26/02/2018 08:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tết là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt, nên có quá nhiều cung bậc, diện mạo, tuỳ cách tiếp cận mà chúng ta nhận ra những ý nghĩa cho riêng mình. Tuy nhiên đây đó vẫn có nhiều ý kiến cho rằng “Tết quá phiền toái”, “đang yên đang lành thì tự nhiên Tết”, “Tết phải chen chúc về quê, phát mệt”, “Tết thật tốn kém”…
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Nếu không có Tết thì sao? Thì chắc chắn với nhiều người, quê hương là “một đi không trở lại”, nhất là khi cha mẹ cùng con cái ở xa quê, hoặc họ đã qua đời.
Nhiều người khác xem Tết cũng là dịp hiếm hoi (không muốn nói là duy nhất) để về quê thăm cha mẹ, họ hàng, làng xóm. Nhiều người rời quê 20 năm mà chỉ trở về thăm cha mẹ có 4-5 lần, và đó cũng chỉ là dịp Tết. Tết trở thành động lực rất lớn để trở về.
Nếu không có Tết, nhiều công việc, nhiều công ty cũng sẽ không cần đến dịp nghỉ ngơi đồng loạt và dài ngày này, cứ thế làm và làm năm này qua năm khác.
Nhìn ra đời sống, với nhiều người, Tết là dịp gần như duy nhất để nghỉ ngơi, còn hầu hết thời gian còn lại trong năm chỉ có làm và gắn bó với việc làm. Với nhiều người khác, tuổi trưởng thành cũng đồng nghĩa với làm hết ngày này qua ngày khác, làm từ lúc khỏe mạnh cho đến ốm đau, bệnh tật… mới được ngơi nghỉ.
Nếu không có Tết, đời làm việc của họ thật là dài và phi lý, vô vị. Phi lý vì con người trong xã hội nông nghiệp xa xưa chỉ làm việc tổng thời gian chừng vài tháng, còn lại là sống, vui chơi, lễ hội. Xã hội hiện tại được cho là văn minh hơn, no đủ hơn, nhưng riêng khía cạnh kiếm sống và vui sống thì vất vả hơn gấp bội, đôi khi phải làm đến 9 tháng thì mới đủ sống 1 năm.
Trên đây là tác dụng đầu tiên của Tết.
Tác dụng thứ hai, Tết là dịp kết nối giữa thành thị và nông thôn, giữa giới trẻ và người lớn tuổi, giữa hiện tại và quá khứ. Đô thị hóa cũng song hành với việc làm biến chất và biến mất nhiều bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục… Tết là dịp giúp hồi nhớ, kết nối trở lại.
Có thể quan sát đời sống thành thị của những người trẻ, gần như Tết là dịp hiếm hoi để họ chú tâm kết nối, thể hiện những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Hành trình hồi cố hương dịp Tết có thể bất tiện, tốn kém tiền bạc, nhưng cũng là dịp quan trọng để giới trẻ thành thị kết nối với tổ tiên, dòng họ và các bản sắc văn hóa khác. Ăn Tết, chơi Tết cũng là dịp gìn giữ văn hóa, thể hiện bản sắc, để ôn cố tri tân…
Tại sao con người cần có quá khứ và lịch sử? Bởi đây gần như là lý do duy nhất giúp con người khác với con vật, để tiến bộ, để đi tới trong các ngành nghề, công việc của mình. Không có quá khứ thì không có lịch sử, không có văn hóa, giáo dục, cũng đồng nghĩa không có ký ức, không có ngôn ngữ, khoa học, phát kiến và phát triển.
Tết là một thành tố quan trọng của văn hóa, của năm tháng, nên việc ăn Tết cũng là cách góp phần gìn giữ lịch sử, làm cho lịch sử thêm sống động, giàu sức sống hơn ở hiện đại. Không có quá khứ, không những không có hiện tại, mà còn không có cả tương lai…
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất