Guus Hiddink: Người thay đổi lịch sử

20/06/2008 08:10 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Sau khi bị tống cổ khỏi EURO 1996, Edgar Davids đã gọi Hiddink là "kẻ bất tài". Ban lãnh đạo của Real Madrid cho rằng Hiddink là "kẻ bất lực trong phòng thay đồ" khi đưa ra quyết định sa thải ông chỉ sau 6 tháng dẫn dắt "Kền kền trắng" (mùa 1998-1999).

Nhưng đó là tất cả những lời chê bai về Hiddink. Còn lại, chỉ có ca ngợi và tán tụng. Marcello Lippi, được mệnh danh là "Bố già" và đưa Italia bước lên đỉnh cao thế giới năm 2006, từng khen Hiddink là HLV cực kỳ "cáo già và khôn ngoan". Tiền đạo Mark Viduka của Australia khẳng định ông sinh ra để trở thành chiến lược gia tài ba. Khi đi du lịch đến Hà Lan, phần lớn những người Hàn Quốc đều cố gắng ghé thăm Varsseveld, quê hương của Hiddink. Hôm qua, báo chí Nga không ngần ngại tuyên bố: "Chừng nào còn Hiddink, giấc mơ VĐ châu Âu vẫn còn trong tầm tay".

Hiddink không phải là HLV giàu danh hiệu. Ông chỉ có một số chiếc Cúp nội địa Hà Lan bên cạnh chức VĐ Cúp C1 với PSV mùa 1987-1988. Nhưng những nơi ông đặt chân đến, lịch sử nơi ấy được viết lại.

Từ Hàn Quốc đến nước Nga

Ngày 10/4/2006, Hiddink trở thành HLV ngoại đầu tiên trong lịch sử ĐT Nga. Sự kiện này đã gây bất bình đối với giới chuyên gia ở Nga, những người lên khẳng định "tinh thần dân tộc là trên hết. Nước Nga không thiếu HLV tài ba". Bất chấp thái độ bất bình ấy, LĐBĐ Nga vẫn không thay đổi quyết định. Chẳng phải vì Hiddink được giới thiệu bởi Abramovich, người đã tài trợ 1/2 tiền lương. Đơn giản, tài năng của Hiddink đã nhiều lần dập tắt những lời chỉ trích kiểu ấy.

6 năm trước đó, Hiddink tìm đến châu Á xa lạ. Những ngày đầu tiên với ĐT Hàn Quốc, ông không nhận được ánh mắt thiện cảm từ dư luận. Báo giới thường xuyên đưa hình ảnh Hiddink đi mua sắm cùng bạn gái lên trang bìa, kèm theo cái tít đầy oán trách: "Ông ta đến đây để làm gì?". Tháng 1/2002, tức khoảng 5 tháng trước World Cup, Hàn Quốc của Hiddink bị Mỹ đánh bại 1-2 ở Cúp vàng CONCACAF. Người dân Hàn Quốc cho rằng Hiddink đã quá thờ ơ với công việc.

Tháng 7/2005, Hiddink ngồi vào chiếc ghế HLV ĐT Australia. Nhưng vì đồng thời dẫn dắt PSV, Hiddink bị người Australia chỉ trích "không toàn tâm, toàn ý" với ĐTQG. Người ta còn thống kê chi tiết, thời gian Hiddink ở Australia chỉ bằng 1/5 thời gian ở Hà Lan.

Kết cục ra sao thì chúng ta đã biết. Với Guus Hiddink, Hàn Quốc trở thành đội bóng đầu tiên của châu Á lọt vào bán kết World Cup. SVĐ Gwangju, nơi chứng kiến chiến thắng của Hàn Quốc trước Tây Ban Nha ở tứ kết, được đổi tên thành sân Guus Hiddink. Bản thân Hiddink trở thành người nước ngoài đầu tiên được mang quốc tịch Hàn Quốc. Kèm theo đó là những phần thưởng khác: biệt thự ở đảo Jeju, đi máy bay và taxi miễn phí suốt đời...

Với Guus Hiddink, Australia lọt vào VCK World Cup sau 32 năm chờ đợi. Không chỉ dừng ở đó, Hiddink còn giúp Australia vượt qua vòng bảng, lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở vòng knock-out và bước tiến của họ chỉ dừng lại bởi bàn thua tranh cãi ở phút cuối trận gặp Italia. Nhưng dù sao, chừng đó là quá đủ để người Australia tôn thời Hiddink. Đã có hơn 2 vạn người chào đón đội bóng của Hiddink lúc họ trở về Australia, kèm theo đó là những băng rôn ca ngợi vị HLV người Hà Lan: "No Guus, No Glory" (Không Guus, không vinh quang), "In Guus we Trust" (Chúng tôi luôn tin tưởng ở Guus).

Rạng sáng qua, Hiddink lại thay đổi lịch sử của một nền bóng đá - bóng đá Nga. Sau chiến thắng 2-0 mỹ mãn trước Thụy Điển, ĐT Nga lần đầu tiên đặt chân vào tứ kết. Nếu tính cả thời Liên Xô, đây là thành tích tốt nhất của người Nga trong vòng 20 năm, kể từ khi họ thua... Hà Lan trong trận CK EURO 1988. Những kẻ chỉ trích ông trước đây giờ chỉ biết câm nín. Những người mộng mơ đang rất tin tưởng Hiddink sẽ đưa người Nga trở lại thời đỉnh cao của năm 1960, khi họ là nhà VĐ châu Âu.

Dấu ấn tài năng

Nếu nhìn lại suốt sự nghiệp HLV của Hiddink, có thể nhận thấy rằng: các cầu thủ của ông đều thi đấu với thể lực sung mãn. Năm 2002, Hàn Quốc của Hiddink thi đấu như thế họ vừa đá vừa ngậm... nhân sâm. Trở lại Hà Lan, các cầu thủ PSV luôn di chuyển ở tốc độ cao suốt 90 phút. Khi đến Australia, đội bóng của Hiddink vừa thi đấu kỹ thuật, vừa không ngại va chạm. Bây giờ là ĐT Nga. Ở EURO 2008, không đội bóng nào có thể thi đấu như cái cách ĐT Nga hủy diệt Thụy Điển: phối hợp bật tượng ở tốc độ khủng khiếp, cả đội di chuyển không nghỉ trong suốt 90 phút.

Hiddink là thế. Với ông, trong bóng đá hiện đại, thể lực là yếu tố quyết định. Nhưng dấu ấn của Hiddink không chỉ dừng ở đó. ĐT Hàn Quốc đã thi đấu cực kỳ thực dụng, không kém gì những đội bóng lớn của châu Âu. Dưới thời Hiddink, cầu thủ Australia được khuyến khích đá thiên về kỹ thuật cá nhân. Bây giờ, cầu thủ Nga vẫn giữ được những nét "rất Nga". Nhưng bên cạnh đó, Hiddink phần nào giúp họ khẳng phục những điểm yếu cố hữu. Nếu là trước đây, sau khi thua tan tác TBN, chắc chắn tinh thần của ĐT Nga sẽ xuống đến mức thảm hại và cầu thủ sẽ thi đấu buông thả. Một chi tiết thú vị khác về cách huấn luyện của Hiddink: cho phép các họ trò... chửi thề lúc tức giận hoặc bỏ qua một cơ hội trước khung thành. Lý do? Hiddink muốn khơi dậy tinh thần chiến đấu ở đội bóng, vốn luôn ở trạng thái "băng giá" suốt bao năm trước đó.

Người Nga của Hiddink đã vượt qua vòng bảng với khí thế hừng hực. Giờ là lúc cả châu Âu phải cẩn thận. Không chỉ mỗi Hà Lan...
 

2: Thất bại trước Nga là trận thua đậm nhất của Thụy Điển trong lịch sử tham dự EURO. Trước đây, họ chưa từng thua 2 bàn cách biệt.

3: Nga là 1 trong 3 đội vượt qua vòng bảng dù thua ở trận đầu tiên. Hai đội còn lại là Thổ Nhĩ Kỳ và Italia.

100%: Guus Hiddink chưa bao giờ bị chặn đứng ở vòng bảng. Ông từng 2 lần góp mặt ở tứ kết EURO (Hà Lan 1996, Nga 2008) và 3 lần vượt qua vòng bảng (Hà Lan 1998, Hàn Quốc 2002 và Australia 2006).

Khi Hiddink chống lại Hà Lan

Sự sắp đặt oan nghiệt của số phận. Ở tứ kế, Hiddink phải chống lại đội bóng quê hương của mình - ĐT Hà Lan. Trước đây, Hiddink từng ngồi vào chiếc ghế HLV ĐTQG, trong vòng 4 năm, từ 1994-1998. Lúc bấy giờ, Hiddink bỏ qua truyền thống, sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 thay vì 4-3-3. Với Hiddink, Hà Lan lọt vào tứ kết EURO 1996 và bị loại bởi ĐT Pháp sau thất bại trên chấm 11m. Đến World Cup 1998, Hà Lan của Hiddink lại phải chia tay cuộc chơi bởi vận rủi trên chấm 11m: thua Brazil ở bán kết.

Trong ĐT Hà Lan hiện tại, có 3 học trò của Hiddink còn sót lại từ World Cup 1998. Đó là thủ thành van der Sar, bắt chính giải ấy. Tuy nhiên, 2 hậu vệ van Bronckhorst và Ooijer lúc bấy giờ chỉ mới là gương mặt trẻ và thường xuyên ngồi ghế dự bị.

Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm