27/06/2019 08:04 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Tại hội nghị mang tên "Từ hòa bình tới thịnh vượng" do Mỹ và nước chủ nhà Bahrain đồng tổ chức ngày 25 và 26-6-2019, Mỹ đã chính thức khởi động phần kinh tế trong đại kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch đầy tham vọng này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và thậm chí cả những nước đồng minh EU và Arab của Mỹ.
Kế hoạch đầy tham vọng
Kế hoạch kiến tạo hòa bình ở khu vực Trung Ðông, do Cố vấn đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ, là Jared Kushner soạn thảo, được chính quyền Mỹ ấp ủ và xây dựng trong hơn 2 năm qua và luôn khẳng định đây là một "Thỏa thuận thế kỷ". Vì nhiều lý do, Washington đã liên tiếp lùi ngày công bố kế hoạch trên và cũng giữ kín nội dung của văn bản, chỉ cho biết rằng kế hoạch hòa bình này gồm hai khía cạnh rõ rệt là chính trị và kinh tế, nhằm mục tiêu cuối cùng là giải quyết cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Lý giải về kế hoạch này tại hội nghị, ông Kushner cho biết, sự thịnh vượng của người dân Palestine sẽ không thể đạt được nếu không có một giải pháp chính trị công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Trọng tâm của Nhà Trắng là phá vỡ thế bế tắc trong các nỗ lực xây dựng hòa bình hiện nay. Do đó, ông Jared Kushner khẳng định phát triển nền kinh tế cho Palestine sẽ đem lại hòa bình và sự thịnh vượng thực sự.
Theo ông Kushner, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế cho Palestine sẽ hướng tới 4 mục tiêu chính, bao gồm tăng hơn gấp đôi giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Palestine, tạo ra hơn 1 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại đây từ 30% xuống mức một con số và hạ thấp tỷ lệ đói nghèo xuống một nửa cho người dân Palestine. Bên cạnh đó, Mỹ mong muốn chứng kiến nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho cả người dân Palestine và Israel, đồng thời khẳng định Washington không hề từ bỏ người dân Palestine.
Mỹ cũng hy vọng những quốc gia Arab sẽ thể hiện sự quan tâm đối với kế hoạch này của Mỹ và tài trợ đóng góp cho phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD này. Trong kế hoạch Kinh tế của đại kế hoạch Trung Đông của Mỹ, Mỹ dự định đề xuất đầu tư hơn 50 tỷ USD vào các nền kinh tế đang gặp khó khăn tại Trung Đông trong 10 năm tới, trong đó có việc kích thích “tiềm năng kinh tế” của Palestine. Theo kế hoạch này, 15 tỷ USD trong tổng số hơn 50 tỷ USD sẽ đến từ các khoản tài trợ, 25 tỷ USD từ các khoản vay được trợ cấp và khoảng 11 tỷ USD từ vốn tư nhân. Kế hoạch dự kiến hỗ trợ 179 dự án kinh tế trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nguồn nước, nguồn điện, viễn thông, du lịch và cơ sở y tế. 147 dự án trong số đó sẽ được triển khai trên lãnh thổ Palestine.
Những nội dung kinh tế mà Mỹ công bố tại hội nghị ở Bahrain lần này được coi là phần thứ nhất trong đại kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Tuy nhiên, phần chính trị của kế hoạch này đến nay vẫn là một ẩn số và chưa rõ liệu Mỹ có từ bỏ giải pháp "hai nhà nước" hay không. Nhưng theo những gì đến nay Mỹ tiết lộ, vấn đề mấu chốt trong tiến trình hòa bình Trung Ðông, là giải pháp “hai nhà nước”, dường như bị Mỹ phớt lờ.
Palestine phản đối, Isarel vắng mặt
Với tham vọng lớn là vậy, song hội nghị do Mỹ và Bahrain đồng tổ chức lần này lại thiếu vắng 2 chủ thể chính của kế hoạch Trung Đông, đó là Chính quyền Palestine (PA) và chính giới Israel. Trong khi mọi giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhất thiết phải có sự tham gia của cả Israel lẫn Palestine.
Về phía Palestine, tuy là nước được “thụ hưởng” trong kế hoạch Trung Đông của Mỹ, song ngay từ đầu chính quyền Palestine đã thẳng thừng khước từ. Ngay trước thềm khai mạc hội nghị ở Bahrain lần này, Tổng thống Palestine Mahmous Abbas, cùng giới chức cấp cao ở Bờ Tây, luôn khẳng định không tham dự sự kiện nêu trên, đồng thời kiên quyết phản đối bản kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Lý do mà Palestine đưa ra là kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ đã quá thiên vị Israel và không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Chính quyền Palestine chỉ chấp thuận một kế hoạch hòa bình, trong đó giải pháp chính trị phải là bước đi đầu tiên. Theo lập luận của Palestine, chừng nào chưa có giải pháp chính trị, thì không thể giải quyết bất cứ vấn đề kinh tế nào; và chỉ có thể xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng khi sự chiếm đóng của Israel phải chấm dứt, và Palestine được bảo đảm với tư cách một dân tộc tự do và có chủ quyền.
Chính vì vậy, ngay sau khi hội nghị trên kết thúc, trước những đề xuất kinh tế dành cho Palestine, chính quyền Palestine đã bác bỏ và khẳng định “không đánh đổi quyền lợi chính trị để lấy kinh tế”.
Trong khi đó, về phía Israel, các nhà phân tích cho rằng, dường như sự thiên vị của Mỹ dành cho Israel đã khiến nước này thấy không cần thiết phải xuất hiện ở hội nghị tại Bahrain lần này vì đã có đồng minh Washington “hết lòng” hậu thuẫn. Có thể thấy sự “thiên vị” của Mỹ dành cho Israel thể hiện rõ trong một loạt chính sách thời gian qua của nước này như: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (hồi tháng 12-2017), chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (hồi tháng 5-2018), hay gần đây là công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3-2019)… Thậm chí ngay cả việc Mỹ liên tục trì hoãn công bố kế hoạch Trung Đông cũng được xem là động thái thể hiện sự “thiên vị” tuyệt đối với đồng minh Israel. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tiếp tục trì hoãn công bố kế hoạch Trung Đông (đến tháng 11-2019) sau khi Israel tổ chức xong cuộc bầu cử lại vào tháng 9 tới cũng được cho là nhằm tạo lợi thế cho Thủ tướng Israel Netanyahu trong bối cảnh ông Netanyahu vẫn đang bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới ở Israel.
Chính bởi những điều “phi lý” này mà bản kế hoạch tổng thể về hòa bình Trung Đông của Mỹ đã bị phản đối ngay từ khi nó chưa được công bố.
Khó thành công
Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua, đến nay đã có nhiều sáng kiến và ý tưởng hòa giải, song chưa thành công. Hầu hết những đề xuất giải pháp cho đến nay đều dựa trên nguyên tắc Nhà nước Do thái và Nhà nước Palestine cùng tồn tại trong hòa bình, nghĩa là các nỗ lực đều hướng tới bảo đảm việc hình thành một nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cho người Palestine. Những điều cấp thiết cần giải quyết đầu tiên, ổn thỏa và lâu bền chính là Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng, quy chế của Jerusalem, hồi hương người tị nạn Palestine. Nếu những vấn đề đó không được giải quyết, thì khó có giải pháp chính trị và hòa bình.
Trong khi đó, Mỹ đang phớt lờ và không hề đả động tới các vấn đề cốt lõi trong tiến trình hòa bình Trung Đông đã được quốc tế đồng thuận, là giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới trước năm 1967. Điều này khiến dư luận quốc tế hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch Trung Đông này.
Không giải quyết những vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột, Mỹ đã lựa chọn cách theo đuổi một sáng kiến với những tính toán dựa trên lợi ích của chính mình và đồng minh Israel. Vì thế việc công bố nội dung kinh tế trong kế hoạch Trung Đông tại hội nghị ở Bahrain lần này, có vẻ như Mỹ đang hy vọng có thể dùng tiền để khiến người dân Palestine từ bỏ ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của mình. Song Mỹ đã sai lầm. Trải qua các thế hệ, người dân Palestine đã khẳng định không bao giờ đánh đổi khát vọng có một nhà nước độc lập của riêng mình, cũng như không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh chính nghĩa được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Bởi thế, với cách tiếp cận khác thông lệ, kế hoạch hòa bình mới của chính quyền Trump đã khó lòng thuyết phục được Palestine, cũng như nhiều đối tác, thậm chí cả đồng minh của Mỹ. Các nước đồng minh EU và Arab của Mỹ cũng cho rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà không cân nhắc đến giải pháp “hai nhà nước” sẽ có nguy cơ thất bại và bị lên án. Các nhà phân tích cho rằng, các nước trên sẽ không sẵn sàng bỏ tiền để đóng góp cho dự án mà họ biết trước không mang lại lợi ích gì. Và vì vậy, bước khởi đầu của một kế hoạch mà Mỹ gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” đã gặp rất nhiều sự phản đối.
Trọng Đức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất