31/07/2016 07:17 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Không phải là ngày nhà báo, nhưng dư luận bỗng nhiên nói về cái nghề này sau khi xem xong ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến do ê-kíp phóng viên VTV24 thực hiện với vai trò dẫn dắt của BTV Lê Bình.
Ê-kíp đó đã lao vào một điểm nóng chiến sự - vốn vẫn xuất hiện từng ngày, từng giờ trên các trang báo của chúng ta. Đó cuộc chiến tại Syria với IS.Phóng viên chiến trường – cụm từ đang ngày càng trở nên xa lạ với chúng ta khi các cuộc chiến tranh trên đất nước mình đã lùi vào lịch sử tới ba bốn mươi năm rồi. Chúng ta vẫn nhớ về họ như những huyền thoại vào các dịp kỷ niệm. Đôi khi chúng ta gặp lại họ trên các bản tin thời sự thế giới, khi họ xông pha vào các cuộc chiến cách rất xa chúng ta, và dường như không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống yên bình của mình.
Nhưng khi có một ê-kíp phóng viên người Việt lao vào thì cuộc chiến ấy dường như đã được kéo lại gần.
Nhiếp ảnh gia chiến trường huyền thoại Robert Capa từng nói : “Nếu bức ảnh của bạn chưa đạt, đó là do bạn đứng chưa đủ gần chủ thể”.
80 năm trước, ngày 17/7/1936, khi cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, bằng cách can đảm theo sát các chiến sĩ ở chiến tuyến với những chiếc camera của mình, Robert Capa và bạn gái là Gerda Taro đã trở thành người tiên phong của nhiếp ảnh chiến tranh hiện đại.
Robert Capa đã "đến gần chủ thể" tới mức phải trả giá bằng mạng sống của mình khi đạp dính mìn ở Kiến Xương, Thái Bình năm 1954. Còn Gerda Taro thì thiệt mạng ngay trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha khi chiếc xe ô tô chở bà bị xe tăng đè bẹp ngày 26/7/1937.
Đến gần với chủ thể nhất - ở đây là mũi tên, hòn đạn - luôn là khát khao của các phóng viên chiến trường, giống như khát khao chinh phục đỉnh cao của các VĐV leo núi. Rất, rất nhiều người đã can đảm hy sinh.
Không thể phủ nhận là ê-kíp của BTV Lê Bình đã tiệm cận được với cuộc chiến ở cự ly khá gần trong một đường hầm đầy mùi thuốc súng mà trên đầu họ hay bên kia đường phố là các phiến quân với tiếng súng chát chúa.
Nhưng đáng tiếc là dù tiệm cận được như thế, nhưng họ đã tự đánh mất cơ hội đi vào "huyền thoại" phóng viên chiến trường. Không chỉ vì màu áo của họ bị cho là sặc sỡ quá mức (Isikawa Bundo thường mặc áo chống đạn với dòng chữ "Tôi là nhà báo. Xin đừng bắn tôi" khi xông pha trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam). Mà chủ yếu và vì cách xây dựng phóng sự của họ bị cho là "kịch quá mức" với quá nhiều các cảnh quay cảm xúc về... chính mình.
Họ đã có những cơ hội hết sức hiếm hoi để phản ánh chân thực sức nóng của cuộc chiến đó tới công chúng ở quê nhà. Nhưng dường như họ đã lãng phí hơi nhiều thời gian để thể hiện bản thân như thường thấy trong các show truyền hình thực tế.
Không ít độc giả cho rằng họ đã "diễn" hơi bị lố, khi liên tục nói vào ống kính các tính từ thể hiện cảm xúc của mình, thay vì để cho các âm thanh, hình ảnh nơi chiến sự tự nói.
Dù sao chúng ta cũng chúc mừng họ trở về an toàn, để có thể, chuẩn bị kỹ hơn, cho một chuyến xông pha mới.
Chúc quý vị một tuần lễ vui vẻ và an toàn!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất