10/05/2025 18:56 GMT+7 | Tin tức 24h
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 10/5 cảnh báo “khả năng đáng kể” nước này sẽ không còn khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính vào tháng 8/2025, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ sớm hành động để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.
Hiện tại, trần nợ của Mỹ đang ở mức xấp xỉ 36.000 tỷ USD – giới hạn đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt và chính thức bị vượt quá từ tháng 1/2025. Kể từ đó, Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để duy trì thanh khoản và ngăn nguy cơ vỡ nợ. Nhưng ông Bessent khuyến cáo những công cụ này sẽ chạm giới hạn vào tháng 8/2025 nếu Quốc hội Mỹ không kịp thời hành động.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ông Bessent đề nghị Quốc hội Mỹ xem xét tăng hoặc tạm đình chỉ trần nợ vào giữa tháng 7/2025, trước kỳ nghỉ thường niên vào tháng 8/2025, nhằm bảo vệ uy tín tín dụng của nước Mỹ. Theo ông Bessent, những tình huống tương tự trước đây cho thấy việc trì hoãn đến phút chót có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường tài chính, hoạt động kinh doanh và chính phủ liên bang. Ông cho rằng nếu Quốc hội Mỹ không hành động kịp thời, hệ thống tài chính Mỹ sẽ phải đối mặt với cú sốc lớn, làm suy giảm an ninh quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này.
Quốc hội Mỹ đang tiến hành thảo luận về việc điều chỉnh trần nợ như một phần của gói biện pháp tài khóa rộng hơn, gắn với các ưu tiên chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù vậy, những cuộc thảo luận đến nay vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng, khiến ông Bessent phải đưa ra khuyến cáo.
Trước đó, Mỹ đối mặt một cuộc khủng hoảng trần nợ nghiêm trọng vào năm 2023, khi những cuộc đàm phán kéo dài giữa chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden với phe Cộng hòa tại Hạ viện khiến chính phủ liên bang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thỏa thuận về trần nợ khi đó chỉ đạt được vào cuối tháng 5/2023 và đến đầu tháng 6/2023 mới chính thức được ký ban hành, cận kề thời hạn Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo cạn kiệt ngân sách, gây biến động trên thị trường tài chính và ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Còn theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nếu Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế được gia hạn vĩnh viễn, nợ công của Mỹ có thể vượt 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2047 và chạm mốc 250% GDP vào năm 2054.
Chính sách cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump dự kiến hết hạn vào cuối năm nay, nhưng ông Trump và các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang kêu gọi gia hạn vĩnh viễn. Nhưng một số nghị sĩ bày tỏ lo ngại về ý tưởng này.
Theo CBO, nếu gia hạn đạo luật này mà không có điều chỉnh nào khác về chính sách tài khóa, nợ công của Mỹ sẽ đạt 214% GDP vào năm 2054. Nếu chi phí vay tăng thêm 1 điểm phần trăm do tình trạng tài chính xấu đi, nợ công có thể chạm mức 204% GDP vào năm 2047 và vượt 250% GDP vào năm 2054.
Hiện tại, tổng nợ công của Mỹ là 36.000 tỷ USD. Chi phí trả lãi hằng năm đã vượt 1.000 tỷ USD, cao hơn cả ngân sách quốc phòng.
Quỹ Peter G. Peterson cảnh báo rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng, làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính của Mỹ. Dự báo của CBO cho thấy ngay cả khi chính sách cắt giảm thuế hết hạn – một kịch bản ít khả thi – nợ công của Mỹ vẫn sẽ tăng từ 99% GDP hiện nay lên 166% GDP vào năm 2054, vượt kỷ lục sau Thế chiến II.
Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế như mở rộng sản xuất năng lượng, nới lỏng quy định và cắt giảm chi tiêu sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giúp mở rộng cơ sở thuế, giảm lạm phát và tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, từ đó hạ chi phí vay.
Báo cáo của CBO không đánh giá liệu mức nợ được dự báo ở trên có bền vững hay không. Theo mô hình ngân sách của Penn Wharton, nợ công của Mỹ không thể vượt quá 200% GDP ngay cả trong điều kiện thị trường thuận lợi. Nếu thị trường tài chính mất niềm tin vào khả năng kiểm soát nợ của chính phủ, khủng hoảng tài chính có thể xảy ra ngay cả khi tỷ lệ nợ trên GDP chưa chạm ngưỡng này.
Theo các chuyên gia, nếu không có luật nâng trần nợ công thêm một mức cụ thể, hoặc tạm dừng áp dụng quy định trần nợ trong một khoảng thời gian, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu và làm rung chuyển thị trường toàn cầu.
Phần lớn nền kinh tế thế giới dựa vào nợ chính phủ Mỹ làm chỗ dựa. Nếu khả năng trả nợ của Bộ Tài chính Mỹ bị đặt dấu hỏi, điều đó có thể khiến thị trường hoang mang và khiến giới doanh nghiệp và tổ chức tài chính nhanh chóng rút lại các khoản đầu tư.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất