Wayne Rooney: Sự chững lại của một thần đồng

31/10/2012 15:30 GMT+7

(TT&VH) - 10 năm tròn trôi qua kể từ ngày Wayne Rooney ghi một siêu phẩm chấm dứt chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal, nhưng cho đến khi các ngôi sao cùng thế hệ với anh, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, đã trở thành hai cái tên sáng giá nhất của bóng đá thế giới, thì tiền đạo của Manchester United vẫn làm chúng ta băn khoăn rằng liệu anh đã khai thác hết tiềm năng của bản thân?


10 năm sau bàn thắng lịch sử này, Rooney đã thực sự phát triển hết tiềm năng anh có?


Rooney đã có gần như tất cả khi mới 26 tuổi

Với bàn thắng vào lưới Arsenal vào năm 2002, Rooney trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử Premier League. Ở tuổi 16, anh đã làm được điều mà rất nhiều những tiền đạo kỳ cựu không thể mơ đến: "Rooney là tài năng lớn nhất tôi từng thấy kể từ khi đặt chân lên đất Anh. Chúng tôi đã bị đánh bại bởi bàn thắng đặc biệt của một tài năng đặc biệt" - HLV Arsene Wenger đã thốt lên như thế vào thời điểm ấy. Bàn thắng ấy không chỉ là một siêu phẩm, mà nó còn mang ý nghĩa lớn. Chấm dứt một kỷ lục không hề là chuyện đơn giản, nhất là với một chân sút mới 16 tuổi.

5 tháng sau bàn thắng lịch sử ấy, Rooney trở thành cầu thủ trẻ nhất từng khoác áo đội tuyển Anh, kỷ lục sau đó bị Theo Walcott phá vỡ. HLV Sven-Goran Eriksson nhớ lại trên BBC: "David Moyes không dám chắc rằng có nên để cậu ta lên tuyển sớm thế hay không. Nhưng Rooney đã làm được, chơi rất tốt, và phần còn lại của câu chuyện thì chúng ta đã biết".

"Phần còn lại" mà ông Eriksson nói đến bắt đầu ở EURO 2004. Rooney đến giải năm 18 tuổi, đá chính, ghi 4 bàn thắng, trở thành chân sút tốt thứ hai của giải đấu (sau Milan Baros, 5 bàn), và được chính ông Eriksson so sánh với Vua bóng đá Pele. Đó là bước ngoặt trong sự nghiệp của Rooney. Anh chuyển đến đội bóng thành công nhất của kỷ nguyên Premier League, Manchester United, với giá chuyển nhượng kỷ lục 27 triệu bảng.

Cristiano Ronaldo, bằng tuổi Rooney (sinh năm 1985), ghi 2 bàn ở EURO 2004. Ở độ tuổi Rooney làm mưa làm gió tại BĐN 8 năm về trước, Lionel Messi dự World Cup 2006, ghi một bàn và kiến tạo một bàn. Nhưng những gì mà tiền đạo của M.U làm được ở độ tuổi của anh vẫn là độc nhất vô nhị.

Sau 8 năm kể từ EURO 2004, Rooney đã có gần như mọi thứ ở tuổi 26: 4 chức vô địch Premier League, 2 Cúp Liên đoàn và một Cúp Champions League. Với 183 bàn thắng sau 372 trận cho M.U (3 trong số đó được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất mùa bóng, Rooney xứng đáng có một vị trí đẹp trong lịch sử của đội áo đỏ.

Cuộc đua bóng Vàng & Sự chững lại của một thần đồng

Nhưng khi Ronaldo và Messi đang khiến cả thế giới sôi sục với cuộc cạnh tranh của riêng họ đến danh hiệu Quả bóng Vàng, thì Rooney vẫn vật lộn với phong độ thất thường của anh ở M.U. Và đó là điều không hiếm gặp trong khoảng 4 năm qua. Ngay cả trong hai mùa bóng đẹp nhất từ trước đến giờ của Rooney (mùa 2009-2010 và mùa trước, với cùng 34 bàn thắng qua 44 trận tính trên mọi đấu trường), thì đặt anh bên cạnh Ronaldo và Messi vẫn là một điều gượng ép.

Ngay cả khi còn là đồng đội ở M.U, thì Ronaldo mới là người giành danh hiệu Quả bóng Vàng (2008). Sau đó, Messi giành 3 bóng Vàng liên tiếp từ 2009 đến 2011. Bây giờ, trong cuộc bầu chọn năm nay, thì sự xuất hiện của Rooney trong danh sách đơn thuần là cho đủ số. Mùa này, anh mới ghi hai bàn (cùng trong trận thắng Stoke City gần hai tuần trước), chơi khá mờ nhạt, và phải nhường "sân khấu" cho Robin van Persie. Ở độ tuổi đáng ra phải rực rỡ nhất, Rooney vẫn chưa thực sự bùng nổ đúng với tiềm năng được phát lộ cách đây 10 năm của anh.

Trước Rooney, một cầu thủ đúng nghĩa thần đồng khác của bóng đá Anh là Michael Owen đã khiến cả thế giới sửng sốt tại World Cup 1998 khi chưa đầy 19 tuổi, thậm chí còn đoạt Quả bóng Vàng năm 21 tuổi, nhưng đã được coi là lão tướng từ năm 25 tuổi (thời điểm anh rời Real Madrid sang Newcastle), và sự nghiệp lúc này coi như đã kết thúc, ở tuổi 32.

Nếu Rooney dính phải nhiều chấn thương như Owen, chưa chắc anh đã có thể nằm trong tốp những tiền đạo hàng đầu vào thời điểm này. Người Anh rất giỏi thổi phồng những tiềm năng thành thần đồng và tạo ra những áp lực cho họ, nhưng không giỏi tạo ra một ngôi sao đúng nghĩa.

Trường hợp của Rooney là một ví dụ nữa về một nền bóng đá có quá nhiều những cầu thủ trẻ được gán mác thần đồng, nhưng trong số đó có quá ít những thần đồng thực sự, và ngay cả những thần đồng thực sự ấy đều chững lại sau những thành công từ khi còn quá trẻ. Một nền bóng đá đào tạo trẻ sai cơ bản khá nhiều, và không chuẩn bị đủ hành trang cho những thần đồng thực sự phát huy hết tiềm năng của họ.

Phạm An



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm