19/11/2015 07:01 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Nhiều người Việt Nam qua Mỹ chơi hay hỏi: Ủa, sao dân Mỹ không khoái nhậu à?
1. Ở một đất nước mà khoảng 32 triệu người, tức một phần mười dân số có vấn đề với bia rượu thì đó là vấn nạn. Ở một đất nước mà cứ 10 người trưởng thành qua đời thì một trong số đó là chết vì đồ uống có cồn, nhậu là một mầm mống đầy nguy hiểm. Ở một nền kinh tế mà người ta ước tính mất cỡ 224 tỉ USD mỗi năm vì năng suất lao động giảm sút sau những cuộc chè chén cuối tuần, chữa trị bệnh từ rượu và cả những tai nạn giao thông thì chuyện “chén chú chén anh” cũng không thể đùa.
Chẳng hạn, hồi tháng Chín, ở thành phố Pittsburg, bang Pennsylvania, nơi có nhiều người Mỹ gốc Đức ghi nhận chuyện một thanh niên lái xe sau khi nốc 10 chai bia và còn hút cả bồ đà đã phóng xe lên tới 80km/h ở một khu vực mà giới hạn tốc độ chỉ bằng một nửa, giết chết cô bé sáu tuổi. Số phận của cô bé bị định đoạt trong đau đớn, nhưng số phận anh này cũng chẳng khá hơn. Câu đầu tiên anh ta thốt lên khi gọi cho mẹ của mình là "Mẹ ơi, con vừa tự làm toi đời mình".
Cái tội lái xe khi say rượu mà gây chết người bị quy vào tội giết người. Một người lái xe say rượu nhiều lần mà chưa gây ra hậu quả nào cũng bị bắt bỏ tù, thậm chí bị thu xe, và cái án như thế sẽ kèm theo nhiều biện pháp kiểm soát trong cả thập kỷ, và khả năng kiếm việc tốt là rất khó dù anh ta có là giáo sư.
Nhưng cũng đừng nghĩ rằng bia rượu gây nên những vấn đề nghiêm trọng mang tính xã hội, kinh tế, an toàn như thế mà mỗi con phố ở Mỹ có thể biến thành một siêu phố bia rượu. Các quán nhậu không thể mọc lên như nấm và rầm rập hoạt động từ sáng tới đêm và từ thứ Hai tuần này cho tới thứ Hai tuần khác.
Một trong những địa chỉ nổi tiếng ở Washington DC mà tôi hay giới thiệu bạn bè từ xa tới là quán Hot n Juicy có món Crawfish (một loại tôm) trứ danh, nhậu rất "tốn bia", nhưng cũng chỉ trở nên đông đúc vào cuối tuần và người ngồi tràn ra những chiếc bàn kê ngay ngắn bên vỉa hè vào những tối hôm ấy.
2. Cuối tuần. Vâng, chính xác là như thế. Nó là quãng thời gian mà người Mỹ, trong đó có giới trẻ nhậu nhiều nhất khi họ không phải tới trường đại học hay tới những công sở. Tôi cũng từng hay ngồi ở cái nhà hàng Capitol Bistro nằm ngay sau tòa nhà Rayburn House của Hạ viện Mỹ vào những buổi trưa đi theo dõi các phiên điều trần thì kết quả của những cuộc khảo sát bằng thị giác của mình là hầu như không ai uống bia cả. Mà văn hóa “lobby”, cậy nhờ nghị sĩ tạo chính sách ở Mỹ không phải dạng vừa.
Thật khó để có thể tồn tại ở Quốc hội Mỹ nếu một nghị sĩ nào đó gà gật, vì sự săm soi và thẳng thắn của truyền thông từng khiến Thượng nghị sĩ John McCain phải nhọc công thanh minh nhân một lần ông bị bắt quả tang đang chơi game trên Iphone trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ.
3. Một thực tế khác là giới trẻ Mỹ nhậu chủ yếu ở nhà nếu như họ không có đủ tiềm lực tài chính để có thể lôi nhau tới những quán bar cũng chỉ đông đúc vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy. Cái cảnh hàng người xếp dài trước cửa quán bar chờ tới lượt vào có lẽ chưa bao giờ xảy ra vào các buổi tối còn lại.
Đám sinh viên còn trẻ, chưa tới tuổi được mua bia rượu sống ở gần nhà thường hay nhờ đám sinh viên năm cuối vào siêu thị mua bia vào chiều thứ Sáu. Họ cũng giống như thế hệ những công chức trẻ sống ở nhà thuê tụ tập, ăn uống và nhảy nhót thâu đêm.
Nhậu ở nhà như thế họ chỉ phải đối phó với hàng xóm nào đó có thói quen gọi 911 báo cảnh sát vì bị làm phiền, chứ không phải xoay trở với việc cả nhóm nhậu nhưng phải chừa ai đó ra để lái xe. Vì thực tế, cảnh sát tuần tra nhiều khi cũng hay phục ở gần mấy quán bia lớn và nhiều nơi không bán thêm bia sau 12 giờ.
Tức là muốn biết về nhậu ở Mỹ, thì không chỉ cần cứ chạy ra đường bất cứ lúc nào là cũng có thể chụp ảnh mỏi tay như ở ta.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất