Real Madrid vì chuyện lương bổng?

Trên thực tế, Ronaldo được phép im lặng trước mọi tin đồn. Nhưng anh vẫn lên tiếng. Như cái cách anh không ăn mừng bàn thắng hồi đầu mùa vừa qua, rồi sau đó đăng đàn nói rằng: "Tôi buồn". Lý do là gì? Hoặc Ronaldo sẵn sàng ra đi. Hoặc Ronaldo gây sức ép lên ban lãnh đạo Madrid, vốn thừa hiểu rằng đội bóng sẽ suy yếu nếu mất anh.

Tiền là nguồn gốc của mọi vấn đề. Real Madrid chỉ đồng ý tăng lương cho anh lên thành 13 hoặc 14 triệu euro/năm. Ronaldo không chịu. Anh muốn 20 triệu euro/năm, ngang bằng với Samuel Eto'o ở Anzhi (đang là kỷ lục thế giới).

Sau khi "luật Beckham" hết hiệu lực vào đầu năm 2010, thuế thu nhập ở Tây Ban Nha đã tăng từ 24% lên 43%. Ronaldo đến Real vào mùa hè 2009 nên hưởng thuế ưu đãi cũ. Nhưng nếu ký hợp đồng mới thì chịu thuế thu nhập mới. Đồng ý điều kiện mà Ronaldo đưa ra, Real Madrid sẽ mất 35 triệu euro/năm chỉ để trả lương cho Ronaldo. Nếu hợp đồng mới có thời hạn 5 năm, Real sẽ mất tổng cộng 175 triệu euro.

Là đội bóng duy nhất trên thế giới đạt doanh thu 500 triệu euro/năm, nhưng Real không thể dành ra số tiền khổng lồ ấy chỉ để trả lương cho Ronaldo. Vì lẽ đó, các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Một câu hỏi: Ai có thể đáp ứng yêu cầu khủng khiếp ấy của Ronaldo? Câu trả lời: Monaco.

Monaco làm loạn thị trường

Một câu chuyện khó tin nhưng là sự thật: Đội bóng vừa thăng hạng Ligue 1 lại đe dọa cướp ngôi sao số một của đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ 20 và kiếm tiền nhiều nhất trong thế giới bóng đá, với vũ khí là tiền bạc.

Ông chủ của Monaco là Dmitry Evgenevich Rybolovlev, một người Nga. Theo bảng xếp hạng của Forbes, ông là người giàu thứ 119 thế giới với tài sản lên đến 6,82 tỷ euro. Việc các tỷ phú nhảy vào bóng đá là chuyện phổ biến từ sau thời của Roman Abramovich, cũng là một người Nga. Nhưng việc Rybolovlev mua lại một câu lạc bộ tầm trung bình như Monaco cách đây một năm rưỡi đã khiến người ta thấy khó hiểu.

Giờ thì tất cả đã hiểu, sau khi Monaco chiêu mộ Radamel Falcao từ Atletico Madrid. Tuyển thủ Colombia được xem là trung phong xuất sắc nhất thế giới hiện tại. Real Madrid, Barcelona, Manchester City, Chelsea và M.U muốn sở hữu anh. Nhưng rốt cuộc Monaco đã giành chiến thắng.

Số tiền 60 triệu euro Monaco trả cho Atletico không lớn so với giá trị của tiền đạo này. Real hay Chelsea đều có thể đáp ứng mức giá ấy. Nhưng Monaco lại nhận được cái gật đầu từ chính Falcao khi chấp nhận trả cho anh mức lương 14 triệu euro/năm.

Ở Monaco, không cần phải đóng thuế. Falcao nhận đủ 14 triệu euro/năm. Nếu ở Anh hay Tây Ban Nha, những nơi thuế thu nhập cao đều trên 40%, câu lạc bộ phải mất hơn 20 triệu euro/năm. Không ai đáp ứng nổi. Thế là Monaco chiến thắng.

Bây giờ Monaco đánh tiếng khắp nơi. Không một ngôi sao nào trên thế giới có thể ngồi yên khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở "thiên đường Monaco". Ronaldo không ngồi yên, chưa chịu ký hợp đồng mới với Real. Wayne Rooney không ngồi yên, đã đâm đơn xin đi khỏi M.U. Gareth Bale từng mơ về ngày khoác áo Real, nhưng giờ lại cân nhắc lời đề nghị từ Monaco.

Có thể Ronaldo vẫn ở lại Real. Có thể Rooney tiếp tục gắn bó với Quỷ đỏ. Có thể Bale sẽ chọn Real. Nhưng sự xuất hiện của Monaco thực sự khiến thị trường chuyển nhượng "náo loạn", là cái cớ để các ngôi sao gây sức ép với đội bóng của họ.

Mười năm trước, với việc mua lại Chelsea, Abramovich đã tạo ra cuộc leo thang khủng khiếp về mặt tiền lương. Bây giờ là Monaco của Rybolovlev, hứa hẹn sẽ đẩy mức lương cầu thủ lên còn cao hơn nữa.

Cần nhắc lại rằng, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini, một người Pháp, đã "đẻ" ra luật công bằng tài chính để ngăn chặn cuộc leo thang về phí chuyển nhượng và lương cầu thủ. Bi kịch thay, lại chính người Pháp là những người đầu tiên đe dọa điều luật này. Năm ngoái, PSG mua sắm cầu thủ và trả lương cao đến mức tổng thống Pháp phải lên tiếng. Giờ lại đến lượt Monaco.

Khác gì những cái tát với Platini.


Đức Lộc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm