26/10/2013 10:07 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Những bê bối xung quanh chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chưa có dấu hiệu dừng lại kể từ khi bị cựu nhân viên CIA Edward Snowden phanh phui. Hậu quả là uy tín và mối quan hệ của Washington với các đồng minh tại châu Âu đã xuống mức thấp nhất kể từ hàng chục năm qua.
Khi ông Barrack Obama còn là một ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ vào năm 2008, hàng chục nghìn người Đức đã có mặt tại cánh cổng Brandenburg tại Berlin để lắng nghe bài phát biểu của ông. Với tư cách là một ứng cử viên nhằm đem đến một sự đổi mới so với thời cựu Tổng thống Geogre W Bush, Obama hứa hẹn sẽ đem đến một kỷ nguyên mà các nước đồng minh sẽ lắng nghe, học hỏi lẫn nhau và hơn hết là tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn.
Một người Đức trong đám đông trước cổng Brandenburg nói rằng ông nhớ về bài hát với giai điệu sôi động Love Parade, bởi chưa từng có một chính trị gia nào kể từ thời cựu Tổng thống John F. Kenedy đã mang đến một niềm hy vọng lớn như thế với toàn châu Âu.
5 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, nếu bài hát Love Parade thể hiện sự hân hoan của người dân Đức và cư dân châu Âu nói chung, thì hiện tại có lẽ bài hát phù hợp nhất sẽ là After the Love Has Gone. Nước Mỹ giờ đây phải đón nhận sự giận dữ và hoài nghi từ chính những đồng minh chiến lược của mình.
Đức và Pháp tức giận, châu Âu mất niềm tin
Không giống như những trang tài liệu rò rỉ bởi Wikileaks, những tài liệu mật mà cựu nhân viên CIA Edward Snowden mang theo kể từ khi rời NSA luôn có một sức nặng đáng kể mà cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ.
Ngay cả những tờ báo của Đức và Pháp như Der Spiegel hay Le Monde đều đồng loạt tung ra những tài liệu của Snowden, mô tả chi tiết cách thức và những hình thức mà NSA tiến hành do thám công dân Pháp và nhà lãnh đạo Đức. Chưa dừng lại ở đó, tờ Guardian của Anh còn tung ra những tài liệu khẳng định NSA đã theo dõi mọi cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra giận dữ với những thông tin điện thoại của bà nằm trong tầm kiểm soát của NSA. Trong khi đó một trong những nhà lãnh đạo thân cận của bà Merkel nói rằng nước Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả với những hành vi xâm phạm nghiêm trọng những lợi ích cơ bản nhất của các nước đồng minh.
Ngay cả những tờ báo luôn có những góc nhìn bảo vệ nước Mỹ như Allgemeine Zeitung cũng phải đưa ra quan điểm "chính phủ Mỹ rõ ràng chưa thể nhận ra được mức độ nguy hiểm trong mối quan hệ ngoại giao mà tình báo Mỹ đã gây ra ở châu Âu".
Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng một trong những đồng minh thân cận như Mỹ mà lại tiến hành do thám các nước phương Tây là một điều không thể chấp nhận được. Rõ ràng nước Mỹ đã đi quá xa trong cái gọi là bảo vệ an ninh quốc gia.
Mỹ sẽ bị trừng phạt
Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã dẫn tới sự thay đổi toàn bộ chính sách tình báo của Mỹ ở nước ngoài. NSA được hỗ trợ đầu tư ở mức tối đa qua việc xây dựng trung tâm dữ liệu mới ở Bluffdale, Utah.
Sức mạnh tính toán từ trung tâm dữ liệu của NSA tương đương với hiệu suất của 62 tỷ chiếc iPhone 5s. Trung tâm dữ liệu ở Utah và trụ sở NSA ở Maryland luôn là những địa điểm tiêu tốn nguồn năng lượng khổng lồ của nước Mỹ hằng ngày.
Ông Obama trong cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước từng khẳng định nước Mỹ sẽ xem xét lại cách thức hoạt động của tình báo Mỹ và NSA. Tuy nhiên sau sự cố do thám ở châu Âu, ông Obama có lẽ cũng không chắc rằng nước Mỹ sẽ cần thay đổi như thế nào để lấy lại lòng tin của các đồng minh.
Các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc một thỏa thuận tạm thời chấm dứt thương mại tự do đối với Mỹ. Đàm phán về đẩy mạnh thương mại và hợp tác đầu tư giữa Mỹ và EU hiện đang trong tình trạng đóng băng và hoàn toàn có thể đổ vỡ bởi tờ Le Monde đã chỉ ra rằng ngay cả những tập đoàn lớn của Pháp như Công ty viễn thông Alcatel-Lucent cũng nằm trong tầm ngắm của NSA.
Nghị viện châu Âu trong nhiều năm qua luôn lo ngại về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu tài chính với Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ từ lâu đã sử dụng bộ máy liên ngân hàng để kiểm soát các dòng ngoại tệ, nhằm ngăn chặn những đồng tiền bất hợp pháp được chuyển tới các tổ chức khủng bố. Một biện pháp cứng rắn hoàn toàn có thể được đưa ra bởi nghị viện châu Âu nhằm ngăn chặn các dữ liệu được chuyển tới Mỹ mà không có sự cho phép từ trước.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hoàn toàn có lý do để lo lắng bởi những tài liệu rò rỉ bởi Snowden luôn có tính chính xác ở mức nhất định. Dù thế nào những nhà lãnh đạo hàng đầu như bà Merkel đã bắt đầu có những cái nhìn khác đối với nước Mỹ.
Hồng Đăng (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất