07/06/2011 15:03 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Với việc đội tàu con thoi sắp sửa về hưu sau tháng 6 này, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã vừa giới thiệu một thế hệ tàu vũ trụ mới, không chỉ có khả năng đưa các phi hành gia vào quỹ đạo thấp của Trái đất mà còn có thể tiến sâu vào trong vũ trụ, tới những điểm xa xôi như sao hỏa.
Tháng trước, NASA đã công bố kế hoạch nghiên cứu và sản xuất loại tàu vũ trụ đời mới, có thể mang theo con người đi vào quỹ đạo Trái đất và sâu trong vũ trụ. Con tàu hiện đại tối tân với sức chứa 4 phi hành gia này được gọi là MPCV (Tàu chở người đa nhiệm), được chế tạo dựa trên thiết kế ban đầu của tàu vũ trụ chở người Orion.
Sống sót sau "cái chết" của Constellation
Lịch sử của Orion bắt đầu từ năm 2004, trong chương trình Constellation được khởi xướng dưới thời Tổng thống G.W.Bush, đặt mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng và lập một địa điểm để sống lâu dài ở đây. Dưới Constellation, không chỉ Orion mà cả tàu đổ bộ Mặt trăng Altair cũng được nghiên cứu chế tạo. Cả hai sẽ được tên lửa đẩy Ares I hoặc Ares V đưa lên không gian.
Tuy nhiên vấn đề của Constellation là nó quá đắt đỏ trong khi ngân sách dành cho chương trình tàu thám hiểm không gian có người điều khiển của Mỹ lại rất hạn chế. Quốc hội không đồng ý tăng mạnh ngân sách cho Constellation như điều người ta đã làm với chương trình Apollo, dưới thời John Kennedy trong những năm 1960.
Con tàu MPCV (ảnh) thực chất là phiên bản tiếp tục hoàn thiện
của chương trình tàu vũ trụ Orien
Thực tế này khiến khi Obama nắm quyền, ông đã lập tức ra quyết định hủy bỏ chương trình. Obama cũng tuyên bố nước Mỹ sẽ không trở lại mặt trăng mà sẽ hướng tới hẳn những mục tiêu cao xa hơn như sao hỏa.
Sau “cái chết” của Constellation, chỉ còn chương trình nghiên cứu tàu Orion được giữ lại. NASA đã tiêu hơn 7,7 tỉ USD vào chương trình và Lockheed Martin Corp, nhà thầu chính được lựa chọn để sản xuất tàu Orion, đã đốt hơn 5 tỉ USD trong số đó vào các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm.
Quan chức NASA Douglas Cooke nói rằng việc Orion tiếp tục được giữ lại và phát triển là quyết định đúng đắn. “Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến triển với Orion. Chúng tôi đã có cơ sở thử nghiệm mặt đất được xây dựng đầy đủ với rất nhiều hệ thống đã được lắp đặt để thử nghiệm. Vì thế chương trình sẽ nhanh chóng vận hành bình thường" - ông nói.
Phương tiện sẽ giúp nhân loại tới sao hỏa?
NASA cho biết tàu MPCV sẽ cung cấp một không gian sống đủ cho 4 phi hành gia làm việc liên tục suốt 21 ngày ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Tàu này an toàn hơn 10 lần so với tàu con thoi trong quá trình ra và vào bầu khí quyển, do nó có trang bị các hệ thống hủy phóng và cứu nạn. Những hệ thống này có thể đẩy MPCV bay xa khỏi quả tên lửa đẩy, nếu sự cố xuất hiện.
Trong thử nghiệm diễn ra hồi năm ngoái ở sa mạc Mojave, hệ thống an toàn này đã hoạt động rất tốt, hoàn toàn không gặp lỗi gì.
Tariq Malik, quản lý biên tập của trang web Space.com, nói rằng trong khi có thể được dùng để thay thế cho đội tàu con thoi sắp về hưu, NASA đã không tạo ra Orion với mục đích này. Thay vì thế, con tàu sẽ được cơ quan sử dụng như phương tiện thực hiện nhiều chuyến bay vượt qua quỹ đạo Trái đất, vào sâu trong vũ trụ.
“Tàu sẽ được dùng để thăm các vệ tinh của những hành tinh ngoài kia. Nó sẽ có khả năng tổ chức một chuyến đi bộ ngoài không gian. Ngoài ra người ta còn dùng nó như thành phần trung tâm trong hệ thống tàu sẽ thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm sâu trong không gian. Bạn có thể dễ dàng lắp các module hoặc những phụ kiện thêm vào để phục vụ những nhiệm vụ này" - Malik đánh giá.
Con tàu Orion ban đầu được thiết kế cho các nhiệm vụ kéo dài 21 ngày. Douglas Cooke cho biết trong các sứ mạng dài ngày như thám hiểm sao hỏa, nó có thể được gắn cùng với các tàu khác lớn hơn, trong vai trò một module. “Con tàu này sẽ được để trong chế độ ngủ đông trong khi phi hành đoàn làm việc ở con tàu lớn, có nhiều không gian và các thiết bị hỗ trợ sự sống hơn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Orion sẽ được kích hoạt trở lại hoạt động và nó sẽ giúp đưa các phi hành gia về Trái đất" - ông nói.
Trong khi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng các hệ thống liên quan, gồm một quả tên lửa đẩy cần thiết để đưa MPCV vào không gian, Malik tin rằng NASA và các đối tác đang đi đúng hướng, trong việc giúp các chương trình thám hiểm không gian có người điều khiển của Mỹ tiến bước tiếp vào tương lai. Ông nói rằng NASA đã đặt hy vọng có thể phóng con tàu này vào quỹ đạo Trái đất trong vòng 5 năm tới. Về tương lai xa hơn, NASA đã lên kế hoạch tổ chức một chuyến bay của MPCV tới các thiên thạch vào năm 2025, trước khi chính thức đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030.
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất