Làm thế nào để Nasri hài lòng?

31/08/2011 11:55 GMT+7 | Pháp

(TT&VH) - Một trong những lý do quan trọng giải thích cho sự mờ nhạt của Samir Nasri trong trận gần nhất khoác áo ĐT Pháp (hòa Chile 1-1), chính là việc HLV Blanc không trao cho anh vai trò một “số 10”, mà xếp tiền vệ này vào bộ ba tiền vệ ở giữa sân, xây dựng nền tảng cho các đợt công kích ở phía trên.

Tiền vệ Nasri - Ảnh Getty

Đội Pháp dưới thời ông Blanc thường chơi 4-3-3, và cốt lõi của hệ thống ấy là ba tiền vệ ở giữa sân. Alou Diarra (hoặc Blaise Matuidi) đá trụ. Yann M`Vila chơi con thoi. Chỉ còn vị trí “nhà tổ chức” (playmaker), là chưa chắc chắn thuộc về ai. Trong danh sách đội tuyển Pháp được triệu tập lần này, chỉ có Yohan Cabaye, Samir Nasri và Marvin Martin là có thể chơi ở vị trí này. Cabaye được đánh giá cao nhờ sự cần mẫn và cơ động, Martin có khả năng bùng nổ tuyệt vời, nhưng Nasri là người “cân bằng” tốt nhất giữa khả năng giữ nhịp và sự bùng nổ. Trên lý thuyết, anh là người phù hợp nhất (và cũng lý tưởng nhất, nhờ các phẩm chất kỹ thuật vượt trội hai người còn lại) có thể đảm nhiệm vai trò tiền vệ  tổ chức, trong sơ đồ 4-3-3.

Nhưng thực tế trên sân thì ngược lại. Nasri chơi rất nổi bật trong những trận anh được đẩy cao, đá ngay sau tiền đạo duy nhất trong sơ đồ 4-2-3-1, và mờ nhạt khi bị kéo về vòng tròn trung tâm. Trong trận đấu gần nhất khi khoác áo Man City, Nasri đã có 3 đường chuyền thành bàn, khi được xếp đá cơ động ở một trong 3 vị trí ngay sau tiền đạo duy nhất Dzeko. Trong các trận được xếp chơi tiền vệ trung tâm ở Arsenal trước đây, và ngay cả ở đội tuyển Pháp, Nasri thậm chí còn khiến đội bóng của mình đánh mất thế trận, dù ở vị trí ấy, trách nhiệm lớn nhất của anh là giữ và điều phối bóng.

Ở trận gần nhất gặp Chile, cựu tiền vệ Arsenal chính là người đã khởi xướng đợt tấn công đem về bàn thắng cho tuyển Pháp, nhưng anh không giữ được nhịp độ thi đấu cho đội bóng. Pháp bị cuốn theo lối chơi nhanh của Chile, vì người có trách nhiệm “neo” bóng lại giữa sân và chống đỡ lại tốc độ của đối thủ là Nasri dường như cũng chỉ muốn chơi nhanh. Tiền vệ của Man City thường xuyên đưa ra các quyết định mạo hiểm (chọc khe và đột phá nhiều hơn các đường mang tính điều tiết), “ngại” chuyền về, và chỉ thực sự muốn cầm bóng lâu khi dâng lên đột phá. Nói cách khác, Nasri có lẽ đã không nhận thức đúng vai trò của anh: Ở trong hệ thống 4-3-3, thì bộ ba tiền vệ trước hết phải làm tròn trách nhiệm giữ nhịp, trước khi tham gia vào các tình huống tạo đột biến vào thời điểm phát hiện sơ hở của đối phương.

Và xem ra, việc ông Blanc phát biểu rằng ông chờ đợi hơn từ Nasri cũng không phải không có lý, dù tiền vệ của Man City có lẽ vẫn tự cho rằng mình chơi không quá tồi?

PAN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm