Bằng chứng có sự tồn tại của châu lục thứ 7 trên trái đất

19/02/2017 09:02 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm khoa học New Zealand, Trái Đất thực sự có một châu lục mới, với tên gọi “Zealandia”.

Nhóm khoa học gồm 11 nhà nghiên cứu đã phát hiện ra New Zealand và New Caledonia thực chất là một phần của một châu lục khổng lồ có diện tích 4,9 triệu km2 bị tách rời khỏi châu Đại Dương. Zealandia đang bị chôn sâu dưới Thái Bình Dương và gắn liền với New Zealand.

Theo tài liệu nghiên cứu được xuất bản bởi Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, kỹ thuật vệ tinh dò tìm bản đồ trọng lực và đo độ cao mực nước biển đã tìm ra 94% bề mặt châu lục mới nằm sâu dưới đại dương, nguyên nhân là do vỏ Trái Đất bị bào mỏng trước khi bị phân tách.


New Caledonia thực chất là một phần của một châu lục khổng lồ có diện tích 4,9 triệu km2. Ảnh minh họa

Trong tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích tầm quan trọng của phát hiện này: “Việc xác định Zealandia như một châu lục còn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chỉ đưa thêm một cái tên vào danh sách. Một châu lục bị chôn sâu dưới đại dương nhưng chưa bị phân rã thành từng mảng có thể là công cụ hữu ích trong việc nghiên cứu sự kết nối và phân chia từ siêu lục địa khổng lồ".

Đội nghiên cứu khẳng định Zealandia là một châu lục hoàn chỉnh, thay vì theo lý thuyết trước đó, nó là tập hợp của rất nhiều mảnh ghép và các đảo lục địa.

Theo quy ước của đa số các nước thì thế giới gồm 6 châu bao gồm: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Nam Cực. Nếu như được xác thực, thì việc thêm Zealandia sẽ đem tổng số các châu lục lên con số 7.

Độ dày lớp vỏ Trái Đất của châu Zealandia đo được trải dài từ 10 đến 30 km, ngang bằng diện tích của Ấn Độ. Nhiều nhà khoa học tin rằng châu lục này phân tách khỏi Nam Cực 100 năm trước và tiếp tục tách khỏi châu Đại Dương cách đây 80 triệu năm.

Theo Hồng Hạnh - RT/Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm