Góc nhìn: Sự rạn vỡ của triết lý Wenger

20/09/2014 07:21 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Đó là sự rạn vỡ của niềm tin vào một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt có thể lôi cuốn tất cả. Đó là sự rạn vỡ của triết lý bóng đá mà HLV Arsene Wenger đã dành cả cuộc đời theo đuổi, và phải chống lại rất nhiều định kiến để theo đuổi.

1. Ông Wenger có lẽ đã nhìn thấy thứ bóng đá tuyệt vời ấy trong 90 phút giữa tuần vừa qua, nhưng chỉ tiếc rằng đội thi triển lối chơi ấy không phải Arsenal. Ngược lại, Arsenal đã vỡ vụn bởi chính lối chơi ấy, và có lẽ đã cảm thấy một sự sụp đổ trong tâm can khi thua Dortmund bởi chính cách chơi mà ông Wenger muốn Arsenal thi triển được (và đã từng làm được trong quá khứ).

Trong bài viết mới nhất trên tờ ESPN, nhà báo Gabriel Marcotti đã so sánh màn trình diễn của Dortmund trong trận thắng Arsenal với những gì mà đội AC Milan vĩ đại của mùa giải 1988-1989 đã làm được, không hẳn là ở kết quả (Milan mùa ấy từng đè bẹp Real Madrid 5-0 ở bán kết và Steaua Bucharest 4-0 ở chung kết Cúp C1), mà là ở lối chơi tấn công nghẹt thở và ở một đẳng cấp gần như hoàn hảo.

Dortmund chỉ cầm bóng 44% thời lượng, nhưng tung ra 23 pha dứt điểm trúng đích, và chạy hơn đối phương hơn 11 km (119,8 so với 108 của Arsenal). Họ khống chế toàn sân, pressing liên tục với cường độ khủng khiếp, mà rõ ràng Arsenal không phải là một đội bóng yếu, đặc biệt là trong một thế trận cởi mở. Dortmund không phá lối chơi, mà cho đối phương cơ hội để cùng chơi, nhưng đơn giản là họ quá vượt trội so với đội bóng thành London.

2. Nếu nhìn vào những cái tên trong đội hình Dortmund, khó tưởng tượng được rằng họ có thể tạo ra một thứ bóng đá đẳng cấp cao nhường ấy: Dortmund thiếu ba cầu thủ trụ cột là Mats Hummels, Ilkay Guendogan và Marco Reus, nhưng hệ thống của HLV Juergen Klopp đã giúp những cái tên còn khiêm tốn như Pierre Aubameyang, Erik Durm hay Henrikh Mkhitaryan đá như những siêu sao hàng đầu Thế giới.

Và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là họ duy trì được lối chơi ấy một cách liên tục và trong rất nhiều trận đấu của mùa giải. Điều không tưởng với cách chơi tiêu hao thể lực kinh khủng và luôn đòi hỏi sự làm mới chính mình, về các phương án chiến thuật và cả cảm hứng thi đấu.

Đó chưa bao giờ là đội bóng có nhiều ngôi sao, thậm chí họ đã chảy máu lực lượng quá nhiều chỉ trong vài mùa bóng. Mùa này, Dortmund cũng trải qua một kỳ chuyển nhượng khá lặng lẽ, sau khi “mất trắng” chân sút Roberto Lewandowski cho Bayern: Họ đón Nuri Sahin và Shinji Kagawa trở lại từ Real Madrid và Man United. Mức phí chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng có lẽ là chẳng tốn bao nhiêu tiền.

3. Nhưng đội bóng khiêm tốn về ngân sách ấy đã vô địch Bundesliga hai lần liên tiếp trong ba năm qua (2011, 2012), về nhì hai lần liên tiếp ở Bundesliga (2013, 2014), vô địch Cúp QG Đức 1 lần (2012), giành 2 Siêu Cúp Đức, và về nhì ở Champions League mùa 2012-2013.

Họ đi một con đường tương tự Arsenal, nhưng hiệu quả mà Dortmund tạo ra thì vượt xa Arsenal, đội bóng chỉ vừa giải được cơn khát trắng tay suốt gần một thập kỷ. Arsenal vẫn giữ được những CĐV trung thành nhờ triết lý đi ngược với số đông của họ, và lối chơi đẹp của họ, nhưng giữa tuần qua, khi đặt cạnh Dortmund, đội bóng của ông Wenger bỗng hóa tầm thường.

Con đường của ông Wenger có thể không sai, nhưng rõ ràng là có một đội bóng cũng có triết lý tương tự họ và làm được tốt hơn họ, mà không phải dằn vặt về chuyện cái đẹp hay là danh hiệu. Cái đội vừa đánh bại Arsenal ấy không phải một CLB lắm tiền nhiều của như Real, Barca hay Bayern, cũng không phải một đội thực dụng và tiêu cực chuyên đi phá lối chơi.

Vì thế, nếu Arsenal vấp ngã trước Aston Villa cuối tuần này, thì không hẳn là vì họ đầu tư không đủ tiền. Có thể là không đủ khôn ngoan, hoặc không đủ trái tim.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm