M.U và kỳ chuyển nhượng bế tắc: Không mua 'sao' thì chết

23/07/2013 10:22 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Ngoài Wilfried Zaha, Manchester United vẫn chưa có thêm tân binh chất lượng. Từ giờ đến cuối kỳ chuyển nhượng, nếu không mua được ngôi sao, họ có nguy cơ thất bại toàn diện.

1. Nỗi buồn đến với M.U dồn dập. Trong vòng 24 giờ, Barcelona khẳng định không bán Fabregas, HLV Carlo Ancelotti tuyên bố Cristiano Ronaldo sẽ ở lại Real Madrid, và Tottenham Hotspur thể hiện quyết tâm giữ Gareth Bale.

26 rồi 30 triệu bảng của M.U chẳng là gì trong mắt Barcelona; Tuyên bố “nhớ M.U và muốn quay về” của Ronaldo theo gió bay đi; Ước mơ mới nhất của David Moyes: được sở hữu Gareth Bale, bị Tottenham thẳng tay vùi dập.

Trước đó còn đau đớn hơn, khi M.U bị Bayern Munich cướp mất Thiago Alcantara, dù họ tưởng đã nắm anh trong tay. M.U tiếp cận Thiago trước, đạt được thỏa thuận cá nhân với Thiago trước, và hoàn tất đàm phán với Barcelona trước. Nhưng Bayern nhảy vào, Thiago quay ngoắt, thậm chí chấp nhận bỏ 4 triệu euro lương năm đầu trả tiền thuế để đến Bayern.

David Moyes đã đến, nhưng ông như sống trong bóng tối. Các cầu thủ có vẻ cảm nhận thấy M.U bất ổn sau khi thay cả HLV lẫn Giám đốc điều hành, nên rất dè dặt. Kể cả khi M.U đã tỏ ra chịu chơi bằng việc nâng giá Fabregas lên 30 triệu bảng (xấp xỉ giá Arsenal bán Cecs cho Barca), hay hỏi mua hàng khủng Gareth Bale, họ vẫn thất bại.

2. Sẽ rất gay go cho M.U nếu từ giờ đến cuối kỳ chuyển nhượng, họ không mua thêm được ngôi sao nào.

Manchester City đang là đội bạo chi nhất châu Âu, với toàn hợp đồng khủng, cỡ Jovetic, Fernandinho, Negredo, Navas. Mourinho đến và tạo ra thách thức lớn lao cho cả giải đấu. Ông thậm chí còn đang hút cả Rooney, ngôi sao lớn nhất của M.U bây giờ về Chelsea.

Mất Rooney, M.U còn ai? Robin van Persie để cậy nhờ ư? Thế thì M.U có khác gì Arsenal của những năm tháng trắng tay, đội từng sống bằng nhịp thở van Persie trước kia? Những Wilfried Zaha, Kagawa, Carrick, Cleverley, Valencia, Chicharito… chắc chắn không thể tạo ra sức bật lớn cho đội bóng.

Trong 10 mùa giải ở Everton (thực ra là 10 mùa rưỡi, nhưng Moyes chỉ quyết định việc mua sắm từ mùa thứ hai trở đi), David Moyes chỉ chi trung bình 13 triệu bảng mỗi năm trên thị trường chuyển nhượng. Nếu Moyes đang tư duy rằng, ông có thể sống khắc khổ như thế mà vẫn giành vinh quang, thì ông đã nhầm.

Sir Alex Ferguson nổi tiếng với “Thế hệ Vàng” tự tay ông đào tạo, giúp M.U có kỷ nguyên thành công những năm cuối thế kỷ trước, nhưng đừng nghĩ Fergie không mua sắm.

Ông mua Andy Cole, Dwight Yorke, Roy Keane, Schmeichel, những người góp công lớn trong cú ăn ba năm 1999. Kỷ nguyên Fergie bắt đầu bằng những Steve Bruce, Viv Anderson, Brian McClair và Jim Leighton mua từ các CLB khác. Mùa 2006-07, M.U vô địch nhờ 46 bàn của bộ đôi Ronaldo-Rooney, có tổng giá 42 triệu bảng. Mùa 2007-08, họ giành Champions League nhờ bộ ba Rooney-Ronaldo-Tevez. Mỗi thời kỳ thành công của Sir Alex đều có sự đóng góp đắc lực của một vài ngôi sao “ngoại lai”: Ronaldo, Cantona, Steve Bruce…

Những cầu thủ như Ronaldo, Rooney, không chỉ đóng góp cho M.U về chuyên môn. Họ còn giúp quảng bá hình ảnh, giúp đội bóng kiếm tiền. Beckham, Ronaldo sang Real, đội bóng Hoàng gia TBN lập tức vượt mặt M.U về doanh thu và thương hiệu toàn cầu. Thật khó tưởng tượng nếu M.U mất Rooney, họ sẽ lấy ai để quảng bá hình ảnh đội bóng?

3. Vì thế, không mua ngôi sao thì M.U sẽ “chết”.

David Moyes không xoay xở tài bằng Sir Alex, nên ông cần cầu thủ lớn có khả năng quyết định trận đấu.

Không cầu thủ hàng đầu, đội bóng sẽ bị tụt lại sau các đối thủ cạnh tranh. Việc thành công ở các đấu trường khắc nghiệt như Champions League sẽ thành vô vọng. Và mùa giải đầu tiên của Moyes ở M.U, có thể trở thành thảm họa.

Dù có tốn tiền, dù có phá vỡ quỹ lương, hay phải trả một cái giá đắt đỏ… M.U cũng phải mua thêm ngôi sao. Nhất là nếu Rooney ra đi, nhu cầu đó lại càng cấp bách.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm