19/01/2023 11:00 GMT+7 | Giải trí
MV Chuyến xe chiều 30 Tết của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phát hành ngày 12/1 vừa qua trên kênh YouTube cá nhân với 1,63 triệu người đăng ký, tính tới cuối ngày 16/1 đạt hơn 472 ngàn lượt xem.
Dẫu không quá ồn ào như nhiều sản phẩm của các ca sĩ trẻ đình đám hiện nay, nhưng MV Chuyến xe chiều 30 Tết đang nói thay tâm trạng của nhiều khán giả và là một trong những sản phẩm có những nét riêng so với những sản phẩm âm nhạc mùa Tết Quý Mão 2023.
Chạm vào cảm xúc
Nhìn vào những bình luận của độc giả về MV Chuyến xe chiều 30 Tết trên kênh Youtube của ca sĩ, có thể thấy phần lớn đều gắn với tâm trang chung đang mong ngóng được trở về sum vầy cùng mẹ cha, gia đình trong những ngày Tết đã gần kề. "Một MV, một bài hát ý nghĩa từng ca từ khiến cho khóe mắt ai đó cay cay mỗi khi Tết đến xuân về", tài khoản @cucthi518 để lại bình luận. "Nhớ nhà muốn khóc, nghe bài hát càng buồn thêm. Tâm trạng những người xa xứ, nghe lời hát thấm thía" - tài khoản @user-lf4iz6lm7h cho biết.
Trong tâm trạng trĩu nặng, tài khoản @libra841000 để lại ở phần bình luận: "Gần 20 năm rồi, chuyến xe chiều 30 Tết cứ thế đi qua mà không có tôi. Một bài hát nói lên tất cả tâm sự của những người con xa quê hương"."Cảm giác mồ côi bị trỗi dậy mạnh mẽ và nước mắt cứ tuôn trào khi nghe anh hát", tài khoản @ngocbichtrang5945 giãi bày và nhắn nhủ mọi người: "Hãy về nhà khi còn có thể. Còn cha còn mẹ là điều hạnh phúc nhất".
Tết năm nay tài khoản @congtruongdinh7948 năm nay ở lại Sài Gòn, khi bắt gặp MV đúng hoàn cảnh của mình thì chia sẻ cảm xúc: "Chưa 30 mà nghe chảy nước mắt rồi. Năm nay không về quê, 30 Tết nghe bài này chắc nước mắt tuôn rơi nhiều lắm".
Trong khi đó, thưởng thức MV Chuyến xe chiều 30 Tết giúp Xuân Hồng, chủ nhân một tài khoản có tên là @nammoadiaphat5495 nhớ lại một bài thơ từng tham gia một cuộc thi thơ học đường. Bài thơ dài, trong đó có khổ kết: "Xuân về xua bão táp/ Xua cả những buồn phiền/ Mang hạnh phúc vô biên/ Đến mọi miền đất nước".
MV "Chuyến xe chiều 30 Tết"
Một câu chuyện của xã hội
Thực ra, chẳng phải ngẫu nhiên câu chuyện của Chuyến xe chiều 30 Tết lại dễ thu hút được sự quan tâm và đồng cảm từ nhiều khán giả. Nội dung MV chính là tâm trạng của rất nhiều người trong số chúng ta: Sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ bên gia đình, cha mẹ, rồi đến tuổi trưởng thành phải tạm rời xa mái ấm yêu thương với nhiều mục đích khác nhau.
MV Chuyến xe chiều 30 Tết với sự góp mặt của các nghệ sĩ Thanh Hằng, Tấn Thi, Anh Tú, Hoàng Đô, Thanh Tùng là một câu chuyện cụ thể hơn, kể về những người con xa xứ với những nỗi niềm, khi ngày Tết đã đến mà vẫn còn ngổn ngang những suy nghĩ. Như trường hợp của Nhựt, nhân vật trong MV do Anh Tú đóng, xa nhà làm công nhân nhưng lại bị cho nghỉ việc ngay trước Tết. Dẫu Nhựt còn đủ cả cha mẹ nhưng anh mang nỗi mặc cảm khi không thành công, không có chút tiền mang về cho cha mẹ trong dịp Tết...
Nhựt là nhân vật "điện ảnh hóa" từ nguyên mẫu đời thực là rất nhiều bạn trẻ đang làm công nhân ở các khu công nghiệp, dẫu có quyết tâm, chấp nhận cuộc sống xa nhà để có cơ hội kiếm tìm những công việc phù hợp nhưng lại rất bấp bênh vì có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Khi ra mắt MV, ê-kíp thực hiện chia sẻ rằng tình trạng thất nghiệp, không thành đạt, không có tiền Tết mang về cho cha, mẹ là vấn đề không của riêng ai.
Chính những điều đó đã tạo nên nguồn cảm hứng và ý tưởng để ê-kíp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thực hiện MVChuyến xe chiều 30 Tết. Cùng với MV, ê-kíp gửi gắm thông điệp dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì "được về với gia đình, còn cha, còn mẹ là Tết còn hạnh phúc".
"Thông thường, những sản phẩm âm nhạc Tết thường rất sôi nổi, rộn ràng. Cũng có những ca khúc tính chất chậm hơn chút nhưng đều truyền tải một tinh thần vui tươi, xốn xang. Vậy nhưng Chuyến xe chiều 30 Tết lại là một bản ballad buồn. Cách thể hiện cũng ngập tràn tâm trạng" - nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Một ca khúc đầy tâm trạng
Chuyến xe chiều 30 Tết là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Phúc Trường. Ca khúc gồm 2 đoạn, mỗi đoạn có 2 câu. Ca khúc đậm tính tự sự, lại được thể hiện qua giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng cũng đầy tâm trạng, đôi khi còn nức nở.
Nhìn vào ca từ thì Chuyến xe chiều 30 Tết giống như một bài văn kể với văn phong rất đời. Ca khúc bắt đầu bằng ca từ: "Chiều 30 Tết, tôi đứng đón xe về nhà/ Nhìn xung quanh tôi người ta háo hức vui cười/ Bỗng dưng khựng lại trong tôi một giây/ Khóe mi lệ nhòa đau nhói trong tim/ Và giây phút ấy, tôi thấy tôi thật vô tâm". Câu nhạc gợi mở hành động của nhân vật kể câu chuyện. Đây cũng là câu đầu tiên của đoạn nhạc thứ nhất.
Câu thứ 2 của đoạn nhạc này, nhân vật chính tiếp tục kể câu chuyện của mình: "Vậy mà hôm qua, tôi nghĩ sẽ không về nhà/ Mẹ cha tôi khóc, hỏi "Sao chưa thấy con về?"/ Tôi trả lời rằng "Con phải tăng ca, để kiếm thật nhiều tiền về cho cha"/ Mà tôi đâu biết một điều, cha mẹ tôi đâu cần điều đó".
Đoạn nhạc thứ 2 là mong muốn của nhân vật chính rằng: "Giờ tôi chỉ mong chuyến xe cuối cùng này đến thật nhanh/ Để tôi chạy tới, ôm chặt lấy cha tôi, mẹ của tôi/ Và nói: "Con đã về, con xin lỗi"/ Mẹ tôi khóc, kéo tay tôi vào trong". Câu thứ 2 tiếp tục khẳng định giá trị gia đình là điều hết sức quan trọng không gì có thể sánh bằng và đánh đổi được: "Và tôi nhìn thấy tình thân quý khi gia đình sum vầy/ Và tôi hạnh phúc khi tất cả còn được ở bên tôi/ Cuộc sống rất vô thường, ta nào đâu biết/ Hãy quay về, khi còn có thể".
Đây là những ca từ có nội dung cũng như thông điệp được thể hiện trực tiếp và dễ hiểu. Về giai điệu, ca khúc có giai điệu khá đẹp, đậm chất tự sự, không dành nhiều đất cho sự phát triển,không tạo sự khác biệt giữa 2 đoạn nhạc như trong nhiều ca khúc nhạc Việt khác. Thay vào đó, ca khúc hướng người nghe vào nội dung câu chuyện muốn kể, cảm xúc trong nội dung ca từ cũng như thông qua giọng hát của ca sĩ.
Riêng
Thú thực, dẫu ở góc độ cá nhân với tư cách một khán giả, người viết vẫn chưa thực sự bị "cuốn" vào cảm xúc của Chuyến xe chiều 30 Tết, nhưng dẫu thế nào vẫn phải công nhận đây là một bản ballad đẹp. Với những gì được thể hiện trong phần âm nhạc, có thể thấy bản ballad này được thực hiện theo mô-típ những bản ballad Hàn Quốc.
Phần hòa âm được thực hiện với vòng hòa âm cũng không có gì đặc biệt. Dẫu thế, điểm đáng nói ở đây là cảm xúc không chỉ có ở riêng ca sĩ thể hiện mà còn ở cả những tiếng đàn từ piano cho đến đàn dây. Ở đó, người thể hiện đã biết đặt "tiếng nấc" vào đó. Nói dễ hiểu hơn, người làm nhạc cũng đã đặt cảm xúc của mình vào trong tác phẩm. Trong khi mọi thứ liên quan đến studio từ thu âm, mix tiếng đều tròn trịa, hay và thể hiện một vị trí nghề nghiệp với "tay nghề cao".
Vẫn còn một điểm đáng nói nhất, tạo nên cái riêng cho Chuyến xe chiều 30 Tết. Thông thường, những sản phẩm âm nhạc Tết thường rất sôi nổi, rộn ràng. Cũng có những ca khúc tính chất chậm hơn chút nhưng đều truyền tải một tinh thần vui tươi, xốn xang. Vậy nhưng Chuyến xe chiều 30 Tết lại là một bản ballad buồn. Cách thể hiện cũng ngập tràn tâm trạng, đôi khi giọng ca còn bị cảm xúc chi phối, tạo nên sự nức nở vốn không có trong những sản phẩm Tết.
Chuyến xe chiều 30 Tết đã chuyển tải thông điệp kêu gọi mọi người trở về nhà, không gì bằng tình cảm gia đình, bằng một cái Tết sum vầy với đầy đủ các thành viên trong gia đình... Ca khúc đồng thời cũng đã tạo cái nhìn mới về tính chất âm nhạc trong các sản phẩm ra mắt dịp Tết của nhạc Việt đại chúng.
Ê-kíp "Chuyến xe chiều 30 Tết"- ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Giám đốc sản xuất: Lương Minh Hồng
Giám đốc dự án: Đinh Chiến
Tác giả& Hòa âm: Phúc Trường
Mix & Master: Phúc Trường
Phòng thu: Studio 13
Đạo diễn hình ảnh: Lưu Hậu
Biên kịch: Hoàng Khôi
Hậu trường: Huy Ngô
Thiết kế mỹ thuật: Trần Hoàng Bảo Thiên
Thiết kế bối cảnh: Team Wind Đà Lạt
Trợ lý sản xuất: Trần Nhựt Trường
Điểm: 7,5
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất