Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 7): Giữ lửa lịch sử trong thời đại mới

13/02/2025 13:37 GMT+7 | Văn hoá

TP.HCM, nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa đa sắc, cũng là cái nôi nuôi dưỡng sân khấu kịch cách mạng Việt Nam. Từ những năm tháng khói lửa đến hành trình xây dựng đất nước, kịch cách mạng tại đây vẫn âm thầm chảy, kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại sôi động.

Còn trong bối cảnh hiện tại, với sự phát triển không ngừng của sân khấu, thể loại này đang đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội để đổi mới và tiếp cận đông đảo công chúng hơn.

Những "bảo tàng sống" về chiến tranh

Kịch cách mạng tại Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay có gốc rễ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi sân khấu trở thành phương tiện tuyên truyền sắc bén, thắp lên ngọn lửa đấu tranh. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kịch cách mạng bùng nổ mạnh mẽ hơn, trở thành "cầu nối" giữa hậu phương và tiền tuyến. Sau 1975, dòng kịch này tiếp tục phát triển, với nhiều tác phẩm ca ngợi các anh hùng dân tộc, tái hiện những sự kiện lịch sử quan trọng, đồng thời phản ánh những thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Điểm mạnh của kịch cách mạng là khả năng kết hợp giữa tính chân thực và sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, kịch cách mạng tại TP.HCM luôn chú trọng khai thác góc nhìn đa chiều về nhân vật, bên cạnh việc tôn vinh sự anh dũng mà còn làm nổi bật những nỗi đau, sự giằng xé nội tâm của con người trong thời chiến. Tại đó, trang phục, bối cảnh, ánh sáng được đầu tư tỉ mỉ, biến sân khấu thành "bảo tàng sống" về chiến tranh. Khán giả tìm thấy ở đây không chỉ niềm tự hào dân tộc mà còn những thông điệp sâu sắc về trách nhiệm công dân, lòng nhân ái và sự đoàn kết. 

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 7): Giữ lửa lịch sử trong thời đại mới - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở "Khát vọng hòa bình" của Nhà hát Kịch TPHCM

Tại TP.HCM, một số sân khấu vẫn kiên trì theo đuổi kịch cách mạng, trong đó phải kể đến Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B, Sân khấu Trịnh Kim Chi... với các vở diễn tiêu biểu như Dấu xưa, Điều thiêng liêng nhất, Sống mãi tuổi xuân, Cuộc hành trình tìm bức chân dung, Cánh đồng rực lửa, Khát vọng hoà bình…

Các đạo diễn và nghệ sĩ gạo cội như NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo, Hạnh Thuý… đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển dòng kịch này, mang nó đến gần hơn với khán giả trẻ, giúp họ cảm nhận được sự hy sinh của cha ông.

Dù mang ý nghĩa lớn lao, kịch cách mạng tại TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt từ các thể loại giải trí khác như phim ảnh, game online… Giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến lịch sử, họ thích xem những thứ giải trí hơn là ngồi xem kịch về chiến tranh. Cho nên, có một thực tế: Hầu hết các vở kịch cách mạng đều đi diễn phục vụ hoặc ra mắt trong các đợt liên hoan sân khấu chứ ít khi nào bán vé. Tuy nhiên, hiệu ứng của kịch cách mạng vẫn có, hễ xem là khán giả xúc động, chứ không phải thờ ơ.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 7): Giữ lửa lịch sử trong thời đại mới - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở "Ngày ấy Cổng Trời" của sân khấu Trịnh Kim Chi

Ngoài ra, chi phí sản xuất cho các vở diễn này cũng là cái khó. Dàn dựng một vở kịch cách mạng đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về bối cảnh, phục trang và diễn viên đông đảo có khi lên đến 50 - 60 người. Nhiều cảnh chiến tranh được tái hiện đòi hỏi phải sáng tạo rất cao cho khán giả cảm nhận được "đúng là chiến tranh", nhưng vẫn phải có tính ước lệ để đúng chất sân khấu, và nhất là phải tiết kiệm tối đa kinh phí.

NSND Trịnh Kim Chi cho biết: "Kinh phí của Nhà nước cấp thì có hạn, chúng tôi phải gói ghém dữ lắm mới đủ. Ngay cả cát sê khi đi phục vụ cũng coi như bồi dưỡng xăng xe, son phấn thôi. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì trách nhiệm, và cũng rất hào hứng khi thấy bà con chăm chú xem và xúc động".

"Làm kịch cách mạng không có nghĩa là sao chép y nguyên sách sử" - đạo diễn Hạnh Thúy.

Khi lịch sử hòa nhịp cùng hiện đại

Dù gặp nhiều thử thách, nhưng kịch cách mạng vẫn đang có những bước chuyển mình tích cực. Một số sân khấu đã mạnh dạn thử nghiệm những cách tiếp cận mới như kết hợp yếu tố hiện đại, khai thác đề tài mới và mở rộng đối tượng khán giả.

Một ví dụ về sự tìm tòi trong đề tài cách mạng là vở kịch Âm binh của NSND Hoàng Yến. Xoay quanh bi kịch của người phụ nữ trong mối quan hệ ân - nghĩa - tình với hai người lính ở hai chiến tuyến đối địch, vở diễn chạm đến những vấn đề sâu sắc về chiến tranh, lòng bao dung và tình người. Thủ pháp dàn dựng bằng tranh cát độc đáo đã thổi hồn vào những hạt cát vô tri, biến chúng thành những thước phim sống động về không gian và thời gian. Ở đó, cát được sử dụng linh hoạt, khi thì dữ dội như bom đạn, khi lại bình dị như làng quê mộc mạc. Cát cũng hóa thân thành các nhân vật qua các giai đoạn, thay đổi theo từng cung bậc cảm xúc, tạo nên một không gian đa chiều, vừa đẹp đẽ vừa huyền ảo.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 7): Giữ lửa lịch sử trong thời đại mới - Ảnh 4.

Một cảnh trong vở "Đồng chí"của Sân khấu 5B. Ảnh: H.K

Hoặc, vở Đồng chí của Sân khấu Nhỏ 5B đan xen giữa cuộc sống hiện tại và hồi ức quá khứ, kể về ba thế hệ trong một gia đình quân nhân. Tác phẩm nêu bật xung đột về quan điểm và lý tưởng sống giữa các thế hệ, đồng thời nhấn mạnh tình đồng chí, đồng đội trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là ở thời bình  - khi vòng xoáy lợi ích cuốn con người bỏ quên lý tưởng.

Vở Cánh đồng rực lửa của Sân khấu Quốc Thảo tái hiện sự kiện 32 dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Vở có nội dung mang tính anh hùng ca nhưng được thể hiện mềm mại, nhẹ nhàng bởi nét duyên sân khấu, tạo nên những tiếng cười thú vị bên cạnh những giây phút lắng đọng rưng rưng.

Vở Khát vọng hòa bình của Nhà hát Kịch TP.HCM lại khai thác khía cạnh nhân văn trong thời chiến và bài học về sự hàn gắn. Những phân đoạn hài nhẹ nhàng, dí dỏm hòa cùng một chút tình yêu giữa mưa bom, bão đạn đủ làm người xem dễ chịu. Đặc biệt là cách xử lý không gian thông minh với hai tầng sân khấu thể hiện tính chất độc đáo của hệ thống địa đạo Củ Chi, kết hợp với các thước phim tài liệu mỗi khi chuyển cảnh giúp khơi gợi ký ức về những năm tháng lịch sử.

Sân khấu Trịnh Kim Chi có vở Ngày ấy Cổng Trời khắc họa hình ảnh đầy cảm xúc về lực lượng nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vở kịch tập trung vào những chi tiết đời thường, giản dị, làm mềm mại không khí chiến tranh. Dàn dựng sân khấu được đánh giá cao về tính thẩm mỹ với thiết kế công phu, linh hoạt, giúp chuyển đổi cảnh một cách thông minh và hiệu quả, tạo nên sự hài hòa và không gây cảm giác khô khan.

Còn đạo diễn Hạnh Thuý thì có vở Những cánh hoa trinh trắng kể câu chuyện có thật về 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ. Bằng thủ pháp nghệ thuật tăng cường cảm xúc, tác phẩm thể hiện tương phản sự kiên cường, mạnh mẽ và nét mềm mại, hồn nhiên của các cô gái, làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và sự hy sinh cao cả. Thiết kế sân khấu công phu, dàn dựng các cảnh chiến tranh, bom rơi một cách tàn khốc nhưng vẫn ấn tượng về mặt nghệ thuật. Hạnh Thuý tâm sự: "Làm kịch cách mạng không có nghĩa là sao chép y nguyên sách sử. Chúng tôi phải tìm cách làm mới câu chuyện, để khán giả cảm thấy gần gũi hơn".

Kịch cách mạng tại TP.HCM dẫu chưa bao giờ là dòng kịch ăn khách, nhưng vẫn âm thầm chảy như một lời tri ân, như sứ mệnh cao cả mà các nghệ sĩ sân khấu đang miệt mài thực hiện với những nỗ lực đổi mới. Nhiều sân khấu chú trọng đào tạo diễn viên trẻ, kết hợp với các trường đại học để tổ chức workshop về kịch sử. Bên cạnh đó, sự ra đời của các nền tảng số như YouTube, TikTok cũng mở ra cơ hội quảng bá các vở diễn này. Điều quan trọng của mảng đề tài này là giữ được tinh thần và thông điệp của kịch cách mạng mà vẫn có thể hòa nhập với xu hướng nghệ thuật đương đại, từ đó tiếp tục truyền lửa yêu nước đến khán giả hôm nay và mai sau.

Đáp ứng các nhu cầu đặc thù

Đạo diễn Hoàng Tấn, phụ trách nghệ thuật Nhà hát Kịch TP.HCM chia sẻ: "Các vở kịch cách mạng đa phần đáp ứng nhu cầu của các tổ chức chính trị xã hội. Chẳng hạn chùm kịch ngắn Đâu có giặc là ta cứ đi, Mùa xuân, Trao súng sẽ kết hợp với chương trình ca múa nhạc đưa đi phục vụ ngoại thành, hoặc học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Như vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung sử dụng màn hình Gauze lung linh như phim, làm người xem thích thú. Câu chuyện kịch cũng được các bạn đón nhận với góc nhìn hiện đại, giúp giới trẻ hiểu được giá trị của cuộc chiến tranh cách mạng, tạo được hiệu ứng lan toả khá rộng rãi".

(Còn tiếp)

Anh Vũ

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm