NATO bị chỉ trích vì giết con ông Gaddafi

02/05/2011 10:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 1/5, phát ngôn viên chính phủ Libya nói rằng bom đạn từ các máy bay của Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sát hại con trai trẻ nhất của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tin này đã làm dấy lên những chỉ trích và nghi vấn về mục tiêu thực sự của NATO: họ tới quốc gia châu Phi để bảo vệ dân lành theo nghị quyết LHQ hay ngấm ngầm tìm cách ám sát ông Gaddafi.


Con trai Saif Al-Arab của ông Gaddafi, được cho đã thiệt mạng vì bom NATO
Trước báo giới, phát ngôn viên chính phủ Libya Mossa Ibrahim nói rằng cuộc không kích của NATO nhằm vào tổ hợp dinh thự của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nằm ở Bab al-Aziziya đã làm con trai Saif Al-Arab Gaddafi cùng 3 đứa cháu thiệt mạng.

Libya nói có, NATO bảo không

Ibrahim cho biết ông Gaddafi và vợ đang ở trong căn nhà khi nó trúng phải ít nhất 1 quả bom. Rất may mắn hai vợ chồng đều bình an vô sự và đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Ông Ibrahim không công bố tên tuổi những đứa cháu đã thiệt mạng, chỉ cho biết chúng trẻ hơn 12 tuổi.

Có vẻ như một số thông tin tình báo đã bị rò rỉ. Khu vực bị đưa vào mục tiêu rất rõ ràng, cũng như các vùng phụ cận. Những người Libya bình thường sống ở nơi này. Đây rõ ràng là một hoạt động ám sát trực tiếp nhằm vào lãnh đạo của đất nước này” - Ibrahim nói và tố cáo cuộc tấn công không hợp pháp và phi đạo đức.

Tuy nhiên Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định việc lựa chọn mục tiêu của NATO ở Libya là hoàn toàn tuân thủ với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Cả Bộ Ngoại giao Anh và NATO đều tuyên bố họ vẫn chưa thể xác nhận có đúng Saif Al-Arab và những đứa cháu có thiệt mạng thật hay không. Một số thành viên phe chống đối chính phủ ở Libya thậm chí còn cho rằng việc tuyên bố Saif Al- Arab đã chết chỉ là một chiêu để khuấy động sự cảm thông của thế giới.

Saif Al-Arab từng du học ở Đức và được biết đến hồi năm 2006 trong một vụ gây lộn với một vệ sĩ hộp đêm ở Munich. Nguyên nhân do tay vệ sĩ đã tống cổ bạn gái của Saif Al-Arab ra ngoài một cách thô bạo. 2 năm sau, anh sắm một chiếc Ferrari sang trọng, nhưng do ống xả của xe gây tiếng ồn quá lớn nên cảnh sát Đức đã tịch thu nó.

Cuối năm 2008, anh tiếp tục bị nghi ngờ đã mang một khẩu súng trường, một khẩu súng ngắn ổ xoay và đạn dược vào Paris bằng một chiếc xe hơi đeo biển số ngoại giao. Tuy nhiên các cáo buộc đã bị hủy bỏ do người ta không tìm thấy đủ bằng chứng buộc tội. Được biết trong các con của ông Gaddafi, Saif Al-Arab được xem là nhân vật ít nổi tiếng nhất và ảnh hưởng cũng không lớn như các anh.

Gia đình hùng hậu của ông Gaddafi

Gaddafi có tổng cộng 2 người vợ và 8 đứa con, với 7 là con trai. Con trai cả Muhammad Al-Gaddafi do bà vợ đầu sinh ra và được giao điều hành Ủy ban Olympic Libya. Con trai thứ do vợ hai Safia sinh ra, có tên Saif Al-Islam Muammar Al-Gaddafi. Saif Al-Islam là một chính trị gia ở Libya và điều hành tổ chức từ thiện GIFCA chuyên tham gia đàm phán lấy lại tự do cho các con tin bị các chiến binh Hồi giáo bắt cóc, nhất là ở Philippines. Năm 2006, sau khi chỉ trích kịch liệt ông Gaddafi, Saif Al-Islam đã có thời gian ngắn rời khỏi đất nước nhưng rồi lại trở về quê để phát động chiến dịch bảo vệ môi trường. Con trai thứ 3, Al-Saadi Al-Gaddafi, đã cưới con gái của một thủ lĩnh quân sự. Saadi được giao điều hành Liên đoàn Bóng đá Libya và đã ký hợp đồng để chơi bóng với nhiều CLB khác nhau, gồm đội Perugia Calcio ở giải Serie A.

Con trai thứ 4, Al-Mu’tasim-Billah Al- Gaddafi, là một thiếu tá trong quân đội Libya. Anh này sau đó phục vụ trong vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia Libya và trực tiếp giám sát Ủy ban An ninh Quốc gia. Cả Saif Al-Islam và Moatessem-Billah đều được đánh giá là hai ứng viên sẽ kế nhiệm ông Gaddafi.

Người con trai thứ 5 là Hannibal Muammar Al-Gaddafi, cựu nhân viên của Công ty Vận tải Hàng hải Quốc gia chuyên xuất khẩu dầu. Anh này nổi tiếng vì có liên quan tới nhiều vụ gây lộn ở châu Âu. Đơn cử như hồi năm 2001, Hannibal đã dùng bình cứu hỏa đánh 3 cảnh sát Italia. Tháng 9/2004, anh ta bị bắt ở Paris vì lái một chiếc Porsche chạy ngược chiều và vượt nhiều đèn đỏ ở vận tốc lên tới 140km/h, trong tình trạng say xỉn. Năm 2005, Hannibal lại bị bắt ở Paris vì tội đánh bạn gái và là người mẫu Aline Skaf. Vụ này khiến anh ta bị giam 4 tháng tù. Tháng 12/2009, cảnh sát được gọi tới Khách sạn Claridge ở London vì có tiếng thét lớn vọng ra từ phòng của Hannibal. Khi mở cửa, người ta thấy Skaf, người đã được Hannibal lấy làm vợ, thâm tím mặt mày, gãy mũi. Rõ ràng cô đã bị chồng đánh, nhưng lại lý giải mình bị thương do ngã. Con trai thứ 6 của ông Gaddafi là Khamis Al-Gaddafi, người đang chỉ huy Sư đoàn Khamis nổi tiếng thiện chiến của quân đội Libya. Con trai trẻ nhất chính là Saif Al-Arab.

Người con gái duy nhất của Gaddafi là Ayesha Al-Gaddafi. Cô cũng là luật sư đã tham gia vào nhóm bào chữa cho cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Có tin Gaddafi còn có 2 người con nuôi là Muhammad và Gilad.

Ám sát lãnh tụ, một chính sách thiếu khôn ngoan

Hiện cái chết của Saif Al-Arab có đúng hay không sẽ phải chờ kiểm chứng. Nhưng nếu đó là sự thật, NATO sẽ phải lãnh hậu quả xấu.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc giết hại Saif Al-Arab không mang lại lợi ích quân sự nào nhưng lại dẫn tới những thảm họa nghiêm trọng về ngoại giao. Nó gợi nhớ tới vụ không kích tương tự nhằm vào Bab al-Aziziya, được tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh hồi năm 1986, cũng đã khiến 1 người con nuôi của ông Gaddafi thiệt mạng. Việc Gaddafi còn sống sót khiến ông tiếp tục trở thành biểu tượng kiên cường chống sự can thiệp của bên ngoài, đồng thời gây chia rẽ trong lòng các kẻ thù và cho thấy mặt trái của các chính sách ưu tiên vũ lực của NATO.

Giá trị tuyên truyền của những sự kiện như thế này cũng rất lớn. Người ta hẳn còn nhớ trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, một chiếc máy bay ném bom tàng hình của Mỹ đã thả 2 quả bom vào một mục tiêu được cho là “hầm ngầm chỉ huy và kiểm soát” nhưng thực tế lại là một nơi lánh nạn của dân thường. Hậu quả là 315 người mất mạng, gồm 130 trẻ em. Gaddafi, giống như ông Saddam, hẳn sẽ dựa vào những sự kiện như thế để đẩy mạnh việc tuyên truyền chống các nước phương Tây.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nếu NATO hy vọng việc ám sát Gaddafi sẽ lập tức chấm dứt chiến sự thì họ đã nhầm. Quyền lãnh đạo sẽ được chuyển vào tay những người như con trai Saif Al- Islam Gaddafi và chiến sự sẽ tiếp diễn, thậm chí còn leo thang ở mức độ lớn hơn. NATO sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nước không đồng tình với cuộc chiến như Nga, Trung Quốc, do đã vượt quá quyền hạn được LHQ cho phép. Tệ hơn, nó sẽ làm rạn nứt quan hệ trong khối NATO và khiến dư luận ở các nước Arab và châu Phi phẫn nộ. Shashank Joshi, một nhà nghiên cứu thuộc viện RUSI nói rằng trong kịch bản tệ nhất, có thể chỉ còn Anh và Pháp, những nước hăng hái tham chiến nhất, phải nai lưng gánh chi phí khổng lồ của cuộc can thiệp quân sự này.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm