09/04/2025 06:30 GMT+7 | Văn hoá
Làm sao để Việt Nam khai thác hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa nhằm tăng cường vị thế quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt về bản sắc? Đây là câu hỏi quan trọng được các chuyên gia đặt ra và làm rõ tại chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) tổ chức vào chiều 8/4 tại Hà Nội.
Hai diễn giả chính của chương trình đối thoại là PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng VICAST) và ông Frédéric Martel (nhà văn, giảng viên đại học người Pháp).
Tại sự kiện, sức mạnh mềm văn hóa - khái niệm không mới, nhưng ngày càng trở nên sống còn với các quốc gia - được 2 diễn giả khẳng định là yếu tố chiến lược trong việc khẳng định hình ảnh, tăng cường ảnh hưởng và nâng cao vị thế quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, một số các cường quốc đang tăng cường sức mạnh mềm văn hóa, tạo ra cả gợi ý lẫn thách thức cho Việt Nam. Đồng thời, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển của truyền thông đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa văn hóa, khiến việc kiểm soát, thích ứng và bảo vệ bản sắc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Toàn cảnh chương trình đối thoại “Sức mạnh mềm văn hóa” với 2 diễn giả chính là chuyên gia Frédéric Martel (Pháp) và PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng VICAST)
"Từ các sản phẩm giải trí đến thời trang, điện ảnh, các quốc gia phát triển đã chứng minh rằng văn hóa không chỉ là tài nguyên tinh thần, mà còn là thương phẩm giá trị, là công cụ mềm có sức lan tỏa mạnh mẽ. Với Việt Nam, điều này đặt ra bài toán vừa phát huy bản sắc vừa phải thích ứng linh hoạt, sáng tạo trong chiến lược phát triển" - bà Phương đặt vấn đề.
Từ bối cảnh quốc tế nhìn về thực trạng và tiềm năng của Việt Nam, bà Phương chỉ rõ, sau gần 4 thập niên Đổi mới, Việt Nam đã từng bước hình thành được khung chính sách có khả năng chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm thông qua các kênh truyền dẫn như ngoại giao, truyền thông và công nghiệp văn hóa.
"Việt Nam đang sở hữu tới 8 trụ cột tài nguyên văn hóa có giá trị chuyển hóa thành sức mạnh mềm, gồm: Di sản văn hóa phi vật thể; di sản vật thể; di sản thiên nhiên; lễ hội mới và sự kiện; các ngành công nghiệp văn hóa; các giá trị và danh nhân văn hóa; tổ chức văn hóa cộng đồng; các cơ sở vật chất và không gian văn hóa" - bà Phương phân tích - "Những trụ cột này đã góp phần đưa Việt Nam vượt qua cả Hàn Quốc và Singapore về lượng du khách quốc tế năm 2018 - minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc phát huy tài nguyên mềm".
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ rõ: "Các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn chưa phát huy được hết khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm". Mặc dù lĩnh vực điện ảnh, thời trang, du lịch có nhiều tiến bộ, nhưng tỷ trọng đóng góp GDP của công nghiệp sáng tạo mới đạt khoảng 4% - con số chưa tương xứng với tiềm năng. Sự lấn át của sản phẩm văn hóa ngoại nhập cùng tình trạng thiếu liên kết giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền khiến Việt Nam chưa thể tạo ra các thương hiệu văn hóa mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Chuyên gia Frédéric Martel (Pháp) và PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng VICAST) là hai diễn giả chính
Chia sẻ từ góc nhìn quốc tế, ông Frédéric Martel cho rằng, muốn phát triển sức mạnh mềm, Việt Nam cần tạo ra "một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện". Theo ông, đây không chỉ là việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa quy mô lớn mà còn phải nuôi dưỡng những ý tưởng nhỏ, đa dạng và đầy màu sắc từ các cộng đồng dân tộc, từ các nghệ sĩ độc lập, các khởi nghiệp văn hóa, trường đại học và các viện nghiên cứu.
Ông Martel nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn có nhiều dư địa để chiến thắng trên bình diện của các nội dung và các sản phẩm mang bản sắc dân tộc. Không có một thủ đô văn hóa duy nhất trên thế giới - từ Los Angeles, Paris đến Seoul, Mumbai - tất cả đều cho thấy khả năng định vị văn hóa là hoàn toàn khả thi nếu có chiến lược tổng thể".
Theo chuyên gia người Pháp này, điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải hình thành một hệ sinh thái có sự hiện diện đồng thời của các yếu tố: Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nghệ sĩ có ý tưởng độc đáo, chính sách sở hữu trí tuệ minh bạch, truyền thông hiệu quả và thị trường quảng cáo đủ mạnh để nuôi dưỡng các dự án nghệ thuật. Tất cả những điều đó sẽ giúp nghệ thuật "có tiếng nói của mình" trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất