22/06/2014 19:50 GMT+7 | Bảng G
(giaidauscholar.com) - Một phát hiện thú vị về đội tuyển Mỹ ở kỳ World Cup 2014: Trong đội hình của họ có đến năm cầu thủ giữ chiếc băng thủ quân. Đó là điều rất hiếm gặp trong thế giới bóng đá.
Trước hết, như bất kỳ đội tuyển nào khác, đội tuyển Mỹ cũng phải có một thủ quân chính thức trên giấy tờ. Đó là Clint Dempsey, người có vóc dáng khá tương đồng với tiền vệ Michael Bradley. Ngoài ra, họ còn cầu thủ khác đủ khả năng sắm vai thủ quân như thủ thành Tim Howard, lão tướng đang chinh chiến tại Premier League hay DaMarcus Beasley, người từng bốn lần góp mặt tại các kỳ World Cup, và có khả năng chơi ở mọi vị trí trong đội hình. Trong một vài thời điểm, những cầu thủ như tiền vệ gốc Đức Jermaine Jones hay tiền đạo Jozy Altidore cũng được trao cơ hội cầm tấm băng đội trưởng trong tay.
Nói về sự kỳ quặc này, Beasley giải thích ngắn gọn: “Theo cùng một cách, mọi người ở đội tuyển Mỹ đều có thể trở thành thủ quân”.
Mở rộng vấn đề, thì hầu hết các vận động viên thể thao, không chỉ riêng bóng đá, đều đồng ý rằng vai trò của người đội trưởng là rất quan trọng. Nhưng chức năng của thủ quân ra sao thì lại là một câu hỏi mở.
Khi được hỏi về vấn đề này, Jermaine Jones cho rằng “Điều quan trọng là trên sân chúng tôi là một khối thống nhất, không phụ thuộc vào cá nhân nào”.
Tuy vậy, nếu đội tuyển Mỹ không thể vượt qua vòng bảng trong bảng đấu có sự hiện diện của Đức, Bồ Đào Nha và Ghana, thì cấu trúc kỳ quặc về chiếc băng thủ quân ấy sẽ trở thành đề tài được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất.
Nguồn gốc của câu chuyện chiếc băng thủ quân bắt nguồn từ thời điểm tháng 3/2013. Sau khi HLV Jurgen Klinsmann loại thủ quân lâu năm Carlos Bocanegra ra khỏi đội tuyển, ông tuyên bố Clint Dempsey sẽ là thủ quân mới của tuyển Mỹ. Nhưng ở giải Cúp vàng CONCACAF vào mùa hè năm ngoái, do Dempsey vắng mặt nên Beasley trở thành thủ quân của tuyển Mỹ.
Đối với thế giới bóng đá, chiếc băng thủ quân thường được trao cho cầu thủ có khả năng chỉ huy các đồng đội. Anh ta là người thúc đẩy những người khác tiến lên cũng như sẵn sàng thách thức lại những quyết định của các trọng tài. Những năm 1970, đội tuyển Đức có thủ quân tài ba Frank Beckenbauer. Hay như Pháp thời kì 1998-2006 có Zinedine Zidane. Thành công của Tây Ban Nha năm 2010 có dấu ấn của đội trưởng Iker Casillas.
Thế nhưng Dempsey lại chẳng hề có chút tố chất thủ lĩnh nào. Anh thường xuyên ẩn mình trong những thời điểm khó khăn của đội tuyển. Chính cầu thủ này thừa nhận mình may mắn khi có sự hỗ trợ đắc lực của những lão tướng như Bradley hay thủ thành Tim Howard.
Tiền vệ Jones đánh giá rằng việc có nhiều thủ quân trong đội hình sẽ giúp ích cho tuyển Mỹ trong những hoàn cảnh khác nhau.
Để chốt lại vấn đề, Tim Chandler, hậu vệ mang hai dòng máu Mỹ và Đức, khẳng định rằng người đóng vai trò thủ lĩnh trong phòng thay đồ của đội tuyển là thủ thành Tim Howard.
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất